Chồng nắm tay vợ chiến thắng bệnh hiểm nghèo

12/04/2022 - 05:46

PNO - Chị hiểu rõ chị có ngày hôm nay không chỉ nhờ các bác sĩ, mà còn nhờ tình yêu của chồng, của mẹ, các con và người thân.

Năm năm trước, khi biết vợ bị “K tuyến giáp” anh đã bật khóc vì vừa lo cho sức khỏe của vợ vừa thương hai cậu con trai…

Chị Đỗ Thị Thu Hiền (quê Quảng Nam, đang sống tại Bình Dương, làm công nhân cho một công ty may mặc ở TP.Thủ Đức - TP.HCM) rưng rưng nhớ quãng thời gian gay cấn đó: “Nếu không có tình yêu của chồng, sự động viên của các con và sự giúp đỡ của ba má ở quê, chắc tôi không vượt qua nổi”.

Càng khó khăn càng thương nhau 

Hơn 20 năm trước, chị Hiền học xong lớp Chín. Nhà nghèo, không đủ điều kiện học tiếp, chị vào TP.HCM làm công nhân. “Thời đó khó khăn vô cùng, tôi đi làm vì muốn nhường suất học cho các em”, chị Hiền nói.

Bôn ba ở thành phố với công việc trong xưởng may ở Linh Trung, TP.Thủ Đức, chị quen và nhớ thương một thanh niên quê Bắc Giang, đó là anh Nguyễn Oanh. Hai người đều là thanh niên sớm rời làng quê để tìm kế sinh nhai nên dễ cảm thông và thường chia sẻ buồn vui cùng nhau. “Có lẽ vì cùng trải qua những khó khăn nên chúng tôi thương nhau thật lòng”, anh Oanh chia sẻ.

Sau vài năm tìm hiểu, dù thấy có khác biệt trong tính cách, khác biệt văn hóa vùng miền, nhưng do cùng mục tiêu ở lại TP.HCM lập nghiệp, lại được cha mẹ hai bên đồng thuận nên anh chị tiến tới hôn nhân. Trong lễ cưới công nhân thời còn khó khăn ấy, anh chị chỉ kịp chụp ít hình ảnh, đãi bạn bè tại nhà hàng nhỏ ở một quận ven thành phố. Sau đó, vợ chồng trẻ lần lượt về quê của nhau trên chuyến xe đò đường dài. Họ quyết định có con sau một năm cưới nhau.

Gia đình  anh Oanh -  chị Hiền nắm tay nhau vượt qua biến cố ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Gia đình anh Oanh - chị Hiền nắm tay nhau vượt qua biến cố (Ảnh: nhân vật cung cấp)

“Tôi về quê ngoại Quảng Nam sinh con. Con được vài tháng, tôi phải bấm bụng gửi con cho ông bà để tiếp tục vào TP.HCM mưu sinh”, chị Hiền hồi tưởng. Sang, con trai đầu của anh chị lớn lên bên ông bà ngoại. Năm tuổi bé mới được cha mẹ đón vào Bình Dương, đó là khi anh chị đã có tiền mua một miếng đất nhỏ trong hẻm sâu tại Dĩ An, Bình Dương để cất nhà.

Anh Oanh kể: “Thời đó đất đai khu này còn rẻ, vợ chồng tôi làm công nhân tiện tặn, rồi mượn thêm cha mẹ hai bên mới mua được đất”. Gia đình sum họp cũng là lúc đời sống anh chị ổn hơn nhờ cả hai đều có thâm niên công tác, nhờ anh biết chạy vạy làm thêm trong những ngày nghỉ cuối tuần. Trọng, đứa con trai thứ hai chào đời, tổ ấm của anh chị thêm rộn ràng niềm vui.

Vượt qua biến cố

Năm 2017, chị phát hiện bị ung thư tuyến giáp, cơ thể vốn yếu ớt nên chị càng thêm mệt. Khi biết tin chị bệnh, anh Oanh bật khóc, nhưng vẫn trấn an vợ: “Dù có gì thì cũng có các con và anh bên cạnh”. Chị cảm động và yên lòng hơn khi má chị bỏ tất cả công việc ở quê để vào chăm sóc con gái. 

Hai cậu con trai nắm tay mẹ động viên: “Mẹ là điểm tựa tinh thần cho tụi con”. Nghe các con nói, chị không ngăn được nước mắt, nhưng đó cũng là động lực giúp chị mạnh mẽ hơn. “Phải sống” - đó là quyết định của một người mẹ, chị không thể để con lo lắng, mẹ già buồn phiền, chồng mất ăn, mất ngủ.

Chị không quên những tháng ngày chị phải nhập viện ở Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) để mổ khối u, rồi vô thuốc theo toa hóa trị của bác sĩ bởi “đó là những ngày quá cực nhưng cũng là những ngày vợ chồng đồng cam cộng khổ”. Những ngày ấy, khi xong công việc ở công ty, anh chạy về nhà, lo nấu món chị thích, tự tay anh nêm nếm cho vừa miệng. Chuẩn bị chu đáo, anh mang vào bệnh viện cách nhà 20 cây số, thay ca cho má chị. “Bình thường vợ đã khó ăn nên lúc đau ốm sẽ càng khó hơn, do vậy trong món ăn, ngoài việc vừa miệng, tôi còn muốn nêm thêm tình yêu thương vào”, anh Oanh nhớ lại.

Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất anh làm cho chị trong những ngày sóng gió ấy chính là giữ một tinh thần lạc quan để chị tựa vào bình yên. Trong đó còn có chuyện quán xuyến, nhắc nhở các con chuyện học, động viên các con vững tin vào sự vững chãi của mẹ. “Anh không để sự lo lắng thành nỗi sợ hãi nên trong mỗi cuộc phẫu thuật, vô thuốc của tôi đều trở nên nhẹ nhàng hơn”, chị chia sẻ.

Cứ vậy, chị sử dụng hết toa thuốc này đến toa thuốc khác, gần mười lần như thế và sức khỏe chị dần hồi phục. Ngày chị được bác sĩ thông báo “đã ổn nhưng phải về theo dõi” là lúc cả nhà vui vỡ òa. Hạnh phúc của ba thế hệ trong căn nhà nhỏ của anh chị chính là nhìn thấy sắc mặt của chị tươi hồng trở lại. 

Đến bây giờ, sau năm năm vượt qua bạo bệnh, chị vẫn đi bệnh viện khám, vẫn kiêng cữ để giữ gìn sức khỏe. “Có lúc tôi không tin được mình đã vượt qua bệnh tật một cách diệu kỳ như vậy”, chị nói. Có lẽ, chị hiểu rõ chị có ngày hôm nay không chỉ nhờ các bác sĩ, mà còn nhờ tình yêu của chồng, của mẹ, các con và người thân.

Năm nay, cậu con trai lớn đang học năm thứ ba đại học, con trai thứ sắp vào cấp III, anh chị mãn nguyện vì tin “trời Phật đã thương gia đình mình nhiều”. 

Lưu Đình Long

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI