Buổi sáng đầu năm, bưng hai ly cà phê ra giàn hoa trang leo ở ban-công, chị Thanh Hương liếc xéo chồng, cà khịa: “Có một tin vui và một tin quá vui, anh muốn nghe tin nào trước?”.
Đáp lại vẻ mặt ngơ ngác của chồng, chị Hương nói liền: “Tin vui là từ nay anh không phải nộp tiền cho em nữa. Còn tin quá vui là thẻ ATM của vợ anh hằng tháng sẽ được nhận một dòng tiền chuyển khoản từ lương của một người đàn ông đẹp nhất hành tinh”.
Ảnh minh hoạ
|
|
Người đàn ông đẹp nhất hành tinh hẳn là mình rồi, chồng chị Hương vẫn thường được chị Hương gọi trìu mến và “bất chấp” như vậy, nhưng còn vụ chuyển lương của chồng qua vợ thì có vẻ là… đánh lừa nhau chăng?
May quá, được Google trợ giúp thông tin về Bộ luật Lao động mới, anh có dịp cà khịa lại vợ một quả: “Bậy rồi, nếu có lãnh lương thay chồng gì đó cũng là chuyện của đầu năm 2021. Nôn lãnh lương thay quá nên nhớ nhầm rồi!”. Sẵn bị quê, chị Thanh Hương đọc kỹ điều luật.
Điều 94 Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, quy định về nguyên tắc trả lương: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Chồng mình vẫn khỏe mạnh, đi làm bình thường, hoàn toàn có thể lãnh lương trực tiếp và thậm chí có nhiều tài khoản để hứng dòng tiền chảy vào, vậy là nhà mình không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này. Mà thực ra, quy định này không mới. Mẹ chị đã được ủy quyền nhận lương hưu thay ba ngót mười năm nay do ba bị yếu chân, ngại đi, cũng như thực hiện thay các giao dịch khác được ủy quyền.
|
Ảnh minh họa |
Nhu cầu lãnh lương thay này rơi vào các bác hưu trí là đa số. Trên thực tế, rất ít người còn sức lao động mà không còn sức để đi lãnh lương. Ngay khi người lao động làm việc xa tít tận đâu, thậm chí ra nước ngoài thì công ty cũng dễ dàng chuyển khoản.
Cả hai trường hợp chồng không đủ sức khỏe để nhận lương trực tiếp hoặc chồng bị điều chuyển đi làm xa cơ quan, xa nhà, chị Hương đều không mong. Thôi thì cứ thế này cho yên lành, không cần lãnh lương thay chồng, chỉ cần mỗi tháng chồng đưa “khoản chi cứng”, hoặc chồng trực tiếp đóng tiền học cho con, tiền điện nước, wifi, còn lại thì chị lo, ai dư thì bỏ ống.
Về điều luật này, báo chí rút tựa ngắn gây mập mờ, thiếu nghĩa, khiến cư dân mạng đọc lướt tựa, không đọc kỹ bài, cứ tưởng các ông chồng nhất loạt bị tước quyền lãnh lương, nhường lại quyền đó cho nội tướng.
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, mọi sự hiểu nhầm liên quan đến tiền bạc nguy hại vô cùng. Một ngày, vợ bỗng giận dỗi đòi chồng chuyển lương thẳng vào tài khoản của vợ. Tất nhiên, người chồng phản đối chỉ vì trước giờ chồng tự lãnh lương, việc đóng góp của chồng vào chi tiêu chung của gia đình cũng chẳng vấn đề gì. Thế là vợ tha hồ hờn mát, thắc mắc: “Vì lẽ gì mà anh muốn nhận lương mình anh? Hay là anh muốn tuồn nó đi cửa nào?”, “Nhỏ bạn em được chồng tự nguyện chuyển khoản lương cho vợ quản lý, chứ không phải như anh, đợi đến lúc em nhắc mà còn không nghe”…
Người chồng ngạc nhiên trước lời đề nghị đường đột ấy: “Vô duyên vô cớ, lương mình không lãnh, để vợ lãnh, đồng nghiệp sẽ nghĩ anh là loại người gì? Vô trách nhiệm, đỏ đen, cá độ hay sao mà vợ phải vào tận cơ quan xiết lương?”.
Ngay cả khi chưa có điều luật này thì trên thực tế, cũng có không hiếm vợ/chồng nhận lương thay cho nhau, không hẳn tất cả trường hợp vì sức khỏe, hoàn cảnh và xuất phát từ nhu cầu mà vì bạn đời “cưỡng chế” để dễ bề quản lý, kiểm soát.
Một khi bị kiểm soát thì đồng tiền muốn trôi ngược về cố chủ, đôi khi phụ thuộc vào vui buồn của người cầm hộ. Muốn mua sắm, tiệc tùng, biếu cha mẹ, người thân, theo đuổi đam mê riêng… cũng phải bước qua mấy vòng kiểm duyệt mới được gật đầu. Ấm ức vì làm ra tiền mà không được nắm giữ, có ông tìm cách đối phó, chỉ giao nộp lương, ém lại… bổng.
Người giữ “tay hòm chìa khóa” cũng chẳng sướng ích gì khi phải hằng ngày đụng độ chuyện tiền bạc, dư dả thì không sao, đến khi thiếu hụt liền bị hạch hỏi, mặc cái áo mới cũng bị soi, trang điểm hơi đậm cũng bị lên án. Lãnh lương thay là phải nặng đầu vì phải phụ trách đời sống cho cả nhà.
Được hưởng công sức lao động là quyền của cá nhân, nhưng thực ra, khi đã kết hôn, thu nhập của vợ chồng là tài sản chung phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, lương của chồng là của vợ chồng, lương của vợ cũng là của vợ chồng. Nó như cái bình, nhiều phễu đổ vào hay một cái phễu lớn đổ vào cũng như nhau. Dù ai lãnh lương, đồng ra đồng vô gì, vợ chồng cũng cần ngồi lại bàn bạc, thống nhất và tôn trọng.
Chuyên viên tâm lý Mia Nguyễn: Giữ lại phần riêng để không cảm thấy bị phụ thuộc
Lương chồng chuyển vào tài khoản vợ - nghe có vẻ khó tin và bất hợp lý, nhưng ở các nước phát triển họ đã áp dụng từ rất lâu. Tuy nhiên, phải hiểu là cần có sự đồng ý của người lao động, chuyển vào đâu, chuyển cho ai, thì kế toán hoặc nhân sự mới tiến hành. Vấn đề là sự chia sẻ, đồng thuận của cả vợ lẫn chồng.
Bản thân vợ chồng tôi vẫn giữ quan niệm lương của ai người đó giữ cho dễ kiểm tra. Ví dụ như trường hợp của tôi làm thời vụ và theo từng hợp đồng mình ký kết, nên chỉ bản thân mình quản lý là dễ theo dõi nhất.
Quan điểm của chồng tôi - anh Austin Rennie (một người Úc, sống và làm việc tại TP.HCM) cũng tương tự. Mỗi người tự nhận lương, giữ lại phần tiền mình muốn tiêu cá nhân và sẽ bỏ vào tài khoản chung tùy theo mức lương của mỗi người.
Một khi đã tin tưởng nhau, sống với nhau lâu năm, mình biết bạn đời của mình kiếm được bao nhiêu và tiêu như thế nào, nên văn hóa gia đình tôi khá rõ ràng. Kiếm nhiều tiền sẽ phải tiêu nhiều hơn cho gia đình, nhưng cả hai cũng sẽ giữ lại phần riêng của mình để ai cũng cảm thấy không phụ thuộc và công bằng với nhau.
Luật sư Nguyễn Ánh Tâm (Trưởng văn phòng luật sư Ánh Tâm): Êm xuôi nhất vẫn là “lương ai nấy lãnh”
Luật ghi rất rõ người nhận lương thay là "người được ủy quyền" bởi người lao động, nhiều khả năng người được ủy quyền chính là người trong gia đình, có mối quan hệ gắn bó, cùng tổ chức cuộc sống. Lương chồng được vợ lãnh thay là trường hợp phổ biến nhất.
Theo các nhà làm luật, ủy quyền đương nhiên phải có công chứng hoặc chứng thực. Nhưng các cơ quan có thể linh động bằng cách ủy quyền tại cơ quan của người lao động. Ủy quyền có hai dạng: theo quy định pháp luật một năm trở xuống và theo vụ việc. Nếu ủy quyền theo quy định thì hằng năm phải làm ủy quyền, đây là hình thức phát sinh thêm thủ tục.
Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”. Còn ủy quyền theo vụ việc, thì khi nào người lao động không còn làm và lãnh lương, ủy quyền hết sử dụng.
Cả hai trường hợp trên, người chồng sẽ khó hủy ủy quyền nếu vợ (người được ủy quyền) không đồng ý. Đây là rắc rối lớn nhất (với công chứng ủy quyền tại phòng công chứng, khi muốn hủy công chứng, yêu cầu phải có người được ủy quyền). Hệ lụy là trong cuộc sống vợ chồng sẽ phát sinh nghi kỵ lẫn nhau, vợ không tin chồng, hoặc chồng không tin vợ, do không ủy quyền nhận lương lẫn nhau (khi có một người đi làm).
Hoặc đến thời điểm nào đó sẽ phát sinh tranh chấp, khi sự ủy quyền đó vẫn còn hiệu lực, và lương vẫn chuyển đều cho người được ủy quyền, trong khi người lao động không còn lãnh đồng nào, người lao động sẽ kiện ra tòa do họ làm mà không được sử dụng đồng lương do mình làm ra.
Ủy quyền lãnh lương thay phải có công chứng và khó hủy ủy quyền (do ủy quyền không được hủy đơn phương). Để đỡ bị động, nếu các khoản lương đều chuyển qua ngân hàng, người lao động có thể ủy quyền tài khoản tại ngân hàng (do ủy quyền ở ngân hàng có thể hủy đơn phương).
Phòng tránh những mâu thuẫn, rắc rối có thể xảy ra, dễ dẫn đến cuộc sống bất hòa, người lao động không nên ủy quyền lãnh lương cho người khác, kể cả vợ chồng lãnh lương cho nhau (trừ các trường hợp đặc biệt như bệnh tật hay có khoảng cách lớn về địa lý).
Tô Diệu Hiền