Chồng không may bại liệt, người vợ nhất mực thủy chung, săn sóc hết lòng

25/12/2017 - 13:04

PNO - Tại huyện Lư Giang, tỉnh An Huy, Trung Quốc, hễ nhắc đến chị Hứa Bình, ai cũng thương xót và khâm phục người phụ nữ kiên cường một mình chăm sóc chồng bại liệt và nuôi nấng 2 con hơn chục năm qua.

Chị Hứa Bình là người thị trấn Kim Ngưu, huyện Lư Giang, lấy chồng là anh Vương Văn Nghĩa. Sau khi kết hôn, anh chị chung sống rất hạnh phúc. Vì kiếm kế sinh nhai, anh Nghĩa cùng vợ đi làm phụ hồ trong một công trình ở Ôn Châu.

Nhưng cuộc sống êm đềm ấy chẳng được bao lâu, vì bất cẩn nên anh Nghĩa bị ngã từ trên tầng cao xuống, dẫn đến liệt nửa người cấp độ nặng.

Chong khong may bai liet, nguoi vo nhat muc thuy chung, san soc het long
Chị Bình cắt tóc cho chồng.

“Cả phần đời còn lại anh ấy phải nằm trên giường rồi”, bác sĩ nói với chị Bình. Khi ấy, con gái út của anh chị vừa được 12 tháng tuổi. Nghe bác sĩ nói vậy, chị Bình ngất lịm.

Nhớ lại ngày hôm ấy, chị Bình nghẹn ngào: “Thật sự nỗi đau không biết dùng gì để diễn tả, nhìn chồng nằm bất động trên giường, rồi nghĩ đến 2 đứa con - đứa lớn mới 7 tuổi ở nhà cùng đứa bé vừa đầy năm đang sốt nóng bỏng trong tay, tôi thực sự không biết sau này mình phải làm sao. Cả đất trời trước mắt tôi đều sụp đổ”.

Chị Bình từ nhỏ đã thiếu thốn tình yêu thương của cha nên chị không muốn con chị cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Vì thế, trước mắt chồng, chị nuốt nước mắt, cười và động viên chồng phải phấn chấn lên, không được chán nản vì bệnh tật.

Tháng 12/2006, chị Bình đưa chồng về nhà để tiện chăm sóc. Chị vừa chăm sóc chồng, vừa lo chuyện đồng áng. Quá bận rộn, bất đắc dĩ chị phải cho con gái lớn theo học ở trường nội trú, còn con gái nhỏ phải nhờ bà nội trông nom.

“Những năm ấy, tôi ra đồng từ sáng sớm, cách 2 tiếng lại về nhà một lần xem chồng thế nào”, chị Bình kể lại. Sau đó, có chính sách di dời dân cư, nhà chị Bình được chuyển đến một khu dân cư mới.

Mấy sào ruộng của nhà chị cũng được đền bù nên chị không thể tiếp tục sống dựa vào ruộng đất được nữa. Chị nhận công việc đan lưới đánh cá làm tại nhà. Dù một ngày chẳng kiếm được là bao, nhưng bất cứ lúc nào chị cũng có thể để mắt được đến chồng, nhờ vậy, chị thấy an tâm hơn.

“Dù vất vả thế nào tôi cũng phải cho các con một gia đình hoàn chỉnh”, chị Bình nói. “Chúng tôi người lớn chịu khổ được, nhưng tôi không muốn để các con cũng phải chịu khổ theo”. 

Suy nghĩ này chính là động lực để chị Bình tiếp tục kiên trì. Suốt 13 năm qua, chị chưa từng trách giận anh một lần, mà luôn bên cạnh anh để chăm sóc cho anh. Từ ngày anh đổ bệnh, chị cũng chẳng dám đi đâu quá xa.

“Chỉ cần cả nhà được ở bên nhau thì chẳng có gì quan trọng hơn nữa”, chi Bình thường động viên anh Nghĩa như vậy. Nhờ những lời động viên của vợ mà anh Nghĩa từ không thiết tha ăn uống, buông xuôi tất cả đã bắt đầu vui vẻ trở lại, tình hình sức khỏe cũng ngày một tốt hơn. Anh cười nói: “Nếu không có cô ấy cũng chẳng có được tôi ngày hôm nay”.

Thi thoảng chị Bình lại xoay người cho chồng, chị nói: “Cứ cách 2 tiếng lại lật người một lần, nếu không lưng anh sẽ bị hoại tử.” Ngoài ra, chị cũng thường xoa bóp, giúp anh vận động chân và hông, đưa anh ra ngoài hít thở không khí.

“Bố ơi con về rồi” - cô con gái út mới tan học vừa về đến nhà liền chạy ngay đến bên giường bố, tìm anh Nghĩa để trò chuyện. Cô bé cứ líu lo kể chuyện cho bố nghe.

Nhìn đứa con nhỏ bé, anh chị lại rưng rưng nước mắt. Chị Bình nói, 2 cô con gái của anh chị đều rất hiểu chuyện. Khi có cả cô chị cả ở nhà, 2 chị em cứ tranh nhau chăm sóc bố, đánh răng rửa mặt cho bố, rồi xúc cơm cho bố ăn.

Dù thiếu đi sự gánh vác của người cha làm trụ cột, nhưng chỉ cần thấy các con như vậy, anh chị lại tràn đầy động lực, tiếp tục cố gắng vì các con.

Chinh Lê (Nguồn Chinanews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI