Ngày mới yêu nhau, gia đình lẫn bạn bè đều nhận xét tôi tuy nhan sắc bình thường nhưng khéo chọn anh người yêu vừa đẹp trai lại giỏi tính toán, bếp núc. Nghe vậy, tôi thấy mình thật may mắn vì gặp người nhiều ưu điểm. Thế nhưng sau khi cưới và ở chung, anh làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì cái tính chi ly, tính toán của anh.
Cái bẫy mang tên “bình đẳng”
Tuy tốt nghiệp một trường đại học có tiếng trước vợ đến ba năm, nhưng đến khi cưới nhau, mức lương của anh thấp hơn vợ rất nhiều. Vì vậy, khi về chung nhà chúng tôi đã ngồi cùng nhau phân chia việc nhà và cũng phân chia phần đóng góp tài chính. Tôi thấy đây là việc nên làm của những cặp đôi mới cưới, để tránh nảy sinh xích mích khi sống chung.
Anh phân chia rõ ràng, chi tiết: Vợ đi chợ - chồng sẽ nấu ăn; vợ rửa chén, lau nhà - chồng giặt đồ - vợ ủi đồ. Việc nhà của cặp đôi mới cưới chỉ có vậy, tôi thấy ổn và công bằng.
Về kinh tế gia đình, chúng tôi có mượn ba mẹ tôi gần 100% tiền để mua nhà, anh phân công: Chồng sẽ chi tiêu ăn uống trong nhà, còn vợ lương cao nên chịu trách nhiệm trả nợ mua nhà.
Tôi thấy phân chia vậy là hợp lý vì ai có thu nhập cao hơn thì đảm nhiệm phần nặng hơn. Nhưng vài năm sau, khi anh có cơ hội việc làm thu nhập cao hơn gấp đôi, gấp ba lần so với trước, anh vẫn chi như cũ, anh từ chối góp tiền trả nợ nhà, lý do là công việc của anh với thu nhập cao thì bị công ty “bóc lột” nhiều hơn, trách nhiệm cao, áp lực cao…
Vậy, tôi đi làm với mức thu nhập cao chẳng lẽ không mệt mỏi, không áp lực sao? Tôi đóng góp phần nhiều nhưng bù lại không được nghỉ ngơi mà phải làm việc nhà bình đẳng với chồng. Anh xem việc vợ có tiền nhiều thì hẳn nhiên vợ phải chịu trách nhiệm cao trong gia đình, không có gì phải bàn cãi.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Chồng giỏi tính toán
Cho đến nhiều năm sau, khi nợ đã trả xong và nhà đã có thêm hai thành viên thì tôi vẫn là trụ cột gia đình, gánh nặng không hề giảm.
Chồng tôi ngày càng chi li, nhỏ nhen. Chồng chia ra: anh vẫn phụ trách chi tiền ăn, nhưng mỗi tháng anh nhờ người nhà ở quê gửi vào thịt, cá, rau, quả, gạo, hành tỏi, mắm muối… đủ ăn, còn bất kỳ thức ăn đồ uống gì mẹ con tôi muốn dùng thêm thì tự bỏ tiền ra. Nếu muốn ăn hàng quán thì tự động hiểu là tôi trả. Còn phần tôi phải đóng tiền học và tất cả các nhu cầu của con.
Những năm con nhỏ còn dễ thở, đến khi hai con lớn hơn, nhu cầu ngày càng nhiều. Hai con tôi đều học Anh văn học phí vài chục triệu đồng một khóa. Rồi áp lực kiếm tiền để đổi nhà lớn hơn cho hai con có không gian riêng nên tôi phải chuyển việc để có mức lương cao hơn. Lúc này áp lực công việc càng lớn. Nhiều hôm 21 giờ tôi mới lê thân về đến nhà, mệt mỏi rã rời mà xuống bếp thấy đống chén chờ mình (vì đó là việc của vợ), tôi rớt nước mắt vì thương mình. Tại sao chồng không hiểu rằng tôi mệt mỏi, căng thẳng ở chỗ làm, ăn xong anh rửa chén sạch sẽ để cổ vũ tôi, là tôi sẽ thấy có người ghi nhận sự cố gắng của mình?
Vợ là cái máy đa năng
Quá chán nản, tôi đề nghị thuê người giúp việc theo giờ để họ giúp tôi giải quyết việc nhà, nhưng chồng gạt đi: “Anh không muốn có người lạ trong nhà, dù chỉ một hai giờ”.
Tôi đề nghị mua máy rửa chén, anh nhất định không chịu, vì chồng đã nấu ăn thì vợ rửa chén chứ có gì đâu mà nặng nhọc. Mua máy rửa chén là tốn điện, tốt nước, tốn chất tẩy rửa dành riêng cho máy rửa chén… Mỗi lần đề cập tới là anh ca cẩm cả tiếng đồng hồ rằng tại sao vợ phung phí, tại sao vợ “con nhà lính tính nhà quan” như vậy.
Điều khiến tôi ấm ức nhất là mỗi lần tôi than cực, than căng thẳng, mệt mỏi thì anh bắt đầu lấy việc phân chia ban đầu ra lý luận: “Anh cũng làm việc nhà bằng em chứ anh đâu có lười biếng, em may mắn lắm mới lấy được một người chồng ngăn nắp gọn gàng, biết làm việc nhà phụ vợ, hãy nhìn nhà người khác, chồng đi làm về ngồi chơi game chờ vợ hầu hạ cơm nước…”.
Chồng tôi quên rằng, việc bình đẳng còn thể hiện ở đóng góp kinh tế trong gia đình nữa, tại sao anh chỉ góp một đồng trong khi tôi phải góp đến năm đồng, vậy công bằng ở đâu? Mỗi khi nhắc đến vấn đề này, anh luôn bảo tôi may mắn có lương cao thì góp nhiều là bình thường. Nếu anh đi làm ra nhiều tiền thì anh cũng sẽ góp nhiều. Anh không nhìn thấy sự cố gắng của tôi trong việc phấn đấu để có thu nhập xứng đáng, lương cao đâu tự nhiên trên trời rơi xuống!
Sống với anh hơn mười năm trời, càng ngày tôi càng nhận ra, với anh, vợ chỉ là cái máy in tiền, cái máy đẻ, cái máy rửa chén, máy lau nhà… chứ không còn là người được anh yêu thương, quan tâm và coi trọng.
Một hôm vào sinh nhật mình, tôi hỏi anh: “Tại sao chưa bao giờ chồng tặng quà cho vợ hoặc cho vợ một triệu, hai triệu đồng, bảo vợ hãy đi mua sắm áo quần hoặc mỹ phẩm gì đó…”. Anh đáp tỉnh bơ: “Quà cáp làm gì! Không cần thiết. Với lại ai biết vợ cần cái gì mà mua. Mua linh tinh về không xài thì phí, tiền để làm việc khác”.
Thật sự, đến giờ này tôi không biết “việc khác” của anh là việc gì. Tôi không biết hiện tại lương anh bao nhiêu một tháng mà lúc nào cũng than lương chồng thấp và chăm chăm có cơ hội là “lột” tiền của vợ. Chưa bao giờ anh nói một câu động viên khi tôi vất vả.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Vợ bớt “ngu”, chồng sẽ bớt “khôn”
Sau từng đó năm sống chung, tôi chợt thấy trước đây mình quá ngây thơ. Có lẽ do cố chứng tỏ mình mạnh mẽ và lọt vào cái bẫy bình đẳng vô lý của chồng mà vẫn thấy mọi phân chia hợp lý. Nhận ra sự thật hơi trễ, tuy nhiên tôi hy vọng mình đủ bản lĩnh để quyết liệt thay đổi tình thế, để bản thân không phải chịu ấm ức và trong tương lai gần tôi sẽ có được hạnh phúc mà tôi đáng có.
Sau vài lần thử “cãi lý” với anh, tôi nhận ra không thể lật ngược tình thế bằng cách cứ “sồn sồn” lên đòi công bằng, vì lối suy nghĩ cũ đã ăn sâu vào anh đâu dễ gì thay đổi. Cuối cùng tôi nghĩ, chồng sẽ bớt “khôn” nếu mình… giảm “ngu ngốc” đi.
Tôi không cần làm phụ nữ mạnh mẽ nữa, không tự ái và gồng lên khi chồng không quan tâm, tôi yêu bản thân mình hơn. Tôi chủ động rủ chồng cùng đăng ký tập gym để khỏe đẹp, nhưng tôi không giành trả phí tập như mọi khi. Cần thanh toán hóa đơn gì, tôi và anh chia đôi và sau đó tỏ ý rất vui. Tôi chẳng còn cảm thấy mình “mất giá” khi nói với chồng “dạo này thu nhập của em không nhiều như trước”.
Đến dịp lễ, thay vì đợi anh tặng quà cuối cùng thì thất vọng vì không có, tôi nghiên cứu thứ mình thích rồi gửi link cho anh đề nghị: “Anh tặng cho em nha, em rất thích cái này. Nó không nhiều tiền lắm đâu”. Thật bất ngờ khi chồng tôi chuyển khoản, lại rất vui vẻ.
Đợt dịch vừa qua, công ty tôi giảm lương nhân viên khá nhiều. Nếu trước đây tôi một mình lo lắng, căng thẳng vì không đủ kinh tế duy trì sự ổn định gia đình và bắt đầu tìm công ty mới, thì nay tôi trao đổi tình hình và đề nghị anh “gánh chính”, tôi phụ với anh. Anh thấy hợp lý, thế là vợ chồng kề vai sát cánh, tôi không còn cảm giác quá tải.
Công bằng nhìn nhận thì sự quá đáng của chồng tôi trước đây cũng có sự góp phần của tôi. Nên để từng bước “trị” anh, tôi cũng phải tự sửa mình bằng cách khôn khéo, nhẹ nhàng hơn, bớt mong chờ sự tự giác của người khác và dẹp bỏ cái tôi cao ngạo lúc nào cũng nghĩ mình làm được tất cả.
Cảnh Hưng