Chồng không cần đóng góp gì, vợ "cân tất"

12/12/2021 - 05:50

PNO - Đóng góp tiền sinh hoạt không chỉ thể hiện trách nhiệm của đôi bên, mà còn là cách thể hiện sự sẻ chia, tôn trọng lẫn nhau.

Quyên hiện là trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu. Thu nhập của cô khá cao, có thể lo được toàn bộ sinh hoạt phí của cả nhà, tiền học của các con, mà vẫn có tiền để dư. Ngược lại, Thắng chồng của Quyên thu nhập không cao bằng vợ. Thêm nữa, anh còn phải chu cấp cho em gái. Trừ đi các khoản chi tiêu cá nhân và học phí của em gái thì cũng chẳng còn bao nhiêu.

Lúc mới cưới nhau, thu nhập của Quyên không cao như bây giờ, hàng tháng Thắng vẫn đưa cho vợ tiền để chi tiêu trong nhà. Nhưng mấy năm nay, lương thưởng của Quyên khá hơn, cô không cầm tiền của chồng nữa. Lương tháng của anh chỉ để tiêu cho bản thân và nuôi các em. Thỉnh thoảng, Thắng đưa đón các con đi học có mua cho bọn trẻ ít đồ chơi và đồ dùng học thập. Lâu lâu cả nhà đi du lịch, anh cũng đưa cho vợ ít tiền.

Hai vợ chồng cần chia sẻ với nhau về các chi phí cố định trong gia đình (Hình minh họa)

Hai vợ chồng cần chia sẻ với nhau về các chi phí cố định trong gia đình (Hình minh họa)

Tuần trước, Quyên nói có người bạn của cô muốn bán một mảnh đất rất đẹp, giá cả phải chăng, cô muốn mua để đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu hơn trăm triệu, Quyên muốn hỏi chồng có tiền không, đưa cho cô để mua đất. Thắng nghe thấy thế liền nói anh cũng có một ít tiền để dành, nhưng lại dùng để đầu tư chứng khoán cả rồi, nên hiện giờ không có tiền dư.

Vừa nghe thấy chồng nói thế, Quyên đã mắng xối xả. Cô trách Thắng đem tiền đi mua cổ phiếu mà không bàn bạc với vợ. Anh không phải là người có chuyên môn về kinh tế, am hiểu thị trường chứng khoán, cứ nghe người ngoài tư vấn linh tinh rồi ôm tiền đi đầu tư như thế, khéo mất cả chì lẫn chài.

Thắng nghe vợ nói thế thì cũng bực mình, anh nói từ trước đến nay không phải Quyên coi thường chồng vì lương anh thấp hơn, số tiền anh kiếm được chỉ là tiền lẻ nên không cần anh đóng góp kinh tế hay sao? Từ xưa đến nay, cô đã bao giờ tiêu tiền mà hỏi ý anh đâu. Quyên lấy tiền đi mua đất không hỏi ý chồng, tại sao anh đầu tư chứng khoán lại phải hỏi ý vợ.

Để vun đắp cho gia đình, việc minh bạch tài chính rất quan trọng. (Hình minh họa)
Để vun đắp cho gia đình, việc minh bạch tài chính rất quan trọng. (Hình minh họa)

Gia đình Hiên và Vũ thì khác. Mới cưới nhau được hơn hai năm, ngay sau đám cưới, họ vận dụng công thức: tiền ai nấy tiêu. Mỗi người sẽ lo một khoản chi phí trong nhà, không ai đụng tới tiền của ai. Tiền lương của Vũ để trả phần nợ mua nhà còn thiếu, còn tiền của Hiên lo tiền ăn uống, điện nước cho cả nhà.

Dịch bệnh ập tới, thu nhập của Hiên bị cắt giảm. Bây giờ gia đình nhỏ của họ lại có thêm một nhóc tì mười tháng tuổi, nên chi tiêu eo hẹp hơn. Cô nói với chồng, thì Vũ bảo bây giờ ai cũng khó khăn, Hiên là người vợ, người lo nội trợ phải tự cân đối chi tiêu, kiếm ít thì phải bớt chi tiêu lại.

Thực ra, Hiên đã cố thắt lưng buộc bụng, nhưng có con nhỏ khác với hai vợ chồng son, không thể nói tiết kiệm là tiết kiệm được. Những lúc con đau bệnh bất chợt, lại phải thuốc men, nên tiền trong túi cứ thế mà vơi.

Hiên bắt đầu quay ra trách chồng không biết san sẻ, tính toán với vợ. Từ lúc có con, tiền ăn của cả nhà tăng lên khá nhiều, trong khi đó lương của cô lại giảm xuống. Để nuôi con, lo được cơm ngày hai bữa cho chồng, cô đã phải bớt đi bao nhiêu khoản chi tiêu cá nhân. Thỏi son Hiên thích, cô cũng nâng lên đặt xuống không dám mua.

Mỗi gia đình có một cách riêng để quản lý tài chính. Có nhà thống nhất “vợ là nội tướng” nên tất cả tiền chồng đi làm về đều đưa cho vợ, chỉ giữ lại số tiền nhỏ để chi tiêu cá nhân. Có gia đình lại chọn cách mỗi người lo một khoản chi tiêu nhất định, chồng lo mua nhà,  mua xe, vợ lo ăn uống. Hai vợ chồng cũng có thể đóng góp một khoản tiền nhất định vào quỹ chung, các khoản chi cho gia đình đều lấy từ quỹ chung đó.

Đóng góp tài chính theo cách nào không quan trọng. Quan trọng là hai vợ chồng phải chia sẻ với nhau về các khoản chi tiêu cố định hàng tháng, các khoản tích lũy và ý định đầu tư của mỗi người nếu có, để đôi bên nắm được từ đó có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình.

Nếu người vợ có thu nhập cao hơn, đừng vì cáng đáng được mọi thứ mà không cần bạn đời đóng góp. Nếu làm như vậy, chồng của bạn sẽ cảm thấy mình bị coi thường, lâu dần sinh ra tự ti, chán nản.

                                                                   Anh Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI