Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con sói lang thang trong rừng. Trời nắng chang chang, thấy cái bóng mình in xuống đất, nó mừng rỡ nghĩ “mình to lớn quá, tầm cỡ như mình phải điểm tâm bằng một con voi mới đủ no”. Nhưng khốn khổ cho con sói, nó đã bị con voi quật chết khi thực hiện ý định.
Không phải con voi, chính “cái tôi” của con sói giết chết nó.
Trong các “cuộc chiến gia đình”, cuộc chiến gay go nhất là giành vị trí số 1 của vợ và chồng, vì nhiều ông chồng bà vợ đôi khi ngộ nhận về mình như… con sói trong chuyện ngụ ngôn.
Sau một thời gian chung sống, nhiều người mải mê tranh đấu vì cái tôi. Bà Mộng Liên, từ ngày làm đại lý của một hãng thực phẩm chức năng, chẳng những thân hình gọn gàng, mà còn kiếm được thu nhập hơn chồng. Bà bắt đầu luyện “nội công” để tạo lập vị trí đứng đầu trong nhà. Vì sao, bà phải lao tâm, lao lực làm cuộc cách mạng? Bởi vì bà không thể nào chịu nổi ông chồng có máu chỉ huy. Con học trường nào, mua sắm cái gì, đi du lịch ở đâu… ông luôn là người đưa ra quyết định. Từ nay, bà quyết tâm dần dần thâu tóm quyền lực của ông, để ông biết: Trong nhà còn có một người không thua kém ông.
Việc đầu tiên là bà tự tay đầu tư làm lại nội thất ngôi nhà. Theo bà, đây là một việc trọng đại mang ý nghĩa: “Thời nay, xây nhà không còn là độc quyền của đàn ông, đàn bà cũng dư sức xây và sửa nhà”. Chồng bà Mộng Liên giận đến tím người, bởi lúc thầy thợ chuẩn bị kéo đến, bà mới nói với ông như thông báo của cấp trên.
|
Ảnh minh họa |
Nhà cửa ngổn ngang nhưng cuộc chiến giữa vợ chồng bà còn ngổn ngang hơn. Ông chồng thấy bị tước mất quyền làm chồng, cảm thấy mình ngang hàng với con cái. Bà vợ thì thản nhiên: “Nếu anh tự ý sửa nhà, sơn nhà, tôi đâu ý kiến gì, còn vui mừng nữa. Đằng này, anh đem tiền đi nhậu, đi chơi hết.
Tôi đã tự mình lo nâng cấp nhà cửa, anh phải khen tôi chứ, sao kiếm cớ sinh sự với tôi. Tiền của tôi để hết vào căn nhà này, chứ chẳng dành riêng gì cho bản thân tôi. Chẳng lẽ, tôi “cày” vất vả, kiếm ra tiền, lại còn phải xin ý kiến, chờ ông duyệt rồi mới dám làm việc mình thích hay sao?”.
Nhờ sự vùng lên của bà vợ, ngôi nhà lộng lẫy hẳn ra, con cái phục mẹ sát đất, nhưng ông chồng ngày càng ra khỏi nhà nhiều hơn. Bà vợ thắc mắc, ông trả lời tỉnh bơ: “Bây giờ, bà ngon lành rồi, cần gì đến tôi. Tôi đâu dám tranh giành quyền làm chủ với bà. Nhờ vậy mà tôi khỏe re, tôi sẽ đời đời nhớ ơn bà”.
Có những cuộc chiến, mà người chiến thắng buồn thiu, cảm thấy trống trải, vô nghĩa. Đó là cuộc chiến giữa hai vợ chồng, hai kẻ đã từng thề thốt sống với nhau đến răng long, đầu bạc. Hay nói đúng hơn là vợ chồng trên “đấu trường”, chỉ cần một người đầu hàng, là cuộc hôn nhân đã… thua thảm hại.
Trở lại với câu chuyện con sói, cái bóng chính là cái tôi của nó, luôn bám theo nó xúi nó làm những chuyện hoang đường. Cái bóng của con người chính là trình độ, địa vị, chức vụ, thu nhập… làm cho các ông chồng, các bà vợ thấy mình vĩ đại, và tất nhiên họ xem bạn đời của mình “đâu có là cái đinh gì”, sao lại dám chỉ đạo mình.
Số 1 trong nhà đối với đàn ông còn nằm trong quan niệm truyền thống của người Á Đông. Người ta hay nói “dạy vợ” chứ hiếm khi “dạy chồng”. Vậy là các ông cố ra sức “giáo dục” bà vợ hiểu rằng vị trí của vợ bao giờ cũng phải thấp hơn chồng. Sợ nói ra các bà chưa hiểu hết, nên các ông phải biểu hiện qua hành động, cử chỉ.
Ông Thái Khanh, doanh nhân ngành vận tải, là một điển hình. Ông quyết định mọi việc cho vợ, trừ việc bà đau bụng và đẻ lúc nào thì ông mới bó tay. Ban đầu, về làm vợ một người đàn ông tháo vát, bà vợ vui mừng tưởng đâu cuộc đời sẽ là những chuỗi ngày “vô tư ngồi đếm tiền của chồng mang về”.
Đúng là bà đếm tiền mệt nghỉ, nhưng khổ là cái gì cũng phải chờ ông duyệt. Sống chung lâu ngày trong cảnh “công dân hạng hai” trong nhà, bà cảm thấy thân phận mình có khác gì nhân viên của ông tại cơ quan, bất cứ gì cũng phải chờ ông ra lệnh. Bà mệt mỏi, chán chường, nhưng không biết làm cách nào thay đổi vị trí.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Không đi làm, chỉ ở nhà nội trợ, một thời gian dài, bà không biết tìm việc ở đâu. Không lẽ vợ giám đốc lại phải lao động phổ thông. Ông chồng số 1 đâu có biết rằng, bà vợ đau khổ, thì làm sao có thể mang đến hạnh phúc cho chồng con.
Chẳng muốn làm số 2 trong nhà có nghĩa là không chấp nhận mình là nhân vật phụ. Thế nhưng, trong những gia đình hạnh phúc, người ta không phấn đấu để tranh giành số 1, cũng không ai buồn lòng vì mình số 2 hay quan tâm chính - phụ. Bởi vì trong dãy số, số 1 hay số 2 đều quan trọng như nhau. Số nào cũng nên có sự nhường nhịn, bao dung, không có cái tôi to đùng, và đủ thông minh, trí tuệ để “định hướng” cho nhau trở thành một công dân phục vụ tận tụy cho gia đình.
Tuấn Ly