Chồng hư: Con hư do... cha hỏng

19/07/2022 - 11:51

PNO - Ông bà ta có câu “con hư tại mẹ” nhưng trong nhiều trường hợp, tôi thấy câu “con hư tại mẹ… có chồng hỏng” thì đúng hơn.

 

Vai trò một người cha rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của con, ngoài việc chăm sóc, dạy bảo con còn phải là tấm gương cho con và chắc chắn phải để con cái đừng hổ thẹn vì mình.
Vai trò của người cha rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của con (Ảnh minh họa)

Chuyện “chồng hư” tưởng chừng chỉ những người vợ mới phải chịu đựng nhưng ở nhiều gia đình, khi cha không đàng hoàng dẫn đến con cái khó bảo. Trong suốt quá trình làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi chứng kiến nhiều trường hợp học sinh không ngoan do hoàn cảnh gia đình. Các em đều có cha là người vô trách nhiệm, ruồng rẫy vợ con, mọi gánh nặng đều đặt lên vai người mẹ.

Trong số những em đó, tôi nhớ mãi câu chuyện của Hùng. Tôi ấn tượng với Hùng vì bài văn viết về ba của em rất xúc động khi tôi cho đề bài “viết về thần tượng của bản thân”. Trong khi các bạn khác chọn cầu thủ bóng đá, ca sĩ, diễn viên… để viết thì Hùng say sưa kể về ba.

Với Hùng, ba là người đàn ông tuyệt vời, luôn chăm lo cho gia đình và tấm gương để em học tập. Trong suốt năm lớp 10, Hùng luôn dẫn đầu lớp với thành tích học tập tốt và hoạt động phong trào tích cực. Đến giữa năm lớp 11, việc học của Hùng đột ngột lao dốc, em thường xuyên vắng học.

Từ một cậu học trò bảnh bao, gọn gàng, Hùng để tóc dài và bắt đầu xăm hình. Tôi tìm cách liên lạc với phụ huynh nhưng điện thoại thì tắt máy, nhắn tin thì không được trả lời dù trước đó ba mẹ Hùng rất quan tâm đến việc học của con.

Qua nhiều kênh thông tin, tôi mới biết, gia đình Hùng lục đục khi ba của em ngoại tình với nhân viên. Cô gái đó tìm cách uy hiếp mẹ em và Hùng đã đứng ra bảo vệ mẹ. Em và ba xô xát. sau sự việc ấy, Hùng sống cùng mẹ, ba em dọn ra ở với nhân tình và tiến hành thủ tục ly hôn.

Vào trang cá nhân của Hùng, tôi thấy em đã gỡ toàn bộ hình ảnh và bài viết về người cha từng được đăng thường xuyên trước đó. Tôi tìm cách nói chuyện với Hùng nhưng em lảng tránh, trong khi đó, tần suất vi phạm nội quy nhà trường cứ tăng dần.

Không còn cách nào khác, tôi tìm về nhà để gặp phụ huynh. Mẹ em tiếp chuyện tôi với vẻ mệt mỏi, bụng bầu vượt mặt vì sắp đến ngày sinh. Chị buồn bã: “Trăm sự nhờ cô khuyên bảo cháu, chứ tôi hết cách rồi. Ba nó như thế, làm sao nó không bất mãn!”.

Qua lời kể của chị, tôi biết, Hùng rất thần tượng ba nên khi xảy ra chuyện, em bị “sốc”. Người mẹ gánh chịu nỗi đau bị phản bội, không đủ sức để vực con dậy vì từ nhỏ tới lớn, việc dạy dỗ con đều do ba Hùng đảm nhiệm.

Biết không thể nhận được sự hợp tác từ gia đình, tôi đành nhờ vào bạn bè cùng lớp, thầy cô động viên Hùng. Em cũng có sự thay đổi, trở nên trầm tính, có chỉnh sửa kiểu tóc, nhưng việc học thì vẫn bê bết, em không còn tập trung nghe giảng như trước.

Cuối cùng Hùng cũng tốt nghiệp THPTvới điểm vừa đủ. Em không thể thực hiện ước mơ đi du học để trở thành kiến trúc sư mà đi học nghề thợ xăm và rời nhà sống cuộc đời lông bông, không ổn định. Tôi tiếc cho một cậu học sinh có ước mơ và chí hướng nhưng sớm bị giập tắt vì lỗi lầm của người cha.

Chồng hư không chỉ khiến vợ buồn mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với con cái. Ảnh minh họa
Chồng hư không những khiến hôn nhân lục đục mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với con cái (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia tâm lý, hôn nhân trục trặc của cha mẹ có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm của con, đặc biệt là con trai, vì con trai thường ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài hoặc chỉ thể hiện cảm xúc bằng hành động. Việc bị tổn thương về tâm lý trong giai đoạn trưởng thành ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của trẻ.

Có kết quả nghiên cứu chứng minh, một đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ.

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác khẳng định, không chỉ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng tiêu cực khi cha mẹ bất hòa, mà cả trẻ vị thành niên cũng rất nhạy cảm với những vấn đề xảy ra trong hôn nhân của cha mẹ. Trẻ sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân.

Tôi nghĩ trường hợp của Hùng không ngoại lệ. Vai trò của người cha rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của con. Ngoài việc chăm sóc, dạy bảo, cha còn phải là tấm gương cho con và phải để con cái đừng hổ thẹn vì mình. Ông bà ta có câu “con hư tại mẹ” nhưng trong những trường hợp như thế này, câu “con hư tại cha hỏng” thì đúng hơn.

Hiện nay, theo số liệu thống kê, khoảng 70-80% trẻ phạm pháp xuất phát từ gia đình chia rẽ (gia đình thiếu cha hoặc mẹ). Sống trong môi trường gia đình có cha mẹ ly thân, ly hôn, góa bụa, sức khỏe tâm thần của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, dễ hư hỏng, quậy phá. Người chồng sống không tốt, không chỉ vợ gánh chịu đớn đau, mà còn gây nên nhiều hệ lụy với con cái.

Hương Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI