Chồng kỹ sư lên Sài Gòn chạy xe ôm chăm vợ con bệnh

07/09/2018 - 16:00

PNO - Sáng nay nhận được cuộc gọi của chị, tôi nghĩ chị không còn đủ tâm trí để ngồi kể về đời mình, nên tôi sẽ thay chị kể lại những ngày tháng anh chị rời quê để chữa bệnh cho con.

34 tuổi, vốn là trưởng phòng quảng cáo trong một công ty ở Cần Thơ nên chị rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Chồng chị nhỏ hơn chị 2 tuổi và là kỹ sư cầu đường, có công việc ổn định. 

Chong ky su len Sai Gon chay xe om cham vo con benh
Lúc vợ con ngã bệnh, chị xót xa nhìn anh một mình gánh cả gia đình. Hình minh họa

Ban ngày anh chị đi làm, buổi tối cả hai chịu thương chịu khó ra phụ trông chừng tiệm sinh tố cho mẹ chồng chị nên đời sống kinh tế gia đình được xem là khá giả ở vùng đất Tây Đô.

Thế nhưng, cậu con trai kháu khỉnh, mặt mày sáng sủa của anh chị năm nay lên 5 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói. Hai năm qua, nhận ra con gặp vấn đề về phát âm, anh chị đã dẫn con đi chạy chữa nhiều nơi gần nhà, nhưng mãi vẫn không có tiến triển tốt đẹp.

Lo lắng này chưa hết thì chị lại bị thoái hóa đốt sống cổ nặng, nửa bên người thường xuyên tê buốt khiến chị cử động khó khăn. Chị không thể đến công ty làm việc vì không thể ngồi lâu được, cũng không làm được việc nhà. 

Cả ngày gần như chị chỉ nằm trên giường. Một mình anh gánh vác từ việc lớn đến việc nhỏ trong nhà, chấp nhận bỏ dở những công việc mối mang.

Hai vợ chồng bắt đầu lo sợ tình trạng này ngày càng xấu đi nên quyết định nghe lời người thân, dắt díu nhau lên TP.HCM chữa bệnh cho hai mẹ con.

Xứ lạ, không người quen biết, anh xin chạy xe ôm công nghệ để trang trải tiền cơm nước, số tiền tích lũy được khi còn ở Cần Thơ dành dụm chạy chữa bệnh cho vợ con.

Ròng rã đã 4 tháng nay, bệnh của chị thuyên giảm nhiều, nhưng con trai vẫn chưa thể nói.

Chong ky su len Sai Gon chay xe om cham vo con benh
Để tìm lại tiếng nói cho con, nhọc nhằn nào ba mẹ cũng gánh nổi

Khi đi lại được, chị gọi điện cho bạn bè, trong đó có tôi, nhờ bạn bè để ý giúp chị nơi nào cần người phụ việc để chị đi làm, đỡ đần gánh nặng cho anh, cũng là gom góp thêm chi phí vì chị hiểu bệnh của con phải chữa trị lâu dài.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là cách chị kể lại câu chuyện về chuỗi ngày quyết tâm bỏ tất cả để theo điều trị bệnh cho con, không một chút trách than, không một chút bi quan. Chuyện khiến chị thở dài là nhìn anh gầy và đen quá..

Chị nói: "Ngày xưa làm cầu đường dãi nắng dầm mưa, anh cũng đen, nhưng rắn rỏi, còn giờ...". Chị nhắn nhủ là việc gì chị cũng làm được, miễn sao có một ngày chị nghe con gọi: "Mẹ ơi, ba ơi"... lúc đó, ông trời có bắt chị mất hết tài sản, chị vẫn sẵn lòng...

Tuyền Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI