Chống ngập chưa xong, TP.HCM lại lo chống khô hạn

08/12/2015 - 09:37

PNO - TP.HCM được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng El Nino năm 2015-2016, được cho là kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua.

Nhằm chủ động phòng, chống hạn hán năm 2015 - 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu các ngành, các cấp liên quan thực hiện các giải pháp sử dụng tiết kiệm nước, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi hợp lý trong tình hình khô hạn... El Nino năm 2015-2016 được cho là kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua.

Chong ngap chua xong, TP.HCM  lai lo chong kho han
Mực nước trong hồ Dầu Tiếng thấp hơn gần 1,5 m so với năm 2014.

Theo kết quả từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tổng lượng mưa, dòng chảy hầu hết khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Vì vậy mực nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện đều thấp hơn so với cùng kỳ 2014 và TP HCM được nhận định là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng.

Thực hiện yêu cầu chủ động phòng, chống hạn của UBND TP, trao đổi với cơ quan báo chí, ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) cho biết: Các nhà máy nước cũng như các đơn vị thuộc Sawaco đã xây dựng các kịch bản để có phương án chủ động đối phó.

Ban quản lý hồ Dầu Tiếng cho biết, mực nước hồ Dầu Tiếng năm nay thấp hơn gần 1,5 m so với năm 2014. Việc mực nước trong hồ thấp hơn mọi năm, có thể dẫn tới nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và đẩy mặn cho khu vực TP. HCM và tỉnh Tây Ninh. Bởi hồ Dầu Tiếng là hồ cung cấp nước ngọt duy nhất, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho hàng chục ngàn hecta lúa, hoa màu, nước sạch, đẩy mặn cho Tây Ninh và TP. HCM.

Đại diện phía Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, theo dự kiến ngày 10/12 hồ Dầu Tiếng sẽ mở nước phục vụ tưới tiêu cho khu vực Tây Ninh và TP. HCM (khoảng 30.000ha) nhằm phục vụ mùa đông xuân và nuôi trồng thủy hải sản.

Nhưng trước tình hình mực nước trong hồ năm nay ở mức thấp hơn mọi năm, nên phía công ty này đang bàn với các đơn vị phía Tây Ninh và TP. HCM, hồ Dầu Tiếng sẽ xả nước luân phiên để tiết kiệm nước.

“Cụ thể, sau khi xả nước phục vụ tưới tiêu cho Tây Ninh 3 ngày sẽ chuyển sang phục vụ TP. HCM 4 ngày (hoặc ngược lại), thay vì phải xả liên tục 7 ngày cho các địa phương như trước đây. Vì vậy lượng nước xả trên kênh có thể giảm 20 - 30%”, ông Nguyễn Tiến Lanh - Phó trưởng phòng quản lý nước và công trình Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết.

Ông Lanh cũng khuyến cáo, để tiết kiệm nguồn nước, người dân tại các địa phương phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước từ hồ Dầu Tiếng không nên nuôi trồng thủy sản trong thời điểm này. Bởi vì 1 ha thủy sản tiêu tốn nước gấp 10 lần so với 1 ha cây trồng. “Khi người dân lấy nước từ hệ thống kênh và nội đồng, nếu không sử dụng hết nước nên đóng đập lại, không để nước chảy ra sông sẽ gây lãng phí”, ông Lanh cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chi cục Thủy lợi phòng chống lụt bão TP HCM (Sở NN&PTNT TP HCM), khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi hợp lý, không nên trồng những loại cây sử dụng nhiều nước trong thời gian này.

Linh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI