Ở đó, chúng ta phải luôn sửa mình cốt làm sao cho vừa vặn nhất với người phối ngẫu. Nên chẳng có gì ngạc nhiên, khi gần đây, phong trào đi học để bảo vệ hôn nhân của mình bỗng phát triển một cách đáng ngạc nhiên...
“Muốn giữ chồng phải quyến rũ, thông minh...”
Đó chính là những lời quảng cáo cho những khóa học đang được rất nhiều phụ nữ quan tâm “nghệ thuật quyến rũ”, “vợ tốt”, “sức mạnh ngôn từ”, “quyền lực mềm”.... dường như tất cả nội dung đó, chứa đựng khát khao trở thành một người vợ hoàn hảo của tất cả đàn bà trên cõi đời này.
Có người phụ nữ nào không mong mình luôn quyến rũ, xinh đẹp trong mắt chồng. Có người phụ nữ nào không mong mình là hình ảnh giỏi giang nhất, thông minh nhất, được việc nhất trong mắt chồng. Ai mà chẳng mong mình chính là người vợ tốt nhất...
|
Ảnh minh họa |
Nga - trình dược viên văn phòng đại diện của một công ty dược cho rằng, “đọc hết những nội dung mình phải học và thay đổi để có thể giữ chồng, em bỗng ứa nước mắt, thương phụ nữ mình quá. Đàn bà chứ đâu phải siêu nhân. Phụ nữ cũng là người bình thường mà, tại sao phải bắt chúng em trở thành một người cái gì cũng giỏi vậy chứ?”.
Ngọc Hường, giảng viên một trường cao đẳng, kể rằng: “Tôi học một khóa online của một công ty ở Hà Nội tổ chức, hay thì hay thật, nhưng khi trở về là mình với ngổn ngang công việc hằng ngày, thực khó để áp dụng. Sức mạnh ngôn từ khi ấy vô nghĩa. Mình lại trở về đúng con người thật của mình thôi”.
Tôi đăng ký một khóa học mang tên “Vợ tốt” được tổ chức tại một biệt thự sang trọng. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được ở đây chính là không khí cởi mở của lớp học, kể cả giáo viên và học viên. Dường như mọi người đến đây cốt yếu để tìm cho mình một sự sẻ chia, một sự đồng điệu nào đấy. Sau khóa học, tôi cũng tự hỏi mình đã nhận được gì, bản thân tôi cũng tự hiểu ra rằng tình yêu là nền tảng nhưng không đủ cho một hôn nhân hạnh phúc nếu thiếu kiến thức tâm lý. Điều trớ trêu là chúng ta nhận ra nhu cầu phải học hỏi trong các lĩnh vực khác nhưng lại không nhận ra nhu cầu cần trang bị kiến thức tâm lý học trước khi bước vào hôn nhân.
Phải hiểu chồng và “giỏi” chuyện nhạy cảm
Hình như đã qua cái thời phụ nữ muốn giữ lửa gia đình phải tề gia nội trợ, học nấu ăn, làm bánh. Nhưng với phụ nữ Việt Nam, điều khác biệt lớn nhất so với các nước phương Tây chính là khi nói về chuyện “vợ chồng”.
|
Ảnh minh hoạ |
Nhắc đến chuyện tình dục, hình như chạm phải một điều gì đấy thực sự cấm kỵ với đàn bà, nên hầu hết, mọi người khá e dè, không được thoải mái và cởi mở khi nói về chuyện này. Thế nhưng hiện nay, rất đông phụ nữ hiểu ra rằng, việc này chẳng có gì là ghê gớm, đó là nhu cầu hết sức bình thường của con người. Và họ tin rằng, việc thiết yếu để bảo vệ hạnh phúc gia đình trước tiên là điều chỉnh câu chuyện phía sau cánh cửa phòng ngủ. Bởi, quá nhiều thông tin liên quan đến câu chuyện tế nhị này vẫn được nhắc đến mỗi ngày.
Chị Nga, một doanh nhân, đã thẳng thừng chia sẻ rằng, tình dục hoàn toàn không bao giờ là bản năng, nó có một phần là kỹ năng. Có thể vì vậy mà các khóa học về việc này gần đây được nhiều phụ nữ tìm đến. Với phụ nữ, có cảm giác rằng, chỉ cần có cái gì đó để giữ được gia đình, là họ lao đi học. Được hay không hạ hồi phân giải, còn chuyện trước mắt là làm sao để giữ chồng.
Nhưng thực tế, rất nhiều người tin rằng, chuyện vợ chồng hoàn toàn là một câu chuyện của cảm xúc. Như thế cần gì phải học mà hãy để cảm xúc đưa lối dẫn đường. Khi lòng đã nguội lạnh, thì dù có hàng ngàn kỹ năng cũng vô ích thôi.
Chị Thái Hòa - một chủ doanh nghiệp nhỏ - nói rằng chị đã quá ngạc nhiên khi trên trang Facebook của mình xuất hiện rất nhiều bài viết về việc đi học chuyện giường chiếu.
Lúc chưa biết những bài đó được chạy quảng cáo, bản thân chị cũng thấy e ngại. Vì những khóa học tên gọi nghe rất sốc, nào là nghệ thuật chiều chồng đỉnh cao, phụ nữ lãnh đạo bằng tình dục... thấy thôi đã buồn. Dù thật lòng, trong đời sống hôn nhân, tình dục cũng chiếm vị trí quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Bạn thân của chị, sau khi tham gia các khóa học về, chồng đã phải trợn tròn mắt lên vì tưởng vợ là một người nào khác, dịu ngọt, lả lơi và xa lạ. Họ lục đục bởi chồng chị ấy lại lăn tăn những suy nghĩ xấu trong đầu.
Tôi đọc nội dung quảng cáo khóa học này trên website của một ngôi trường dành riêng cho phụ nữ, hình như họ không hề dùng những từ ngữ trần trụi, “tự nhiên chủ nghĩa” khi nói về vấn đề cực kỳ nhạy cảm này, chứng tỏ những người mở ra các khóa học rất nghiêm túc trong việc này.
Khóa học này, theo tìm hiểu của tôi, đã chiêu sinh gần được ba năm và hiện vẫn còn người theo học, chứng tỏ nhu cầu được thêm kiến thức, được hiểu chính mình và thêm cho mình một vài kỹ năng hoàn toàn là một nhu cầu rất thực, dù học phí gần 19 triệu đồng cho 6 buổi học.
Như, một bạn nữ từng tham gia khóa học này, tâm sự: “Học để có kiến thức về tình dục, biết thế nào là tình dục an toàn và sự quan trọng của tình dục trong hôn nhân. Chẳng có gì xấu hay ghê gớm cả. Từ trước, tôi được bạn bè âm thầm chuyền tay nhau sách báo, link phim để tự xem, tự biết, bây giờ được giảng viên phân tích mới biết mình sai đúng chỗ nào mà điều chỉnh”.
Học để biết cương nhu đúng lúc
Tôi hỏi người phụ nữ ngoài 30 ngồi cạnh mình “vì sao bạn đi học?”, câu trả lời chắc cũng không có gì bất ngờ với hầu hết đàn bà: “Em thấy mình cũ kỹ, chán ngấy chính mình, em tìm một động lực để mới mẻ hơn”.
Những lời chia sẻ của tất cả học viên tham gia với tôi hôm ấy đều cùng chung một câu chuyện dễ dàng bắt gặp đâu đó dọc cuộc sống của những người đàn bà quanh đây. Họ ở độ tuổi từ 25-45, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm, hầu như họ chưa cảm thấy hạnh phúc với các mối quan hệ của mình, có nhu cầu làm mới bản thân hoặc tìm cho mình một “từ khóa” để cải thiện các khúc mắc đang vướng phải trong chính gia đình mình.
Trong lớp, có bạn là bác sĩ đã ngoài 30 mà chưa có người yêu, bạn muốn đến lớp học, dù không quyến rũ, tự tin hơn thì cũng biết được mình đang “vô duyên” như thế nào mà tìm mãi không ra một mối tình.
Một phụ nữ ngoài 40, khi được hỏi tới đã bật khóc sướt mướt, nói chồng mình ngoại tình, chị đã trầm cảm một thời gian khá dài trước khi được một em nhân viên nói là nên đi học. điều chị mong chờ nhất, không phải làm thế nào để chồng mình quay về, mà là làm sao, để mình tươi tỉnh và thanh thản hơn. Nói như lời giảng viên đứng lớp học ấy, mục đích của khóa học, có cả việc tìm thấy chính mình trong bình an sau những tổn thương mất mát trong cuộc sống.
Khóa học tôi tham gia gồm hai buổi với hơn 7 triệu đồng học phí không phải là số tiền nhỏ với mặt bằng thu nhập hiện tại. Nhưng lạ lùng một điều là mọi người rất hồ hởi tham gia. Tôi cũng nhận thấy mình ít nhiều thay đổi sau khi tham gia khóa học. Cho dù, những lời cô giáo giảng trôi tuột đi đâu mất, nhưng ít ra, tôi thấy mình được tiếp thêm động lực, nhìn thấy đâu là điều mình cần thay đổi. Và thậm chí cắt ngắn mái tóc bao nhiêu năm dưỡng, chỉ vì một chân lý “cho có cái gì mới với bản thân”.
Ở khóa học đông phụ nữ này, đôi khi những điều to tát quá trở thành vô nghĩa. Bản thân người phụ nữ tham gia khóa học, họ hiểu họ đi học không phải để về lả lơi với người nào, cũng chẳng phải dùng kỹ xảo gì để lôi kéo chồng, người yêu mà học để biết mình cần điều chỉnh gì cho cuộc sống của mình. Biết mềm mại cương nhu đúng lúc. Như lời một chị bạn học cùng chia sẻ “lúc chuẩn bị hét ầm lên với chồng vì những ấm ức lâu ngày, nhớ lại bài học, phụ nữ phải luôn mềm mại như nước, tự dưng hạ giọng”... Đấy, có thể đàn bà đi học chỉ cần như thế.
Giữ chồng bằng cách nào?
Khi kinh tế đầy đủ hơn, cuộc sống ngày càng đòi hỏi người phụ nữ phải hoàn thiện nhiều thứ, đôi khi cũng đưa cánh đàn bà vào những thách thức với chính cuộc hôn nhân của mình. Ai cũng khao khát được đẹp hơn, được quyến rũ hơn để có thể giữ gìn hạnh phúc của mình. Mà, hạnh phúc thì vốn dĩ rất mong manh, thế nên, việc mê mẩn đi học cũng là một yếu tố thách thức tâm lý đàn bà.
Có cảm tưởng xã hội ngày càng làm quá lên, khi đâu đâu cũng có thể xuất hiện những lời rêu rao giúp đàn bà trẻ, đẹp, quyến rũ. Những lời kêu gọi đàn bà hãy biết sống vì mình, đẹp vì mình, yêu chính mình. Những khóa học khám phá bản thân, tìm kiếm thần thái, những buổi nói chuyện về phụ nữ, về tình yêu, về gia đình. Phụ nữ hình như đang bị bủa vây bởi những thông tin dày đặc về chính cuộc sống của mình.
Chị Hương, một nhà báo, chia sẻ: “Lúc đầu chị cũng rất thích đi học, dự các buổi talk show về kỹ năng, nhưng bây giờ chị thấy nhiều quá, không biết cách nào chọn khóa học phù hợp với mình”. Làm sao chọn cho mình một khóa học bắt trúng căn bệnh hiện tại của mình giữa ma trận khóa học, là điều mà hầu hết phụ nữ quan tâm, để đừng tiền mất tật mang, để mình không phải là “quý bà lắm tiền”, chỉ đốt thời gian bằng cách đi học.
Theo ý kiến các chuyên gia, chồng không cần giữ đâu, hãy là chính mình, đừng chạy theo điều gì xa xôi. Tôn trọng nhau và cùng nhau xây dựng nếp nhà. Đó mới là then chốt của một cuộc hôn nhân bền vững.
Lan Khôi