Chồng nằm bên vợ, nhưng vẫn nhắn tin với người tình đến nửa đêm

05/11/2021 - 19:00

PNO - Nếu cả hai cùng hướng về gia đình, về con cái, và về nhau, thì sự chịu đựng mới đáng công, và lựa chọn gia đình mới là lựa chọn cuối cùng.

Em chào chị Hạnh Dung.

Đầu tiên, em muốn gửi lời cảm ơn đến chị rất nhiều vì những chỉ dẫn mà chị đã chỉ cho mỗi người, mà qua các tình huống đó, em đã học được rất nhiều bài học quý giá.

Tuy nhiên chị ạ, đến lúc này em thật sự rất muốn chị nghe câu chuyện của nhà em, và cho em một góc nhìn của chị về những sự kiện này.

Dì H là chị gái của mẹ em. Dì không có con gái nên mọi chuyện nhỏ to dì đều tâm sự với em. Gần đây, gia đình dì gặp biến cố: con trai đang chuẩn bị cưới vợ thì phát hiện dượng em có mối quan hệ bên ngoài.

Dì vào chùa bảy ngày để thực hành một khoá tu. Trong thời gian đó, chưa một lần dì em có tiếng trách móc dượng. Dì nói, dì muốn đám cưới con trai diễn ra êm đềm, dì sợ con trai tổn thương... Dì lựa chọn giải quyết một cách khác thay vì đánh ghen, đó là quyền được bỏ đi. Nhưng không phải là bây giờ.

Trở về nhà sau khóa tu bảy ngày, dì và dượng vẫn song hành với nhau với tư cách là vợ chồng, tuy nhiên không hề có quan hệ tình cảm nữa.

Gần đây, dì đi gặp bạn bè và người quen thì những câu nói dì hay nghe được nhất là "Vợ mà không giữ chồng thì là lỗi của vợ. Người vợ phải có những chiêu bài...". Những lời nói đó, vô tình đã ngấm vào suy nghĩ của dì em.

Tối hôm qua, dì quyết định sẽ lên ngủ chung giường với dượng. Sáng ra, dì nhắn cho em và nói rất buồn khi vẫn thấy dượng nhắn tin với người ấy đến nửa đêm.

Và một sự việc diễn ra song song, là anh trai họ của em trong một lần say đã tâm sự rằng anh không muốn lấy vợ nữa. Bởi trong người anh có gen của ba, và anh không chấp nhận gen lăng nhăng đó, anh sợ sẽ làm khổ vợ anh...

Em vẫn cho rằng những việc không làm mình vui, những người không làm mình hạnh phúc, thì mình vẫn có quyền cuối cùng là lựa chọn rời đi. Thế nhưng, em nhận ra sự yếu dần trong tinh thần của dì mình, anh họ mình.

Chị có nghĩ rằng, đôi khi mình cần phải âm thầm chịu đựng để mọi thứ vẹn toàn, vậy sau này khi xong xuôi thì những tổn thương của mình có thể chữa lành không ạ?

Và với những suy nghĩ của anh trai em như vậy, em không thể đồng ý, em nghĩ rằng luôn có trong mình một sự thông thái để mình không vượt quá giới hạn của bản thân; tại sao anh em lại nghĩ như vậy và có thể có lời khuyên nhủ nào trong trường hợp này được không chị? 

Hà Vân

Hà Vân thân mến,

Xin trả lời thẳng ngay vào câu em hỏi mà Hạnh Dung thấy quan trọng nhất: Hạnh Dung không bao giờ lựa chọn hay khuyên ai đó lựa chọn "âm thầm chịu đựng để mọi thứ vẹn toàn".

Làm sao có sự vẹn toàn nào trong những chịu đựng mang màu sắc cay đắng, đau đớn, xót xa hả em? Và làm sao những tổn thương có thể tự chữa lành một cách toàn vẹn được, khi tâm hồn ta không được chữa lành?

Vậy thì có thể thấy rõ là, nếu dì chấp nhận chịu đựng âm thầm một mình như thế, mọi việc sẽ ngày càng nặng nề, tệ hại hơn.

Đúng, không phải cứ "mỗi lần đạp bùn là chặt chân", nhưng sự chịu đựng không thể âm thầm, mà phải là để có những giải pháp giúp cả hai nhìn ra vấn đề trong gia đình mình, xem có thể giải quyết đến tận cùng vấn đề đó hay không.

Nếu người đi lầm đường còn biết hướng về gia đình (hay ngoái về gia đình), về con cái và về vợ mình (dù không phải là tình yêu, nhưng là sự tôn trọng, hiểu biết), thì sự chịu đựng mới đáng công, và lựa chọn gia đình mới là lựa chọn cuối cùng. Còn nếu không có điều đó, người ta sẽ nhìn ra giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng để có những lựa chọn khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong câu chuyện của dì em, em cũng thấy đó, dì đã vào chùa, để có sức mạnh mà chịu đựng nỗi đau, mà lo cho đám cưới của con. Rồi lại ảnh hưởng bạn bè mà thử âm thầm chịu đựng, tự bắt đầu lại từ đầu với người chồng bội bạc.

Nhưng để rồi chính dì phải nhận lấy nỗi xót xa lớn hơn khi người chồng thản nhiên trước nỗi đau của dì, tiếp tục nhắn tin cho người tình.

Riêng với anh em, cách thuyết phục đầu tiên có thể là sự hóm hỉnh: "Ngoài gen của ba, anh còn có gen chung thủy, yêu thương, chịu đựng... của mẹ nữa cơ mà. Mà gen mẹ trong các con bao giờ cũng vượt trội hơn, điều này khoa học đã chứng minh rồi đấy".

Đây có phải là câu rất thuyết phục không em?

Sau đó thì mới là những lời khuyên tâm lý, rằng khi chính anh nhìn thấy những điều có thể làm tổn thương gia đình, nhất là người mẹ, người vợ, người phụ nữ... anh sẽ hiểu rõ hơn, lý trí và bản lĩnh hơn trong cuộc sống nhiều cám dỗ đánh vào bản năng của con người.

Tất cả mọi việc phụ thuộc vào anh, vào cách anh xây dựng gia đình, xây dựng mối quan hệ vợ chồng... chứ chẳng có cái gen nào có thể mạnh đến mức chi phối số phận con người cả.

Vài lời ngắn gọn với em, chúc em có thể giúp dì có lựa chọn đúng đắn, để vượt qua mọi nỗi đau, nhận được sự bình an, thanh thản.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI