Chống ngập cho TPHCM đang gặp khó

23/08/2023 - 06:21

PNO - Sau mỗi trận mưa to, nhiều tuyến đường ở TPHCM lại ngập sâu. Đã có nhiều dự án thoát nước nhưng các đoạn đường bị ngập nặng vẫn chưa hết ngập, những điểm ngập mới lại xuất hiện.

Cứ mưa to, đường lại thành sông

Chị Trần Thị Lựu - chủ một quán bún trên đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp - than, cứ hôm nào trời mưa là cả quán phải chật vật chống ngập. Mưa chỉ chừng 30 phút là nước bắt đầu tràn lên vỉa hè, mấp mé cửa quán. Chị và nhân viên phải dùng mấy miếng nhựa làm “đê chắn sóng” để cản nước tràn vào quán mỗi khi có xe chạy qua. Nước tràn vào đến đâu thì nhân viên phải di dời bàn ghế, đồ đạc đến đó để tránh bị hư hỏng. Nước ngập khiến quán ế ẩm bởi khách ngại lội nước.

Đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) ngập nặng sau trận mưa đầu tháng 8/2023 ẢNH: PHẠM LUẬN
Đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) ngập nặng sau trận mưa đầu tháng 8/2023 Ảnh: Phạm Luận

“Cứ mưa to là đoạn đường này ngập nửa mét. Trên đường này, có tới 4-5 trường mầm non. Nếu mưa đúng giờ tan học thì phụ huynh, học sinh phải cùng nhau lội nước bì bõm, nhiều người phải bỏ chiếc xe chết máy bên lề đường, cõng con tìm chỗ trú mưa. Đường ngập khiến giao thông hỗn loạn, việc sinh hoạt bất tiện, buôn bán khó khăn” - chị Lựu kể.

Từ quận 12 sang quận Gò Vấp làm việc mỗi ngày, anh Hữu Nguyên nhận xét, ngoài “rốn ngập” Nguyễn Văn Khối, các tuyến đường xung quanh cũng ngập sau mưa. Nhiều hôm trời mưa, vừa ra khỏi công ty, anh phải lội xe qua biển nước mênh mông trên đường Phạm Văn Chiêu. Khi rẽ sang đường Lê Văn Thọ, anh lại gặp cảnh ngập nước. Các tuyến đường Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích, Quang Trung gần đó cũng ngập. Anh bức xúc: “Tình trạng ngập ở các tuyến đường này kéo dài nhiều năm nay rồi, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm”.

Tình trạng ngập nặng sau mưa cũng lặp đi lặp lại nhiều năm qua ở quanh chợ Thủ Đức, TP Thủ Đức. Sau những trận mưa to, các tuyến đường Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư có khi ngập sâu cả mét, “nuốt” gần hết chiếc xe máy và quá nửa thân ô tô khiến xe chết máy la liệt; nước tràn vào nhà, vào các ki ốt kinh doanh bên trong chợ gây hư hại tài sản, ách tắc hoạt động kinh doanh.

Những năm gần đây, nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức như Lã Xuân Oai, Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam, Nguyễn Xiển, Võ Văn Ngân, Đặng Thị Rành, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Duy Trinh thường xuyên bị ngập nặng. Trong đó, đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển ngập rất nặng. Theo cư dân dọc 2 đường này, khoảng 10 năm trước, mưa to cỡ nào, 2 đường này cũng không bao giờ ngập nhờ có con suối khá lớn giúp thoát nước. Còn hiện nay, nhà cửa, khu đô thị san sát khiến nước không có chỗ thoát.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, toàn thành phố có 15 tuyến đường thường bị ngập sâu nhiều năm qua. Trong mùa mưa năm nay, có thêm khoảng 24 điểm, tuyến đường bị ngập tức thời.

Dự án cũ lạc hậu, dự án mới thiếu tiền

Theo ông Đỗ Tấn Long - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) - nguyên nhân chính của tình trạng ngập đường là do hệ thống cống chưa được đầu tư tương ứng với lượng nước mưa ngày càng lớn. Nhiều tuyến đường có hệ thống cống quá nhỏ, nhiều nơi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước.

Xe máy bị ngập lút bánh ở “rốn ngập” chợ Thủ Đức trong một trận mưa giữa năm 2023 - ẢNH: MINH AN
Xe máy bị ngập lút bánh ở “rốn ngập” chợ Thủ Đức trong một trận mưa giữa năm 2023 - Ảnh: Minh An

Cũng theo ông, nguồn kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu chống ngập. Chẳng hạn, từ nay đến năm 2025, ngành thoát nước TPHCM dự kiến triển khai 120 dự án chống ngập và xử lý nước thải với tổng kinh phí hơn 101.400 tỉ đồng nhưng trong giai đoạn 2021-2025, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước được giao gần 17.500 tỉ đồng, chỉ đáp ứng hơn 17% nhu cầu vốn. Riêng trong năm 2021 và 2022, ngân sách bố trí chỉ 6.715 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 6,6%. 

Ông nói: “Các dự án thoát nước lớn trước đây đều sử dụng vốn vay ODA nhưng hiện nay, khả năng huy động vốn ODA bị thu hẹp do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Trong khi đó, việc huy động các nguồn vốn khác gặp khó khăn do các dự án chống ngập không có thu phí, không thể kêu gọi đầu tư theo các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) hoặc xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.

Theo tiến sĩ Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) - TPHCM có cả tình trạng ngập mới ở các quận ven và tái ngập ở một số quận trung tâm dù đã triển khai 3 dự án thoát nước quy mô lớn với tổng kinh phí cả tỉ USD, gồm dự án vệ sinh môi trường, chống ngập lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình); dự án cải thiện môi trường nước, chống ngập lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé (các quận 1, 3, 5, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh); dự án nâng cấp đô thị, chống ngập lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm (các quận 4, 6, 8, 9, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, TP Thủ Đức).

Tuy nhiên, các dự án này được lập dựa trên những số liệu, tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật và biến đổi khí hậu đã lạc hậu nên không thể phát huy hiệu quả chống ngập lâu dài. Cụ thể, hệ thống thoát nước của các dự án này được thiết kế cho những cơn mưa có vũ lượng 93mm bởi thời điểm đó, cứ 3 năm, mới có 1 trận mưa có vũ lượng cao hơn 93mm, tức cứ 3 năm, TPHCM mới đối mặt với nguy cơ ngập, gọi là “ngập cho phép”. Nhưng mấy năm gần đây, những cơn mưa có vũ lượng vượt 93mm xuất hiện rất thường xuyên. 

Trong 5 năm qua, hầu như năm nào, TPHCM cũng có những trận mưa có lượng nước trên 100mm, thậm chí 150 - 200mm. Theo thống kê, vũ lượng ở TPHCM tăng khoảng 0,8mm/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cũng theo ông Hồ Long Phi, trong khi các dự án thoát nước cũ đã lạc hậu thì số tiền đầu tư cho các dự án chống ngập mới chỉ như muối bỏ bể bởi hệ thống thoát nước của TPHCM hiện chỉ đáp ứng việc thoát nước cho khoảng 30 - 40% tổng lưu vực của TPHCM. 

Đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) bị ngập úng nhiều năm qua dù đã được cải tạo, nâng cấp - ẢNH: SƠN VINH
Đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) bị ngập úng nhiều năm qua dù đã được cải tạo, nâng cấp - Ảnh: Sơn Vinh

Ông nói: “Từ những dự án thoát nước đã triển khai ở TPHCM, tôi nhận thấy, để chống ngập cho 1ha đất, cần 100.000-150.000 USD. Tính trên tổng diện tích mở rộng của TPHCM, chúng ta mới có giải pháp căn cơ cho 1/3 diện tích và cần khoảng 6-7 tỉ USD nữa cho 2/3 diện tích còn lại. Phải ưu tiên kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước, mới giải quyết được tình trạng ngập nước triền miên như thời gian qua”. 

3 năm, giải quyết ngập ở 5 tuyến đường

Theo Sở Xây dựng TPHCM, chương trình chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2021-2025 đã giải quyết được 5 trong tổng số 18 tuyến đường ngập do mưa, gồm đường Tân Quý (quận Tân Phú), Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình) và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Từ đây đến năm 2025, chương trình sẽ giải quyết tình trạng ngập do mưa cho 13 tuyến đường gồm Phan Anh (quận Tân Phú), Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Quốc lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).

Để đạt mục tiêu này, phải hoàn thành công trình cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền) và công trình cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp).

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI