Chồng chị Mai là nhân viên văn phòng, làm việc tại một phòng IT ở quận 3, anh chị cưới nhau đã 3 năm. Anh có tính hơi vụng về, luộm thuộm. Chị thì chúa ghét cái tật bừa bộn, làm đâu quên ngay đó của chồng. Sáng nào cũng thế, nhà chị thức giấc bằng một loạt câu hỏi: “Áo của anh để đâu? Chìa khóa xe tối qua về quăng đâu rồi? Làm gì thì làm, chiều nhớ về đúng 5h đón con nghe chưa anh…”
Nhiều khi chồng chị cũng muốn hạn chế tính hay quên, hay lật đật của mình. Nhưng khổ nỗi chị càng dặn nhiều thì anh lại càng quên nhiều. Chị nói liên tục, nói mỗi ngày, nếu anh lỡ làm sai thì chị lại mở điệp khúc quen thuộc: “Đã dặn bao nhiêu lần rồi chứ có phải không dặn đâu. Chẳng biết tôi còn phải theo bố con anh đến khi nào nữa”.
|
Đừng để đàn ông stress trong chính căn nhà mình - Ảnh minh họa |
Những lời nói của chị Mai dù rất “ngày thường” nhưng lại tạo cảm giác mệt mỏi cho chính chồng chị. Chỉ có đêm là anh mới được ngủ ngon và yên lặng. Còn cả ngày, chị hết nhắc cái này lại nhắc cái kia. Nhiều lúc anh mệt quá, chẳng muốn nói nữa, chị lại bảo anh vô tâm, coi thường chị… Riết rồi anh bị stress, anh ngán cái cảnh về nhà nghe vợ nói, con khóc, còn mình thì có quá trời lỗi. Anh bắt đầu níu kéo khoảng thời gian riêng bằng việc ở lại làm trễ hơn, và sáng thì vội vã ra khỏi nhà. Tổ ấm từ lúc nào thành nơi mà anh chẳng muốn về.
Mà cũng kì lạ là những điều anh làm tốt, làm giỏi thì chẳng thấy chị Mai khen hay khuyến khích. Chỉ có lỗi lầm là cứ bị vạch ra, nói hết lần này đến lần khác, khiến anh oải.
Thế mà khi chị Mai đi du lịch cùng công ty, đúng lúc thằng bé con được nghỉ hè, chị cũng mặc kệ, chẳng dặn dò gì nữa. Hai cha con muốn làm gì thì làm. Vậy mà khi trở về, chị vẫn thấy mọi thứ ổn định, nhà cửa không bừa bộn, con vẫn rất ngoan. Hóa ra với những người chậm mà chắc như chồng chị thì phải để anh từ từ mới hiệu quả. Càng hối thúc, càng căng thẳng chỉ khiến anh loạn lên, nhức não mà thôi.
|
Hãy là người vợ tạo sự sẻ chia, đồng cảm cho chồng - Ảnh minh họa |
Không giống như chị Mai, chị Huyền lại mà mẫu người làm chồng stress theo cách khác. Chị có tính hay nói bóng gió, nghi ngờ chứ không nói thẳng. Có lần anh chồng chị gọi điện báo về trễ vì bận đi ăn với đối tác, chị bảo: “Có thật là đi ăn không, hay lại bia ôm?”. Lại lần khác, lúc anh bị nổi dị ứng, chị bèn phán ngay một câu: “Hôm nay có ăn “ghẹ” lạ không?”… Trong khi những lúc như vậy, anh thật sự chỉ cần một lời quan tâm, hỏi han từ phía vợ.
Chính cái tính bóng gió của chị Huyền khiến anh stress thật sự. Dần dần, bị cái gì, gặp vướng mắc gì hay bận cái gì, anh cũng chẳng thèm nói với chị, cứ im cho yên chuyện. Chị thấy anh không chia sẻ nữa thì lại gây sự, lại bóng gió. Có lần anh bực quá, quát lớn: “Nói ra thì bị xỏ xiên, không nói thì bảo lầm lì, giấu giếm. Em muốn anh sống sao em mới vừa lòng? Ở ngoài đường đã mệt mỏi, bực mình thì chớ, về nhà cũng không yên là sao?”.
Chị Huyền đùng đùng giận dỗi, cho rằng chồng quá đáng với mình, cứ thế, chị ôm con bỏ về nhà ngoại. Anh cũng chẳng thèm năn nỉ, cả hai bên căng như dây đàn. Trong khi chuyện có lớn lao gì cho cam. Nhưng cứ mỗi tí nhỏ nhỏ trong cuộc sống lại khiến cho cả hai vợ chồng áp lực, bực mình, dần dần cáu bẳn, chẳng muốn làm lành.
Đàn ông vốn là những người đơn giản, trong khi phụ nữ thì phức tạp. Nhiều khi chỉ vì một tính xấu của vợ có thể làm cho chồng stress trong suốt quãng thời gian chung sống. Có anh stress vì vợ nói quá nhiều, có anh stress vì vợ quá đa nghi, ghen tuông thái quá. Có anh lại bị căng thẳng vì chuyện vợ suốt ngày so sánh chồng mình với chồng người, suốt ngày nhắc đến chuyện tiền lương hoặc mâu thuẫn trong chuyện giáo dục con cái. Lại có anh, chỉ vì mối quan hệ giữa vợ và mẹ chồng, chị em chồng cũng đủ làm anh ta phát điên.
|
Đôi khi chỉ vì những lời nói, những cái cau mày của vợ cũng làm hôn nhân có nguy cơ rạn nứt - Ảnh minh họa |
Rõ ràng, đàn ông cũng có nhiều nguy cơ bị stress hơn chúng ta vẫn tưởng. Đó là chưa kể, họ phải là trụ cột gia đình, phải đi làm gánh vác chuyện kinh tế. Nếu phụ nữ khéo léo hơn trong cư xử, tôn trọng tự do cá nhân của chồng hơn một chút, biết cảm thông cho chồng hơn một chút thì có lẽ các anh cũng dễ thở hơn rất nhiều.
Hãy là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chồng, đừng gia tăng áp lực cuộc sống cho anh ấy. Dù là đàn ông hay phụ nữ thì sức chịu đựng áp lực, stress cũng đều có giới hạn. Hơn nữa, nhà cửa không trong ấm ngoài êm thì cánh phụ nữ chính là người chịu thiệt. Nhiều khi chỉ vì bớt đi một câu nói, bớt đi một cái nhìn khó chịu là hôn nhân cũng đủ bình yên rồi. Hãy làm sao để mái nhà là nơi để cả hai vợ chồng cùng nhau về, thư giãn, nằm xuống cùng nhau, trò chuyện cùng nhau, vứt bỏ tất cả những căng thẳng bên ngoài bạn nhé!
Bởi thế mới có câu: “Em nào có ước gì đâu/ Một ngôi nhà. Bão dừng sau cánh cửa”. Với đàn ông, câu này lại càng đúng, càng chính xác những lúc mỏi gối chồn chân, cần vợ bên mình.
Vũ Phương