Chồng mất, tôi phải làm gì với con riêng của anh?

12/06/2023 - 19:33

PNO - Ngoài những ràng buộc về huyết thống dẫn đến trách nhiệm, còn có những ràng buộc về tình cảm của những con người giàu tình yêu thương.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi đang rơi vào một hoàn cảnh hết sức bối rối. Cách đây 2 năm, tôi lập gia đình lần nữa. Anh có một con trai riêng 6 tuổi. Vợ anh mất vì căn bệnh ung thư khi con anh mới chỉ có 2 tuổi. Anh một mình nuôi con suốt mấy năm trời.

Anh làm tôi cảm động và thương yêu chính bởi vì nhìn thấy cách anh chăm sóc con, thương yêu con như thế nào. Khi đó, tôi chỉ nghĩ anh là người đàn ông tốt, là người xứng đáng được hạnh phúc, và cũng là người tôi có thể nương tựa suốt đời. 

Khi chúng tôi cưới nhau, bà nội của cháu mang cháu về nuôi, để vợ chồng tôi được sống với nhau cho tự do và nhẹ nhàng. Tuy vậy, ngày nào đi làm về, chúng tôi cũng ở bên nhà ông bà nội, cùng chăm sóc cháu cho đến tối mới về nhà mình. Mới được vài tháng thì bà của cháu bị té, gãy xương. Bà yếu quá, không lo cho cháu được, nên vợ chồng tôi quyết định đưa cháu về chung sống.

Chúng tôi đang dự tính ổn định một chút sẽ sinh con, thì chồng tôi bị tai nạn giao thông, qua đời bất ngờ, không kịp có bất cứ nhắn gửi thu xếp gì. Những ngày tang chồng, tôi tạm thời gửi cháu về bên ngoại của cháu dưới quê. Nhưng nghe nói cháu khóc và đòi tôi suốt. Khiến tôi cũng rất đau lòng.

Giờ đây tôi không biết phải xử sự thế nào với cháu. Mới có mấy tuổi đầu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà nội thì già yếu, bà ngoại thì ở quê, môi trường phát triển cho cháu cũng không thuận lợi. Sống ở đó, chắc lớn lên, cháu sẽ rất vất vả để cạnh tranh với đời.

Nghĩ thương cháu, tôi cũng muốn đưa cháu về nuôi, chăm sóc cháu lớn khôn, thay ba cháu. Nhưng người nhà tôi phản đối, nói tôi là nếu còn chồng thì còn có nghĩa vụ, còn chút ràng buộc, chứ chồng chết rồi thì ôm rơm chi cho nặng bụng. Rằng cháu vẫn còn ông bà nội ngoại, để họ tự lo cho cháu.

Mẹ tôi tức giận lắm, bà bảo tôi còn trẻ, còn tương lai của chính mình. Ngày trước lấy người có con, mẹ đã không vui, giờ lại ôm một đứa con nít không phải con mình mà nuôi sẽ vô cùng vất vả, và biết đâu chừng nó chính là vật cản đến hạnh phúc mới của tôi. Thế nhưng, mỗi lần cháu gọi điện cho tôi, khóc gọi mẹ là tôi lại thấy đau lòng.

Nhiều người còn nhận nuôi cả trẻ mồ côi, sao việc nuôi con của chồng lại phải phức tạp và khó khăn như vậy hả chị? Có phải như mẹ tôi nói là tôi đang bao đồng ngu ngốc và tự làm khó mình hay không? Tôi phải làm gì cho đúng đây chị Hạnh Dung?

Lê Thanh Nga

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Thanh Nga thân mến,

Cảm ơn tình yêu của chị dành cho một người cha góa bụa, gà trống nuôi con. Cảm ơn tình thương của chị dành cho một đứa trẻ mồ côi. Cảm ơn những băn khoăn, thương cảm của chị khi nghĩ về đứa trẻ đó. 

Tất nhiên, có rất nhiều người, mà Hạnh Dung nghĩ rằng đại đa số mọi người, sẽ nghĩ như mẹ của chị, và đó là điều chẳng có gì là sai trái cả: Đứa trẻ này không có chút liên hệ máu mủ ruột rà gì với chị. Ba bé mất rồi thì người thân của bé phải cưu mang bé là chuyện đương nhiên.

Đã rất tử tế nếu người mẹ kế chỉ cần quan tâm, thăm hỏi cháu bé, hay giữ mối liên hệ lâu dài, để có thể giúp đỡ bé về sau. Chẳng ai trách chị khi chị cư xử đúng như vậy cả.

Thế nhưng, bên ngoài những ràng buộc về huyết thống dẫn đến trách nhiệm đó, lại còn có những ràng buộc về tình cảm của những con người giàu tình thương yêu như chị. Chỉ vì một tiếng Mẹ của đứa trẻ, chị thấy lòng mình không dứt ra được, không buông tay được, không thờ ơ được. Đó là những ràng buộc vô cùng quý giá và cao đẹp. Chắc chẳng mấy ai có thể làm được.

Chẳng mấy ai làm được vì nó rất khó đó chị. Vì đúng như mẹ chị nói, nó sẽ là trách nhiệm phải lo lắng cả đời, thậm chí là rào cản khi chị đi tìm hạnh phúc mới cho riêng mình. Lấy một phụ nữ có con riêng đã là vấn đề với nhiều người đàn ông. Mà rồi đứa con riêng đó lại là con riêng của chồng cũ. Có ai sẽ không cân nhắc vấn đề phức tạp như vây đâu chị.

Cho nên, trong chuyện này, Hạnh Dung chẳng thể nào khuyên chị điều gì. Chị chỉ có thể  lắng nghe chính trái tim của mình và nhận lời khuyên từ lý trí của mình. Hãy nhìn trước hết mọi khó khăn, vất vả của một con đường dài trước mặt và "kiểm kê" lại kho tình cảm, kho tinh thần hy sinh, nhẫn nại, bao dung, kho sức mạnh tinh thần, và cả kho... tiền của mình, để hiểu rằng mình có thể nhận một trọng trách lớn lao như vậy hay không?

Cầu mong cháu bé mồ côi được lớn lên trong tình thương yêu của chung mọi người, của chị, của ông bà nội ngoại, cô dì chú bác của bé. Tình cảm của chị sẽ là nguồn sức lực, tấm gương, tinh thần trách nhiệm cho mọi người trong gia đình ruột rà máu mủ của cháu cùng chung tay góp sức lo cho cháu.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Diệu Hảo 22-06-2023 11:01:35

    Bé 6 tuổi, đã cảm nhận được tình thương và sự ân cần chăm sóc của bạn dành cho bé, bé đã gọi bạn là mẹ là người mà con tin tưởng, coi như mẹ của con rồi. Bạn nên gần gũi chia sẻ với con hàng ngày qua Zalo không nhất thiết là bạn phải ở cạnh con mỗi ngày, 1 vài tuần bạn với con lại gặp nhau để con hiểu rằng bạn lúc nào cũng là chỗ dựa tinh thần của con. Chúc mẹ con bạn vui, khỏe, hạnh phúc bên nhau.

  • Đoàn văn sang 13-06-2023 14:16:17

    Nên nuôi đi em.

  • HoaHo 13-06-2023 13:23:09

    Đem về nuôi chứ còn làm gì nữa. Trái tim yêu thương của bạn là tất cả đứa trẻ muốn vì nó nghĩ bạn là mẹ ruột của nó. Thứ gì cho đi sẽ nhận lại kết quả, dù đắng hay ngọt, quả vẫn chín, và nó vẫn là hạt mầm mới. Bạn ngại ngần gì với sự cấm cản từ gia đình? Đó không là tất cả, còn nữa nha, đàn bà chồng chết người ta cũng dị nghị này nọ dữ lắm, thế nên bạn hãy lo bản thân mình trước đã, vì biết đâu khi con lớn thì chữ hiếu nó quan trọng hơn thì sao.

  • Bachkim 13-06-2023 07:10:45

    Nuôi 1 con nuôi thì có sao, ai thương thì chấp nhận mình, còn không thì là người ích kỷ, lấy làm gì!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI