Chồng không lo kinh tế gia đình, còn lấy trộm tiền của vợ và mẹ vợ để tiêu xài

16/12/2022 - 20:23

PNO - Hãy cho chồng hiểu đây là thời hạn cuối cùng để kiểm tra ngưỡng chịu đựng của em, khi quá ngưỡng, em sẽ hành động cương quyết, rõ ràng, thẳng thắn.

Em chào chị!

Mong chị hãy cho em một lời khuyên! Em năm nay 29 tuổi, là giáo viên mầm non. Chồng em cũng bằng tuổi em, làm nghề tiếp thị. Hai đứa gặp nhau quen nhau từ khi học chung trường Đại học... Anh ấy theo đuổi em đến lúc cưới nhau là tháng 12 năm 2018.

Thời gian đầu mới cưới, anh ấy rất chăm lo cho em, làm bao nhiêu tiền đều đưa vợ, mặc dù số tiền không nhiều... Năm 2019 vợ chồng em có em bé đầu tiên, anh ấy vẫn chăm lo đến khi bé được 1 tuổi...

Nhưng sau thời gian đó, anh ấy thường xuyên gây nợ, lấy trộm vàng để cầm cố. Em đã chuộc lại mấy lần, nhưng việc ấy lại tiếp tục tiếp diễn... Em hỏi lý do thì anh không nói, và anh rất hay nói dối không thành thật. Từ việc nhỏ đến việc lớn anh đều nói dối em. Lâu ngày vợ chồng mất niềm tin và thất vọng!

Đến khi dịch COVID khởi phát, chồng em lại thất nghiệp. Sau dịch, chồng em đi làm lại, nhưng tiền cũng chẳng thấy đâu! Anh ấy cứ hẹn ngày này có lương nhưng rồi lại viện lý do khác, rồi lý do khác, và rồi 9 tháng nay anh ấy không lo cho mẹ con em được một đồng nào.

Em có nói riêng với anh rất nhiều lần, một tháng cần chi tiêu những khoản tiền sinh hoạt gì, con cái học hành tốn kém thế nào, để anh biết thể hiện trách nhiệm của mình. Nhưng anh chỉ hứa rồi lại dửng dưng như không hay không biết.

Đến nay, em đã vỡ kế hoạch có thêm bé nữa, một mẹ bầu phải lo toan mọi thứ. Em định bỏ bé đi, nhưng phần thì thấy thương con, phần vì chồng em muốn giữ lại, và hứa với em rằng anh sẽ lo cho em và con. Nhưng rồi em lại chẳng thấy anh thể hiện.

Thấy em khóc thì anh lại hứa, vì anh sợ làm ảnh hưởng con. Nhưng anh cứ hứa rồi lại thất hứa, làm em thất vọng vô cùng. Anh hứa và nói nhiều lắm, từ việc nhỏ tới việc lớn, nhưng chẳng thấy anh thực hiện việc nào cả.

Anh cứ đi làm và thậm chí đi ăn uống anh cũng không có khả năng chi trả. Thật sự em bị stress và buồn nhiều lắm! Chuyện nhà anh cũng chẳng giỏi giang, cũng chẳng có trách nhiệm gì...

Ngày cuối tuần nghỉ anh cũng bảo là đi làm, để em bầu bì vẫn phải lo con nhỏ và dọn dẹp nhà cửa các thứ. Về nhà anh chỉ việc chơi với con chừng 5 - 10 phút, nhưng cũng chỉ cho con sử dụng điện thoại, đam mê bóng đá, nghiện game, lối sống lại không ngăn nắp, bừa bãi...

Tuy đã gần tuổi 30, nhưng chồng em vẫn còn lệ thuộc ba mẹ ruột của mình. Ba mẹ phải phục vụ anh từng ly cafe, từng viên thuốc. Chồng em là người đã được ba mẹ mình nuông chìu và bao bọc đến lớn...

Em nghĩ rằng mình sẽ thay đổi được anh ấy, nhưng em không làm được nữa rồi. Em mệt mỏi quá chị ạ! Không những vậy, nhiều lần chồng em lại lấy trộm tiền của em, rồi của mẹ vợ, từ những tờ tiền lẻ, đến số tiền lớn hơn.

Em không thể nào hiểu nổi nữa. Anh ấy đi làm từ sáng sớm đến 7 - 8 giờ tối hơn, nhưng lúc nào cũng túng thiếu, cũng không tiền, cứ bảo không được công ty trả lương.

Có chồng nhưng cũng như không, em phải tự làm, tự chăm lo tất tần tật tất cả mọi thứ...

Nếu như không có bé nhỏ trong bụng em hiện tại, thì em sẽ quyết định ly hôn. Nhưng giờ em cũng đang có thai, và anh ấy làm em buồn rất nhiều. Vậy em có nên quyết định ly hôn để thoát khỏi cuộc hôn nhân này không ạ?

Hiện tại em bị stress. Em sợ mình sẽ bị trầm cảm, em không muốn làm ảnh hưởng con em, vì em cứ mãi không vui thì con làm sao khỏe mạnh thông minh được ạ? Em rất cần lời khuyên của chị! Em cảm ơn chị nhiều lắm.

Nguyễn Ngọc Bích

Em Ngọc Bích thân mến,

Đọc thư em, chị chợt nhớ tới một câu chuyện nhỏ về sự chịu đựng: Khi bạn cầm một cái ly nước nóng bỏng, hay một vật gì đó rất nặng, vì nhiều lẽ, bạn sẽ luôn cố gắng giữ nó trên tay. Nhưng khi tay bạn bị bỏng hay quá mỏi, bạn buộc lòng sẽ tự thả rơi ly nước đó mà thôi.

Trong thời gian làm tư vấn cho mọi người, Hạnh Dung đã gặp khá nhiều trường hợp như vậy. Có nhiều người đã rất mệt, rất mỏi, rất thất vọng về cuộc hôn nhân. Thế nhưng họ e ngại thay đổi, sợ sẽ làm gia đình sứt mẻ, con cái tổn thương, hay có khi vì lý do phụ thuộc kinh tế mà không dám ly hôn.

Họ cũng tư vấn, hỏi han, và nhiều trường hợp được khuyên nên ly hôn, nhưng họ cũng chỉ để lời khuyên ở đó... cho đến khi chính mình không còn chịu đựng được nữa.

Em đã cảm thấy mọi chuyện đến ngưỡng chịu đựng của mình hay chưa? Và trong khi chịu đựng, em có nghĩ ra phương cách nào để thay đổi, có nhìn thấy khả năng thay đổi hay không? 

Để thay đổi thì phải tìm ra nguyên nhân: vì sao chồng em đang từ một người chồng có trách nhiệm, lo cho vợ con lại biến thành người vô trách nhiệm, thậm chí còn tệ hại hơn: ăn cắp tiền của vợ và người thân?

Có khi nào chồng em dính vào một tật xấu nào đó, khiến anh luôn phải cần tiền đến mức quên hết mọi việc vì nợ nần, chẳng hạn bài bạc, hút hít hay thậm chí là mối quan hệ khác?

Dù có bận rộn hay mệt mỏi đến mấy, em cũng phải cố gắng tìm ra nguyên nhân, hay nhờ sự trợ giúp của người nhà để tìm ra nguyên nhân.

Để có thể quyết định: còn khả năng giúp chồng thay đổi, cố gắng và sống có trách nhiệm với gia đình hay là buông bỏ? Bởi có khá nhiều thói hư tật xấu có thể thay đổi, sửa chữa nếu tìm ra nguyên nhân. Cũng có những điều không thể thay đổi được, hoặc rất khó khăn để thay đổi.

Dù sao, lúc này em đang có thai, hãy cố gắng giữ tinh thần để mẹ và con được mạnh khỏe. Khi em xác định được con đường đi và kế hoạch thực hiện, em sẽ thấy bình tĩnh hơn.

Thời gian để qua khỏi giai đoạn này cũng không dài, cao nhất là chín tháng. Em hãy ưu tiên mọi điều cho bản thân và con đã. Cố gắng thay đổi chồng ít nhất là từ việc giúp đỡ em chăm sóc con, làm việc nhà để em được nghỉ ngơi. 

Hãy cho chồng hiểu rằng đây là thời hạn cuối cùng để kiểm tra lại ngưỡng chịu đựng của em, và khi tới hạn mức của nó, em sẽ hành động cương quyết, rõ ràng, thẳng thắn. Đôi khi sự cương quyết của em sẽ khiến chồng thức tỉnh nhanh hơn, mà có quyết tâm thay đổi, sửa chữa, làm gì đó cho vợ con mình.

Còn nếu như em cứ chấp nhận, kiên nhẫn chịu đựng, im lặng đau khổ, hay thậm chí chỉ cằn nhằn, trách móc mà không có động thái nào mạnh mẽ hơn, anh ta sẽ không có lý do gì phải nghĩ tới nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI