Mỗi lần thấy tin nhắn của Thúy trong hộp chat, chưa cần đọc tôi cũng lờ mờ đoán được nội dung. Nàng ấy lại “xả van”.
Mấy năm gần đây, cuộc hôn nhân của Thúy và chồng gặp nhiều trục trặc. Nếu nói vì vòng xoay cơm áo gạo tiền mà lòng người thay đổi thì cũng đúng. Nhưng điều đó chỉ đúng với Thúy, còn với Tuấn chồng cô thì sai.
Trước sau như một, thời sinh viên Tuấn lãng tử thế nào thì hiện tại Tuấn vẫn nuôi mơ mộng thế ấy. Chỉ có Thúy là đã khác, từ suy nghĩ đến thái độ sống của bạn đã thay đổi theo guồng quay tối mặt tối mũi của gia đình.
|
Thúy và chồng thường xuyên khác nhau trong cách suy nghĩ. ( Ảnh minh họa ) |
"Cơm áo không đùa với khách thơ”, câu nói ấy như hòn đá đủ sức nặng vả thẳng vào mặt, làm Thúy tỉnh người. Đặc biệt là sau khi sinh con.
Qua lời tâm sự của Thuý, từ khi cưới đến nay, Tuấn rất ít khi tính chuyện làm ăn, phát triển sự nghiệp. Anh cũng chẳng mấy khi chủ động mua sắm, nâng cấp cho không gian sinh sống, nơi ăn chốn ở của gia đình.
Lương tháng được bao nhiêu, anh đưa cho vợ một nửa để lo cho con, còn lại Tuấn mua chim, mua cá, mua cây cảnh, đi uống cà phê. Tuấn là thành viên cộm cán trong hội bạn nghệ sĩ “râu, tóc” hoạt động sôi nổi vào dịp cuối tuần. Chỉ chực chờ ngày nghỉ là anh phóng xe ra khỏi nhà từ sớm để nhóm họp, cùng “đồng đội” tán gẫu chuyện hoa lá, chim muông.
Gần đây, Tuấn còn "sinh tật" làm thơ. Anh bảo, người chơi chim ít ai không biết làm thơ. Trong lúc ngồi nghe, tận hưởng tiếng chim hót còn gì thú vị hơn việc đan cài thẩm một vài câu thơ.
Có những cuối tuần, Tuấn không ghé đến điểm hẹn gần nhà nữa, anh tự chạy xe máy, làm những chuyến phượt đến vùng ngoại ô xa xôi để săn chim bổi (Chim bổi là loại chim khó săn bắt, khó thuần, nhưng có giọng hót haу). Anh muốn một lần "chơi lớn" xem mọi người có trầm trồ không.
Khó chịu vì niềm đam mê tốn sức của Tuấn, Thúy nhiều lần bức xúc: “Nhờ đón con học thêm thì ổng đi nhầm lớp. Con mạnh môn gì, yếu môn gì ổng cũng không biết, nhưng nhại tiếng chim hót thì tài lắm. Chồng tôi hỏng rồi. Tức điên!”
Người bạn khác trong nhóm phân tích rằng, một trong những bi kịch của hôn nhân chính là sự lạc nhịp. Vợ chồng bạn ban đầu cùng xuất phát, nhưng trên đường đi, trong khi bạn vẫn nỗ lực giữ nhịp độ, đều đặn để tiến lên phía trước, thì chồng bạn vì nhiều lý do “tự vin” nào đó lại cứ đứng im, ì ạch mãi một chỗ, kéo thế nào cũng không chịu đi. Quá mệt mỏi, bạn muốn chia tay.
Bạn khác thì nói, thật ra Tuấn không đứng im, anh cũng phát triển, nhưng lại phát triển theo một con đường hoàn toàn khác với vợ, bỏ qua mục đích vun vén gia đình. Thuý nghe các bạn nói thì thở dài:
- Có vợ, sinh con rồi mà vẫn muốn mãi làm “khách thơ” thì ai mà chịu cho nổi!
- Không chịu nổi thì đành chịu à?
Thuý buồn bã:
- Mình kể lể, rên rỉ, càm ràm, cau có... Mấy tháng rồi, vợ chồng chẳng có cuộc chuyện trò nào vui vẻ cùng nhau.
- Thế bạn có nói thẳng ra những yêu cầu với Tuấn không? - người bạn hỏi tiếp.
- Mới nhìn mặt thôi đã thấy ghét chứ nói được gì. Thôi kệ, đi đâu thì đi nốt cho khuất mắt!
|
Để sửa những tật xấu của chồng, người vợ trước hết cần chấp nhận, đồng hành cùng nó một thời gian ( Ảnh minh họa) |
Tôi nhớ mình từng đọc tài liệu về tâm lý đàn ông và phụ nữ, trong đó có 4 điểm khiến tôi luôn tâm phục khẩu phục:
- Đàn ông thường đơn giản, phụ nữ phức tạp;
- Đàn ông khi họ im lặng là khi họ… không nghĩ gì;
- Đàn ông thường không quan tâm đến tiểu tiết;
- Đàn ông luôn logic và lý trí hơn phụ nữ.
Xung quanh tôi có quá nhiều người phụ nữ cảm tính, có quá nhiều người phụ nữ suy nghĩ quá nhiều. Từ đặc điểm tâm lý phức tạp của phụ nữ, cách xử trí tình huống của giới chị em khi có vấn đề thường không rõ ràng và thuyết phục, thậm chí là hồ đồ, chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Có thể việc chơi chim chơi cá trong mắt của Thúy là hư hỏng, là tật, nhưng ở góc nhìn của Tuấn và những người bạn của Tuấn thì lại là tài. Tuấn không gây hao phí tiền bạc chung, không tự hại sức khỏe, không la cà nhậu nhẹt sáng đêm… Và để điều chỉnh một thói quen, một niềm đam mê vốn đã hình thành trong vòng gần 10 năm thì phải mất khoảng thời gian gần phân nửa, chứ không phải ngày một ngày hai.
Thúy không cổ xúy nhưng vẫn nên cổ vũ vào những lúc cảm xúc chồng thăng hoa, cao trào. Nên để Tuấn tìm hiểu, chạm đến những điều hay ho, thú vị nhất trong sở trường của mình, rồi sau đó từ từ phân tích lý lẽ, đặt ra yêu cầu bên được bên mất cùng Tuấn.
Tật - tài đôi khi chỉ cách nhau một gang tấc, nếu người phụ nữ khéo léo biết “ghìm cương” thì gia đình êm ấm, an toàn.
Việc tố chồng với hội bạn thân theo kiểu "xả van" như của Thúy đồng ý chẳng phiền lụy đến họ hàng người thân, chẳng gây tổn thương lòng tự trọng, nhưng về lâu dài, đó không phải một cách sửa chữa hôn nhân. Để sửa chồng, đôi khi vợ cần lắng lại để “ủ mưu”.
Minh Thi (Thừa Thiên - Huế)
Khi ông chồng hư hỏng, sinh tật, có người vợ lầm lũi cam chịu, có người xù lông bênh chồng, lại có người sẵn dịp "vạch áo cho người xem lưng", tung hê cho hả giận rồi ly hôn... Chồng hư - tung hê hay cam chịu? Mời bạn đọc tham gia ý kiến, góp những câu chuyện có thật để luận bàn quanh chủ đề này. Bài viết xin gửi về email: online@baophunu.org.vn |