Chị Hòa là nhân viên lồng tiếng sách nói và các nhãn hàng. Chị có một tình yêu thật đẹp, tình đầu cũng là tình cuối. Bàn về mức độ hạnh phúc trong hôn nhân, chị Hòa tự tin trả lời: “Tôi luôn thấy hài lòng và thoải mái, tuy rằng sự hài lòng đó không phải trong mọi việc mọi lúc. “Nhân vô thập toàn”, chồng hay vợ đều có những ưu và khuyết như những góc cạnh lồi lõm để khi kết hợp cùng nhau thì tròn trịa, viên mãn. Nhưng đôi lúc ta quên đi điều này, lại mong muốn người kia phải có thêm tính tốt này, năng lực nọ cho bằng... chồng người khác”.
Vợ chồng chị Hòa trong ngày cưới
Chị Hòa và ông xã quen nhau, lấy nhau đến giờ đã được 25 năm. Là đàn ông nhưng chưa khi nào anh bảo bọc được vợ về tài chính, điểm cộng của anh ở chỗ luôn là người chồng, người cha, người đàn ông mẫu mực khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Chị Hòa tâm sự: “Phụ nữ không tránh khỏi những lúc so sánh chồng mình - chồng người, rồi bất mãn, buồn phiền. Những lúc đó tôi lại nghĩ, tại sao ngày đó mình chọn người này? Mình đã chọn một người vì cái nết, cái tình của người ta mà chấp nhận việc người ta không phải trụ cột kinh tế hay giỏi giang địa vị trong đời. Cho đến nay người ấy vẫn đáp ứng mong mỏi đó của mình kia mà. Nếu vậy, thì không phải người ta thay đổi, mà là mình thay đổi. Những lúc “quên” lý do tại sao bạn yêu người ấy, hãy nhìn lại, mình có còn cần lý do đó nữa hay không? Có thể đó là sự thủy chung, ấm áp, ngọt ngào, điều đó tùy thuộc vào bạn. Khi đã có câu trả lời, đã ra quyết định thì đừng để những phiền não thế gian đó làm vẩn đục hạnh phúc của mình”.
Theo chị, một người phụ nữ biết cách hạnh phúc, chắc chắn sẽ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đó là cuộc hôn nhân mà các bên chung sống đều cảm thấy hài lòng. Bản thân hạnh phúc là một cảm giác, và nó giống nhau ở mọi người. Tuy nhiên, những điều mang lại hạnh phúc thì khác nhau tùy từng người, từng thời điểm.
Hôn nhân giống như đôi giày mang trong chân, có thể giản dị thôi nhưng phải vừa vặn và thoải mái, không thể mang đôi giày đẹp đẽ, lấp lánh nhưng khiến mình đau đớn thậm chí ứa máu. Cũng như người xưa nói “Phu thê như y phục”, là thứ ta có thể lựa chọn cho vừa vặn với bản thân, mặc vào phải thoải mái và thể hiện chính con người của ta.
Chị Hoà chia sẻ một câu chuyện: “Tôi có một ông anh họ. Chị dâu hay than vãn chồng không chịu đi làm khiến chị một mình nuôi con, làm việc nhà quá vất vả. Chị bảo, thấy chồng người ta mà ham, còn mình sống không khác gì mẹ đơn thân, muốn bỏ quách ông chồng. Nhưng thực tế, do mẹ chồng lớn tuổi, lẩn thẩn, nên ông chồng phải lo chăm sóc mẹ, không thể đi làm được. Nghĩa là thay vì chồng kiếm tiền, con dâu chăm mẹ chồng thì gia đình này đang hoạt động ngược lại. Trong hoàn cảnh này thì không phải thực tế cuộc sống mà chính ý niệm “đàn ông phải đi làm kiếm tiền” và việc nhìn thấy các gia đình khác sống theo kiểu mẫu đó rồi so sánh, khiến chị dâu tôi buồn phiền, bất mãn”.
Xuất thân từ hai “mái nhà” khác nhau, hai người sẽ mang theo về và bày biện trong mái nhà chung những hành trang từ cuộc sống trước kia. Đôi khi những “đồ đạc” đó được đặt để không phù hợp với thói quen sinh hoạt của người kia, thế là có mâu thuẫn, tranh luận. Nhưng rốt cuộc họ sẽ giải quyết được. Có thể sẽ phải dời chỗ hoặc bỏ đi “món đồ”, hoặc thậm chí thêm vào một số món cho phù hợp với cuộc sống chung.
“Món đồ” đó có thể là một thói quen, một nếp nghĩ. Trước kia độc thân, chồng có thể ngày nào cũng lai rai nhậu. Nhưng bước vào hôn nhân “món đồ” này khiến người vợ không hài lòng. Sau mâu thuẫn, cãi vã, họ ngồi xuống phân tích, thương lượng, đi đến thỏa thuận: chồng phải dẹp món nhậu đó đi, chỉ được nhậu vào các dịp giỗ chạp, hiếu hỉ mà thôi.
Còn sau bao phen cãi vã, thậm chí choảng nhau nhưng người chồng vẫn duy trì việc nhậu nhẹt mỗi ngày thì người vợ nên hiểu rằng, đó không phải là “vấn đề” nữa mà nó là “kết cấu” của cuộc hôn nhân. Mái nhà chung là do hai người cùng nhau xây nên. Anh chồng đã xây thành một “phòng nhậu” thì hẳn nó chẳng phải một thói quen mà là một nét tính cách của anh ta.
“Căn phòng nhậu” đó, người vợ chỉ có thể đứng nhìn hoặc bước vào nhậu chung chứ chẳng thể dẹp được. Vì khi đập phá nó cũng là đập vỡ luôn cuộc hôn nhân ấy. Người vợ chỉ còn cách phải cân nhắc rằng mình có thể tiếp tục cuộc hôn nhân với sự tồn tại của căn phòng đó không.
Chị Hòa cùng chồng con, em chồng và bố mẹ chồng
Khi nói về ông xã, chị Hoà cho biết anh không bao giờ đụng tay vào việc nhà: “Tôi hiểu vấn đề này không trầm trọng. Đó là kết cấu của hôn nhân, là bản tính của anh ấy. Anh giải quyết bằng cách nhờ vào sự trợ giúp của mẹ anh, hoặc cô em họ chứ dứt khoát anh không nhúng tay vào. Tôi chỉ có thể chấp nhận hoặc bỏ cuộc hôn nhân này. Anh chồng hiền lành, tinh tế, quấn quýt, lành mạnh, chung thủy, gương mẫu... nhưng không đóng góp tài chính và không làm việc nhà. Có người dứt khoát không chấp nhận, nhưng tôi thấy được”.
Một chữ “được” đã thể hiện sự chấp nhận của người vợ về cuộc hôn nhân này, về hạnh phúc của chị. Đôi lúc, phụ nữ hay nhìn vào người cha của mình, người chồng người khác, nên không nhìn thấy vẻ đẹp hiện tại của người đàn ông đời mình. Hãy tập thông cảm và nhìn nhận tổng quan hơn về người chồng của mình, chị em nhé.
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.