Kim Yến: Em từng ly hôn vì chồng ngoại tình. Chồng cưới nhân tình làm vợ. Hai năm sau em cũng có chồng. Chồng hiện tại cưu mang cả ba mẹ con em. Nhưng cuộc sống chỉ yên ổn được một thời gian thì nảy sinh vấn đề vì anh quá ghen với chồng cũ. Anh khó chịu với việc con em gặp bố ruột. Anh quá ích kỷ khiến em mệt mỏi. Em có nên ly hôn để mẹ con được tự do hơn, con em cũng tự do gặp bố nó không?
Hạnh Dung: Bạn tái hôn lâu chưa? Chuyện ghen tuông của chồng bạn đã kéo dài bao lâu rồi?
- Em tái hôn đã ba năm, một năm đầu rất hạnh phúc. Mọi chuyện chỉ trở nên mệt mỏi từ hai năm nay.
|
Ảnh minh họa |
* Ngoài việc ghen với người cũ thì chồng bạn là người thế nào? Anh có thương yêu và chăm lo cho các con của bạn không?
- Anh là người tốt, chịu khó làm ăn, anh làm cả việc nhà và chăm sóc hai con riêng của em rất tốt. Em chỉ muốn anh thay đổi duy nhất một điều là bớt ghen với người cũ, thôi khó chịu khi bố của bọn trẻ đến đón con hoặc nhắn tin bàn về con cái với em.
* Từ lúc anh ấy thể hiện ghen tuông như vậy, bạn có phản ứng gì không?
- Dạ, em có giải thích: giữa em và chồng cũ không còn tình cảm. Bọn em chỉ trao đổi về hai con. Nhưng anh cấm em xưng anh - em, bắt phải gọi ông - tôi. Chồng em cũng có nỗi khổ là anh bị vô sinh, đã từng đổ vỡ một lần vì điều đó. Có lần anh nói: “Em hãy quay về với ông ấy đi. Ông ấy chăm sóc các con tốt hơn anh. Anh chỉ là bố nuôi thôi”. Em ức quá không kiềm chế được nên em nói: “Anh thật ích kỷ!”.
* Hạnh Dung hiểu cảm giác của bạn. Những lúc đó bạn có cảm nhận được tâm trạng, cảm xúc của anh ấy không?
- Anh ấy giận em lắm. Anh luôn nghĩ rằng em coi thường anh ấy.
|
Ảnh minh họa |
* Bạn có nghĩ là anh ấy cũng rất buồn không?
- Có. Em cảm thấy anh rất buồn. Nhưng em lại nghĩ: rõ ràng là em và chồng cũ không có tình cảm gì hết. Tại sao chồng mới lại làm quá lên?
* Hạnh Dung cũng thấy việc liên lạc với người cũ về vấn đề con cái là không sai. Bạn có quyền làm như vậy. Nhưng khi chung sống, nhất là khi đã là vợ chồng của nhau, mình không thể cứ đem đúng - sai ra để phân tích. Có những điều rất đúng, nhưng nó làm người bên cạnh mình buồn, bất an, tổn thương... thì là nó sai rồi đó.
- Tức là em sai? Giờ em cũng không biết nói gì để chồng hiểu. Em chỉ muốn anh nghĩ thoáng hơn, bớt ích kỷ đi, chẳng lẽ điều đó là sai?
* Hạnh Dung không nói bạn sai. Nhưng lúc này chúng ta khoan hãy nói đến chuyện anh ấy phải hiểu cho bạn. Bạn thử dừng lại và tập trung vào nỗi buồn của chồng mình trước, chứ không phải chỉ thấy mình đúng và chăm chăm giải thích, bảo vệ việc làm của mình. Bạn nói anh ấy vẫn yêu thương con bạn, chăm lo cho bọn trẻ. Lại thêm, anh ấy bị vô sinh và từng đổ vỡ hôn nhân vì lý do đó. Vậy nên anh ấy sẽ dễ có tâm lý tự ái, cảm thấy mình là người ngoài cuộc mỗi lần vợ bàn chuyện con cái với người khác (dù người đó là cha bọn trẻ).
|
Ảnh minh họa |
- Đúng rồi ạ, đó chính là tâm trạng của anh ấy. Vậy mà đã có lúc em to tiếng hơn thua với anh, đem luật cấp dưỡng thăm nuôi của bố ruột ra để cãi lý với anh…
* Lúc này, ngoài những biểu hiện đáng trách, thì trong lòng anh ấy là những diễn biến rất đáng thương, cần được thông cảm. Dù bạn không có lỗi trong chuyện này đi nữa thì đây cũng là lúc bạn có lợi thế hơn trong tâm lý, bạn cần giúp anh ấy. Hơn nữa, bạn là vợ, là người hiểu nhất về nỗi buồn của chồng, là người có nhiều cơ hội để chia sẻ những tâm trạng, cảm xúc rất thật (có thể là ích kỷ) nhất của anh ấy. Không biết anh ấy đã từng được bạn chia sẻ chưa?
- Em thấy lạ là mọi việc anh làm đều tốt cả. Chỉ có chuyện con cái là anh dường như mất kiểm soát. Em nói hoài không được thì em nổi nóng. Cứ vậy rồi giờ em chán, em đang mặc kệ và tính đến chuyện ly hôn.
* Bạn có thể đã nói, đã phản ứng. Nhưng không biết bạn đã nói gì chạm đến điều đang khiến ảnh đau khổ, bạn có chia sẻ được với cảm giác của anh - hay chỉ phân tích cho ảnh thấy việc bạn làm là hợp lý, rằng anh như vậy là sai…
* Hạnh Dung thấy, nãy giờ bạn chỉ nói đến ý muốn của bạn, bạn muốn anh nghĩ thoáng hơn, muốn anh bớt ích kỷ... Bạn chưa thể hiện niềm băn khoăn thực sự về tâm trạng của chồng.
Mâu thuẫn nào cũng chỉ được giải quyết khi từng người được gỡ khúc mắc trong lòng. Có những điều biết là đúng, nhưng trong lòng mỗi người vẫn còn lấn cấn thì cái đúng đó cũng vô nghĩa. Cả bạn và chồng đều phải tìm thấy sự thoải mái trong lòng, thì chuyện này mới hóa giải được.
Bây giờ, bạn hãy thử bỏ qua hết những tức tối kia, bình tâm suy nghĩ xem bạn còn thương chồng không. Hãy nhớ lại hết những gì đã trải qua cùng nhau, những gì đã làm cho nhau từ ngày đầu, và nghĩ cả đến chuyện ghen tuông này nữa... xem bạn có còn thấy trân trọng anh ấy không?
- Em vẫn thương anh, vẫn thấy quý vì những gì anh làm cho mẹ con em. Nhưng công việc của em đã đủ áp lực rồi, em không muốn phải áp lực thêm chuyện chồng cũ, chồng mới nữa. Con em cũng thương bố dượng, nhưng không thể bắt nó không gặp bố ruột. Nếu chồng vẫn vậy thì em không cần, em có thể ly hôn để con em được tự do gặp bố nó.
* Nếu đã thấy “không cần” thì dễ giải quyết thôi, nhưng bạn hãy suy nghĩ thật kỹ xem bạn có thực sự muốn rũ bỏ mọi thứ để con được gặp bố ruột không? Xem ý các con thế nào? Có cách nào để quan hệ bố con ruột vẫn tốt đẹp mà không làm buồn lòng người bố đang nuôi dạy chúng hằng ngày không? Chính bạn phải là người cân bằng chuyện này. Nếu không đủ kiên nhẫn và thấu cảm để cân bằng, dĩ nhiên sẽ đến lúc bạn phải chỉ được chọn một trong hai.
Hãy xem như Hạnh Dung đang tặng bạn chiếc chìa khóa có tên là thấu cảm. Bạn hãy nghĩ về hai chữ đó. Hãy bớt chút bực bội, tức tối. Hãy xem như đây là một điểm yếu lớn của chồng, để có thể giúp đỡ anh ấy khắc phục, để tránh tạo thêm những nỗi ám ảnh mà mình biết chắc là rất đáng sợ với người mình thương. Hơn nữa, người đó đã vẫn đang rất thương và hết lòng vì bạn và con bạn.
|
Ảnh minh họa |
- Vậy mà lâu nay em chỉ ước có ai chỉ cho em một giải pháp tối ưu...
* Hạnh Dung có thể gỡ rối, chỉ cho bạn thấy những góc khuất trong câu chuyện mà bạn không nhìn thấy. Nhưng chỉ có bạn mới hiểu chồng mình nhất, chỉ bạn mới đủ sức tác động đến anh ấy. Tuy nhiên, một khi đã nghĩ mình không cần, một khi đã chọn nuông chiều sự bực bội của bản thân, thì khó mà thấu cảm và giúp đỡ người khác được bạn ạ.
- Em rất cảm ơn chị Hạnh Dung đã dành thời gian tư vấn cho em. Em đã sáng tỏ hơn rất nhiều và em biết mình phải làm gì rồi.
* Thực ra, bạn đang rất may mắn. Một người phụ nữ từng đổ vỡ, có hai con rồi lại tìm được người chồng yêu thương cả ba mẹ con thì không dễ có trong đời. Cuộc sống đôi khi sẽ có những điều không như ý, cũng giống như người bạn đời tốt tính thì cũng có những khuyết điểm, có nỗi khổ tâm và mặc cảm riêng. Nhưng chỉ cần bạn hiểu được những may mắn lớn mình đang có, bạn sẽ đủ sức mạnh vượt qua những chuyện nhỏ hơn.
- Dạ, em hiểu.
* Hạnh Dung chúc bạn sáng suốt và bao dung để luôn được sống trong yêu thương!
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về:
hanhdung@baophunu.org.vn