Chồng ngã bệnh, vợ stress triền miên

23/03/2020 - 09:21

PNO - Một lần con trai chị bảo thẳng rằng, mẹ nên đi bác sĩ thần kinh. Chị tức nổ ruột, đuổi thẳng con trai ra khỏi nhà, nào ngờ nó bỏ đi thật.

Khi cô gái trẻ thuộc ban thị trường mang tờ đề nghị thanh toán đưa cho chị, Hạnh phát khùng lên với cô gái, chất vấn đủ điều khiến cô phát khóc. Thoan mới làm việc tại công ty một tháng, không chịu đựng nổi cơn cớ bùng phát của Hạnh, đã bỏ chạy ra khỏi phòng kế toán, nước mắt giàn giụa.

Cô thủy quỹ chứng kiến cảnh ấy, chỉ lắc đầu, thầm kết luận Hạnh là “ma cũ” bắt nạt “ma mới”. Thực ra, việc phòng thị trường đôi khi thanh toán chi phí tiếp khách cũng là việc bình thường, nhưng cô nhân viên mới kia chẳng may đã gặp phải lúc phát khùng của Hạnh. Quả là một ấn tượng đau đớn cho người mới đi làm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nhưng không chỉ Thoan dính đòn, một số đồng nghiệp khác khi cần làm thủ tục thanh toán các chi phí và phải gặp Hạnh, đều lè lưỡi lắc đầu. Họ đều bị Hạnh bắt bẻ, và chỉ sau vài ba câu nói là Hạnh phát khùng, quát nạt, rỉa rói người đối diện như quát mắng con ở nhà. Một số người không chịu đựng được, đã cãi nhau với Hạnh.

Hạnh cũng không hiểu sao mình càng ngày càng thấy cáu bẳn như thế. Ngày nào chị cũng phải tìm ai đó để xả cơn bực bội trong người. Ở cơ quan đã vậy, về nhà chị còn trở nên kinh khủng hơn, chị cằn nhằn luôn miệng, hò hét mắng chồng con và bữa cơm nào cũng dở dang bởi nước mắt.

Một lần, Dũng - con trai chị - bảo thẳng mẹ rằng, mẹ nên đi bác sĩ thần kinh! Hạnh tức nổ ruột, đuổi thẳng con trai ra khỏi nhà, nào ngờ Dũng bỏ đi thật. Cậu thuê chỗ ở đâu đó, không về nhà nữa, bỏ mặc mẹ, em gái chăm người bố bị tai biến, nằm liệt giường.

Ngồi suy ngẫm lại, Hạnh thấy tính tình mình thay đổi nhanh kể từ sau khi chồng chị bị tai biến lần ba, và từ đó không đi lại được nữa. Mọi người trong gia đình, họ hàng lúc đầu rất thương chị, hỗ trợ chị chút ít tiền để chị thuê người chăm chồng. Nhưng sự hỗ trợ đó rồi cũng dần cạn, tiền trợ cấp của anh không đủ để mua thuốc và các sản phẩm y tế hỗ trợ khác cho người nằm liệt, Hạnh đành phải rút tiền tiết kiệm và chị rất xót ruột.

Trước kia, Chiến - chồng chị- là doanh nhân kinh doanh thực phẩm, tiền kiếm được cũng khá. Được bao tiền, anh đều bị vợ “tịch thu”, chị sợ anh dư dả tiền lại bao gái nên luôn luôn nắn túi anh, tra khảo nếu nghi ngờ anh có “quỹ đen”. Ở bên ngoài, Chiến là một vị sếp, nhưng về nhà, anh sợ vợ, xẹp như một con gián. Con cái vợ quản, tiền vợ quản, anh trở thành cỗ máy kiếm tiền không hơn không kém. Hạnh đâu biết rằng, chị đã thiếu tôn trọng chồng mình. Căng thẳng nơi thương trường, khi về nhà lại buồn bã vì luôn bị vợ xét nét, không có chút tôn trọng, Chiến buồn triền miên, cho đến ngày anh đổ bệnh.

hạnh không thoát ra nổi cái nhìn bi quan về cuộc đời. Cô cáu gắt với tất thảy xung quanh. Ảnh minh hoạ
Hạnh không thoát ra nổi cái nhìn bi quan về cuộc đời. Cô cáu gắt với tất thảy xung quanh. Ảnh minh hoạ

Giờ đây, nằm một chỗ, để vợ và con phải lo, Chiến càng mặc cảm hơn, anh muốn hoặc là mình khỏe mạnh trở lại để đi làm, hoặc mình chết ngay. Nhưng trớ trêu thay, anh chẳng thể chết ngay được. Khỏe lại cũng không. Và Hạnh thì càng ngày càng bị stress nặng.

Khi bắt đầu phải rút tiền tiết kiệm chi phí chữa trị cho chồng, Hạnh không thuê người giúp việc nữa, tự mình lau rửa cho chồng, và bắt các con cùng làm… Hạnh mệt nhọc thêm, tương lai thì tối tăm, chẳng ai thông cảm nổi với chị nữa. Chị như một thùng thuốc nổ chất chứa, chỉ chờ ai đó khơi ra để nổ.

Hạnh vẫn tiếp tục đổ lỗi cho chồng, cho hoàn cảnh không may của mình. Nỗi đau khổ, cảm giác bất hạnh ấy khống chế chị ngày đêm, khiến chị stress triền miên, không lối thoát...

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI