Chóng mặt: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử trí

12/07/2017 - 16:48

PNO - Căng thẳng, mất ngủ… là những nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng chóng mặt thường gặp ở phụ nữ tuổi 40.

Để điều trị, ngoài việc dùng thuốc, chị em cần tăng cường hoạt động thể dục, sắp xếp công việc, nghỉ ngơi. Đó là những chia sẻ của TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Chong mat: Dau hieu canh bao va cach xu tri
Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả kết hợp tập thể dục giúp phụ nữ hạn chế những cơn chóng mặt


* Mỗi khi thay đổi tư thế, tôi cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt, có khi chóng mặt vài phút, có khi kéo dài đến vài giờ. Đây là triệu chứng của bệnh gì, có nguy hiểm không?

TS-BS Nguyễn Bá Thắng: Chóng mặt là từ chung mà mọi người hay dùng. Tuy nhiên có nhiều loại chóng mặt khác nhau. Quan trọng nhất là chóng mặt xoay tròn khiến cho người bệnh có cảm giác bản thân hoặc nhà cửa, đồ vật quay tít.

Loại chóng mặt này là bệnh của hệ thống tiền đình. Các loại chóng mặt khác sẽ gây ra cảm giác xây xẩm, lâng lâng, hoa mắt, tối sầm... thường do bệnh nội khoa, thiếu máu, căng thẳng, thiếu ngủ...

Chóng mặt thường xảy ra tùng cơn ngắn nhưng tái đi tái lại. Những người bị nhẹ có thể hết trong ngày, nặng hơn có thể kéo dài cả tháng. Những trường hợp nhẹ thoáng qua và không tái phát thì không đáng lo. Nhưng nếu xảy ra kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần, thì cần được khám, chẩn đoán và điều trị.

* Tôi năm nay 35 tuổi, thỉnh thoảng lại bị nhức đầu, hoa mắt. Có phải tôi bị rối loạn tiền đình không? Bị chóng mặt, rối loạn tiền đình có chữa hết được không?

BS: Rối loạn tiền đình là tên thường gọi các bệnh lý gây chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, mất thăng bằng, đôi khi kèm theo buồn nôn, nôn ói. Riêng nhức đầu không phải là triệu chứng của tiền đình, chỉ khi người bệnh chóng mặt kéo dài, quá mệt mỏi mới có thể kèm theo nhức đầu nhẹ. Do đó nếu triệu chứng của bạn là những đợt nhức đầu thì không phải là rối loạn tiền đình.

Hầu hết rối loạn tiền đình đều lành tính có thể chữa được. Tuy nhiên, bệnh có thể tái lại tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thiếu ngủ, căng thẳng, hay cảm cúm... sẽ dễ gây tái phát hơn.

* Do công việc nhiều, não hoạt động liên tục, ngủ không ngon, tình trạng chóng mặt hay diễn ra bất ngờ. Có phải do não bộ căng thẳng quá? Xin bác sĩ cho lời khuyên uống gì để chấm dứt hiện tượng chóng mặt này? Có thể dùng thuốc Acetyl leucine hay không?

BS: Căng thẳng, mất ngủ, lo âu là một trong ba nguyên nhân lớn gây chóng mặt. Thông thường, người bệnh sẽ có cảm giác chóng mặt, choáng váng, xây xẩm diễn ra thường xuyên, tăng lên khi căng thẳng, mất ngủ nhiều.

Để cải thiện triệu chứng, bạn cần tăng cường hoạt động thể dục, sắp xếp công việc, nghỉ ngơi, thư giãn... và có thể dùng thêm các thuốc hỗ trợ, ví dụ như thuốc chứa hoạt chất Acetyl-DL-leucine. Nếu triệu chứng nặng hơn hoặc kéo dài, cần khám chuyên khoa để điều trị triệt để.

Minh Tú

Chong mat: Dau hieu canh bao va cach xu tri
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI