Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em dưới 40 tuổi, có 1 bé trai còn nhỏ, ở nhà riêng tại Sài Gòn. Em là kiểu người năng động, hiện đại, luôn phấn đấu để vươn lên, tự lập, tự chủ, thích sự sạch sẽ, thơm tho. Anh lại nhu nhược, cổ hủ, ù lì, lười vệ sinh cá nhân, chỉ biết nghe lời mẹ.
Vợ chồng em đang đi vào giai đoạn khủng hoảng hôn nhân. Nguyên nhân chính là do chồng luôn thấy bất mãn, tự ti với vợ, dẫn đến việc mâu thuẫn trong gia đình ngày càng nhiều.
Trong gia đình, kinh tế một mình em gồng gánh vì lương anh thấp; việc lớn nhỏ trong nhà đều phải tự quyết vì anh không biết làm; học thức của em cũng cao hơn chồng. Công việc anh chỉ 8 tiếng văn phòng, còn em thì áp lực cao, có khi phải thức sáng đêm. Vì vậy, em đã thỏa thuận anh làm việc nhà, và thuê người giúp việc theo giờ. Tiền thuê giúp việc là em tự túc.
Anh vui vẻ ngoài mặt, nhưng bên trong thì bất mãn mà không dám nói. Trước đây, em rất siêng nấu nướng, chăm sóc anh. Tuy nhiên, anh xem đó là bổn phận của người vợ phải làm. Bản chất anh gia trưởng, hời hợt.
Đối với anh và mẹ anh, con dâu phải biết an phận, nhưng em không đồng ý hy sinh sự nghiệp để ở nhà làm dâu. Anh không có năng lực vươn lên, nhưng anh cũng không thể bắt em phải dậm chân tại chỗ giống anh.
Trong thời buổi hiện đại, vợ chồng cùng san sẻ công việc nhà, chăm con, để đối tác còn có thể nghỉ ngơi. Em đã chia sẻ thẳng thắn với anh về việc này. Anh khiển em không được, đâm ra lúc nào cũng kiếm cách gây sự với em.
Thêm nữa, trong ngần ấy năm cưới nhau, anh vẫn xem em như người ngoài. Anh không chia sẻ gì về việc của anh và nhà anh. Anh bệnh cũng không muốn em quan tâm. Quà, quần áo em tặng, anh cũng không bao giờ đụng đến. Anh không hiểu việc của em, nên em cũng không nhận được sự cảm thông gì.
Tóm lại, vợ chồng không hiểu gì về nhau, cũng không hề cùng sở thích, đam mê.
Ngoài ra, em không biết gia đình chồng có áp lực gì với anh hay không? Mỗi lần em bận, cần anh trông con giúp, thì bên nhà anh lại có người báo bệnh, rút anh về bên đó. Và mỗi lần từ nhà bên đó về, anh lại mặt mày khó khăn với em, rất mệt mỏi.
Em đang nghĩ nếu bỏ nhau chắc cả 2 sẽ khỏe hơn. Anh cũng đã thẳng thắn nói rằng anh cũng muốn bỏ em. Với anh, em không bao giờ là người vợ tốt. Vì vậy, mỗi lần anh tức giận, thì anh đều nói về em như thể em là người xấu xa nhất anh từng gặp. Anh muốn tìm người khác.
Sau này em chán, em không còn nấu nướng hay để tâm chăm sóc anh nữa. Điều duy nhất em giữ cuộc hôn nhân này là vì con. Nhưng, em cảm thấy mệt, vì ngày nào về nhà đầu óc cũng căng như dây đàn. Em nói chuyện với anh luôn phải đề phòng, sợ bị phản ứng, hay sợ bị nghĩ xấu. Vợ chồng cứ như đối thủ sống chung nhà.
Quan trọng hơn là vì em khẳng định anh là tiểu nhân, ích kỷ, tùy hứng, không có chính kiến, cũng không biết giữ lời. Nếu ly hôn, dù anh không có đủ khả năng nuôi con, hay tòa phán thế nào, anh cũng sẽ làm trái ngược hoàn toàn. Tính anh rất ngang, không cần biết đúng sai. Vì vậy, em chắc chắn việc tranh giành nuôi con sẽ rất cam go, mất thời gian của em, và ảnh hưởng tâm lý và sinh hoạt của con.
Em đã thử ký đơn, thử thỏa thuận, và tự rút đơn vì thấy cảnh gian nan này. Em thà giữ hổ bên mình để an tâm lo chuyện khác. Chứ từ lúc còn là vợ chồng, anh đã đối xử với em như vậy, thì khi thành người dưng, anh còn quá quắt tới mức nào.
Xin chị Hạnh Dung chỉ em cách làm sao để vợ chồng không bất mãn về nhau nữa. Theo em được biết thì chuyện này cũng thường gặp ở các vợ chồng, nhưng lời khuyên thường là cả 2 phải chia sẻ, lắng nghe nhau. Nhưng trường hợp của em thì không áp dụng được.
Em đã thử tâm sự, chia sẻ, nói chuyện, nhưng tóm lại với anh thì em vẫn là người sai, mà cái sai lớn nhất của em là giỏi hơn chồng. Anh sẽ không thay đổi, còn em thì vì tương lai của con, và vì em có năng lực, em phải cố gắng phấn đấu hơn.
Bản thân em bây giờ cũng chẳng còn cảm xúc với chồng. Nếu cứ như vậy, chắc hôn nhân này sẽ không giữ được lâu, chỉ tội cho con. Em đang rối bời trong việc tìm ra phương án gỡ bỏ nút thắt này. Vì vậy, em thật sự biết ơn nếu có một cách nào đó giúp em thay đổi về phía em (trừ từ bỏ sự nghiệp), để ít nhất em đừng thấy chán chồng nữa.
Em nghĩ nếu em tìm được cách thay đổi bản thân em, thì em có thể lèo lái con thuyền hôn nhân này dưới một góc nhìn khác. Lâu dần, em hy vọng có thể cảm hóa được thái độ của anh. Em rất mong nhận được phản hồi của chị. Chúc chị luôn vui và bình an.
Ly (TP. HCM)
Em Ly thân mến,
Hạnh Dung đọc đi đọc lại bức thư của em vài ba lần và thật sự là cảm thấy... mệt mỏi thay cho em với những gì em kể.
Không tính rằng những điều em kể đúng hay sai (bởi chuyện nghe từ một phía bao giờ cũng phải cân nhắc), thì chỉ nghĩ tới những tâm trạng của em: nào chán ghét, nào coi thường, nào mệt mỏi, không còn cảm xúc... và cả những điều chồng em nói về em: xem em như người ngoài, muốn bỏ từ lâu, em là người xấu xa nhất mà anh ta từng gặp... đã khiến người ngoài phải kết luận: còn lý do gì để níu kéo cuộc hôn nhân này?
Những mâu thuẫn của em và chồng quá cơ bản: từ quan hệ con dâu với gia đình chồng, tới cách nghĩ, lối sống, quan niệm sống, trình độ văn hóa, nhận thức... Hạnh Dung thật sự không biết phải khuyên em nên làm gì để kê lại những chỗ vênh vao đó cho bằng?
Em nghĩ rằng nếu em thay đổi bản thân, thì em có thể lèo lái được con thuyền hôn nhân, nhưng trước mắt, em vốn có được quyền lèo lái con thuyền đó hay không cái đã? Hay cùng một con thuyền mà cả hai cùng lèo lái, lại mỗi người muốn lái theo một hướng, thì sự lật úp không thể nào không xảy ra vào một lúc nào đó?
Em nghĩ rằng chỉ có em thay đổi, thì mới giữ được cuộc hôn nhân, nhưng em cũng tuyên bố không chấp nhận việc đánh đổi sự nghiệp. Mà ngay từ tiêu đề bức thư, em đã nói rằng mâu thuẫn cơ bản là do chồng em bất mãn khi vợ giỏi hơn, có nghĩa là nếu em muốn chồng không bất mãn nữa, thì chỉ có cách là trở nên người dở hơn chồng, người không có sự nghiệp riêng. Vậy thì cách nào để em thay đổi và chồng hết bất mãn?
Cuối cùng, em chấp thuận thay đổi (tất nhiên vẫn trừ việc từ bỏ sự nghiệp), nhưng lại mong là ai đó giúp mình thay đổi, chứ không phải là chính bản thân mình nỗ lực, tự thay đổi, tự nhìn ra những điều mình có thể thay đổi, thì ai có thể giúp em được?
Hạnh Dung đã từng thấy nhiều người trong những hoàn cảnh bế tắc phải dựa vào tôn giáo, vào thiền, vào tìm đọc, suy ngẫm và hiểu biết từ sách vở... mới có thể tìm ra được lối thoát cho mình. Suy ra, đó cũng là sự tự giúp mình nhận biết vấn đề, chứ không phải là sự giúp đỡ của một ai đó cụ thể như em mong muốn.
Một gia đình không thể được xây dựng và có hạnh phúc chỉ từ một người. Phải là sự thay đổi và chung tay của cả chồng và vợ. Nhưng em nói rằng, em đã thử hết cách với chồng và không nhận được sự hợp tác của anh ấy. Em chỉ đang đặt hy vọng vào sự thay đổi của chính mình, điều đó quá là khó khăn, vô cùng khó khăn.
Trong mọi điều em kể, Hạnh Dung chỉ có thể giúp em một ý duy nhất: em hãy xem lại xem mình có quá đề cao bản thân, quá coi trọng mình vì mình có sự nghiệp, còn chồng thì lại là người an phận và muốn có cuộc sống nhẹ nhõm, bình an? Em có chê bai chồng quá lời, khiến chồng cảm thấy chán ngán một người vợ quá mạnh mẽ, quá ham sự nghiệp, công việc, quá độc lập, quá giỏi giang tới mức coi thường chồng và gia đình chồng hay không?
Em cũng thử lắng nghe chồng xem anh có những ý kiến nào suy nghĩ nào như vậy hay không, và có muốn cho nhau cơ hội, thời gian để thay đổi mọi thứ, để cân bằng với nhau mà giữ hạnh phúc gia đình hay không? Lắng nghe chính là một điều vô cùng cần thiết trong giao tiếp vợ chồng, mà đôi khi những người giỏi và tự tin quá vào bản thân không có được kỹ năng này.
Còn nếu em thấy tất cả những gì em kể trên là đúng hoàn toàn, và cuối cùng ly hôn "là khỏe cho cả hai người" như em viết, thì em và chồng cũng cần những cuộc trò chuyện thẳng thắn để cả hai có được cái sự "khỏe" đó một cách nhẹ nhàng nhất.
Cũng vẫn là lắng nghe, chấp nhận và bàn bạc với nhau một cách bình tĩnh, ôn hòa và hiểu biết. Cần thiết hơn nữa, em vẫn có thể tìm tới sự hỗ trợ của luật sư, những người có kinh nghiệm và hiểu biết. Không thể mãi mãi tránh né những vấn đề không thể giải quyết được một cách đơn giản, em ạ.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn