|
Mọi người nhìn vào nghĩ tôi hạnh phúc, nhưng chồng tôi hư lắm, tôi khổ sở vì phải xử lý hậu quả của anh ấy (Ảnh minh họa) |
Hai năm về trước mọi người cứ nghĩ tôi hạnh phúc, tôi lấy làm e ngại. Bây giờ, nếu họ e dè hỏi tôi đã hạnh phúc chưa, tôi tự tin trả lời, tôi đang hạnh phúc với người đàn ông tưởng như đã đẩy mẹ con tôi vào bế tắc.
Ngày đó, tôi đã thức tỉnh sau câu nói: “Chồng hư khoan bỏ, sửa lấy mà dùng”. Người cho tôi lời khuyên chân thành ấy không ai khác là chị - người phụ nữ phải đi “đổ vỏ” cho chồng.
Tôi và chị chỉ là bạn tập thể dục cùng nhau. Ít khi chúng tôi có thời gian tám chuyện nhưng lại có cảm giác quý mến và gần gũi. Thật tình cờ chúng tôi vô tình gặp nhau ở tòa án. Tôi với tư cách người gửi đơn ly dị, chị lại là người lên rút đơn - lá đơn chị gửi từ đời tám hoánh.
Chị hỏi tôi vì sao nên nỗi. Tôi trút lên chị bao sự ấm ức về người chồng mê game hơn mê vợ, hút thuốc như hít khí trời, có mâu thuẫn gì là vứt đồ đạc của vợ ra sân…
Như hiểu được nỗi lòng tôi, chị tiếp lời “rồi chú ấy đưa cho em tháng ít tiền và mặc em xoay xở khi con đau, con nộp tiền học đúng không”. Tôi gật đầu ngỡ chị sống cùng nhà.
Rồi chị cầm tay tôi, cái cầm tay rất ấm. “Khúc mắc của em là kiểu phổ biến ở các cặp vợ chồng trẻ. Mấu chốt của các em thuộc về vấn đề tài chính và con nhỏ. Cái đó còn thuốc chữa miễn em bình tâm và cho chồng thời gian”.
Tôi vẫn kiên quyết nộp đơn cho đến khi nghe chị kể về mình. Nói đúng hơn là kể về chồng chị. Người đàn ông tôi có gặp vài lần nhưng không nghĩ rằng anh có thể gây ra tội lỗi với mẹ con chị nhiều đến thế.
|
Chị có nỗi khổ chồng vụng trộm kiếm con riêng (Ảnh minh họa) |
Từ trước đến nay, anh luôn là người chồng , người cha tốt trong mắt mọi người. Cho đến một ngày, anh rủ chị đi chơi đột xuất. Cứ tưởng vợ chồng trung niên trốn con đi hâm nóng tình yêu, ai ngờ điểm đến của họ là bệnh viện phụ sản.
Chị giật mình khi nhìn bé gái nằm trong lồng sơ sinh có khuôn mặt giống con trai chị y chang. Chị chết lặng nhìn anh, còn anh lí nhí: “Mẹ của bé đang còn sinh viên, cô ấy không muốn nuôi con”.
45 tuổi, chị không thể sinh thêm cho anh đứa nữa ngoài cu Tuấn. Số là chị hiếm muộn, cưới anh 10 năm vẫn chưa có tin vui. Dù anh vẫn động viên thương yêu vợ, nhưng thái độ nóng ruột của mẹ chồng và những lời điều tiếng của mọi người khiến chị khổ tâm.
Thế rồi trời thương, 36 tuổi chị được nghe con gọi tiếng mẹ. Với chị, cuộc sống như thế đã yên ổn viên mãn lắm rồi. Mặc cho bác sĩ bảo chị phải cắt bỏ buồng trứng vì có khối u, anh luôn an ủi “anh chỉ cần em và con ”. Đùng một cái anh ngoại tình và đưa vợ vào thế đã rồi như vậy.
“Làm thế nào chị có thể tha thứ cho anh và xem em bé ấy như con ruột của mình. Chị quá nhẹ dạ hay sự bao dung đã đạt đến thượng thừa?", tôi hỏi.
“Không em ạ, chị hận anh nên quyết định viết đơn. Nhưng nghĩ đến đứa trẻ vô tội, nghĩ đến sợi dây máu mủ của đứa con mình và rồi chị lại nghĩ đến anh. Anh còn “dùng được”, ít ra là với con trai mình. Mọi người có thể nghĩ chị ngốc khi nuôi con cho người khác.
Nhưng chuyện đã rồi, ầm ĩ chỉ hả dạ đàn bà, mà mất đi nhiều thứ. Con mình tự nhiên mất cha, mà em nó sờ sờ đấy, lớn lên chúng cũng tìm máu mủ chứ bỏ nhau đâu được. Chị không sinh được nữa nhưng con chị có thêm em, liên hệ tình thâm của nó chỉ thêm mà không bị bớt”.
|
Đàn ông có thể chưa tốt với vợ nhưng chỉ cần chu đáo với các con cũng là điểm cộng để tha thứ cho lỗi lầm của họ (Ảnh minh họa) |
Tôi nhìn chị rồi nhìn vào lá đơn chính tay mình viết. Những bất hòa mà tôi ngỡ không cách nào hóa giải được bỗng trở nên bé nhỏ so với sự hụt hẫng, tổn thương mà người đàn bà ngồi đối diện từng trải qua.
Chồng tôi ham chơi, tính tình trẻ con nhưng chưa đến nỗi đưa tôi vào tình huống chết đứng như Từ Hải. Ngoài những lúc cãi bậy, đánh lộn vì âm tiền thì anh vẫn chở mẹ con đi chơi chứ không đến nỗi làm vợ bị “úp sọt” như chị. Rồi tự nhiên, quá khứ thời sinh viên tươi đẹp của hai đứa hiện về thế chỗ cho gương mặt đáng ghét hôm qua ném giày tôi ra cửa sổ.
Chấp nhận khuyết điểm của đối phương là cách mà chị đã giúp tôi tìm được hạnh phúc cho mình. Ngẫm ra đàn ông dẫu có trăm tật xấu cũng có nét đáng yêu. Cứ nhìn vào thực tế: lương vẫn đưa về đủ, vẫn chơi cùng con, vẫn ăn cơm nhà dù có khi đi nhậu về khuya hay có khi xao lòng đâu đó thì nhà vẫn là nơi họ về.
Thôi thì chồng hư khoan bỏ, gia đình có được an yên phụ thuộc vào sự bao dung hiểu chuyện của đàn bà. Nhưng bao dung cũng cần có lý trí mới thu phục được chồng hư về đúng giá trị.
Minh Đức (TP Huế)
Khi ông chồng hư hỏng, sinh tật, có người vợ lầm lũi cam chịu, có người xù lông bênh chồng, lại có người sẵn dịp "vạch áo cho người xem lưng", tung hê cho hả giận rồi ly hôn... Chồng hư - tung hê hay cam chịu? Mời bạn đọc tham gia ý kiến, góp những câu chuyện có thật để luận bàn quanh chủ đề này. Bài viết xin gửi về email: online@baophunu.org.vn |