Chồng không muốn “chui gầm chạn”

16/09/2016 - 14:34

PNO - Em phải biết khéo léo động viên nghị lực và ý chí thoát nghèo của chồng, để anh ấy có thêm động lực vươn lên. Cha mẹ em muốn giúp con gái, có thể còn rất nhiều cách, chứ không chỉ là việc giữ em sống chung nhà.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em lấy chồng được sáu năm, có một con gái thì vợ chồng không sống chung nữa. Giờ nghĩ lại, em thấy mình cũng có phần lỗi. Lúc đó, sống chung ở nhà ông bà ngoại, em có chỗ dựa nên đôi lúc nói năng với chồng không giữ gìn. Nhà anh nghèo nên dễ mặc cảm. Lúc em có con, bé hay đau ốm, ba má em thường dành tiền cho cháu ngoại.

Mỗi lần nói tiền này là ba má em cho con để ăn, để mua sữa, để uống thuốc… là chồng em sầm mặt, bỏ đi. Anh làm thợ hồ, lương thấp, lại có lúc chủ thuê nợ tiền công, vợ chồng túng ngặt, nên thỉnh thoảng ba má em cũng có ý trách anh không lo nổi cho vợ con.

Hàng ngày, anh đi làm về trễ, ăn cơm xong là ngủ, ít khi nói chuyện; trong khi ba má em lại đợi anh về, muốn chỉ dạy chuyện làm ăn. Một lần, anh bàn với em thuê nhà ra ở riêng. Ba má em nghe được đã mắng cả hai đứa, nói từ rày trở đi gia đình em cứ ra vườn dựng chòi ở tạm, không muốn ở chung ăn chung thì ba má không chứa. Anh uất ức, bỏ đi.

Sau đó, anh nhắn em là đã lên thành phố làm thuê cho người ta. Anh không muốn ở chung nhà, cũng không muốn dựng chòi trong vườn ba má. Nếu anh làm có tiền, sẽ gửi về nuôi con và em; nếu không, anh sẽ không về nữa. Gia đình tan vỡ nhưng em vẫn nghĩ, để rồi coi ai cần ai cho biết.

Không ngờ, đến nay đã hai năm, em thỉnh thoảng có nhận được vài triệu đồng anh gửi, nhưng chẳng thấy anh về. Con đang lớn, nhiều lúc hỏi ba đâu, em không biết trả lời thế nào. Em phải làm cách nào để anh quay về với mẹ con em?

 Nguyễn Thị Dung (Tiền Giang)

Chong khong muon “chui gam chan”
Ảnh minh họa: Internet

Em Dung thân mến,

Em viết đã hai năm rồi chồng em không về, nhưng không biết trong hai năm đó, em có lần nào đi tìm xem thử chồng em đang làm việc ở đâu; sống như thế nào; có ốm đau, thiếu thốn gì không; có nhớ vợ nhớ con không hay đã có ai chăm sóc rồi?

Mình có biết rõ những chuyện đó, thì mới có hướng để kéo chồng về lại với gia đình, với vợ con. Nếu mình chỉ ngồi yên ở nhà như không có việc gì xảy ra, chờ chồng tự quay về, thì khó lắm; trừ phi chồng em thật sự cùng đường, không còn lựa chọn nào khác. Một người đã vì những bức xúc, bất bình mà bỏ đi như vậy, ít khi tự nguyện trở về.

Nếu như em đã nhận ra trong quá khứ mình cũng có những việc làm, lời nói không hay với chồng, khiến anh ấy tự ái, thì giờ cũng nên có lời xin lỗi cho rõ ràng. Mà muốn xin lỗi, phải gặp được nhau. Em hãy thử tìm hiểu thông tin, hỏi thăm bạn bè của chồng, nhắn gửi chồng qua ai đó, để biết hoàn cảnh hiện nay của anh ấy mà có những quyết định cụ thể.

Bây giờ, trước mắt mình gửi cho chồng chút quà quê, bày tỏ thiện chí trước, bước tới trước, thì cũng không có gì phải tự ái. Nhiều đôi vợ chồng cũng từng gặp cái nghèo, cái khó, nhưng khi biết đồng lòng chia sẻ thì đều cùng nhau vượt qua được. Còn nếu một người ỷ mình có chỗ dựa, khiến người kia cảm thấy bị coi thường, thì gia đình khó bền.

Thực tế lúc này, dù chồng em còn đang khó khăn, chưa làm ra được nhiều tiền, nhưng vẫn muốn ra riêng chứ không ở chung với nhà vợ, em cũng phải cân nhắc, tôn trọng. Con em đã lớn, em có thể tìm nơi gửi, để rảnh tay phụ chồng kiếm sống. Lấy chồng phải thuận theo chồng là lẽ đương nhiên, không thì làm sao đồng vợ đồng chồng cho được?

Một việc quan trọng nữa là em phải biết khéo léo động viên nghị lực và ý chí thoát nghèo của chồng, để anh ấy có thêm động lực vươn lên. Cha mẹ em muốn giúp con gái, có thể còn rất nhiều cách, chứ không chỉ là việc giữ em sống chung nhà. Chúc em sớm hàn gắn được gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI