Chống hàng giả, hàng nhái như 'bắt cóc bỏ đĩa'

30/11/2019 - 06:31

PNO - Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, sản phẩm của họ bị làm giả, nhái nhưng việc xử lý hành vi gian lận này lại chưa nghiêm, chưa minh bạch khiến họ rất nản lòng.

Bắt chỗ này, mọc chỗ khác

Ông Nguyễn Việt Khôi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Medi World - bức xúc cho biết, công ty ông sản xuất và phân phối viên uống chống nắng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ nano. Sản phẩm này do các nhà khoa học nghiên cứu tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Doanh nghiệp tốn rất nhiều kinh phí để quảng bá sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối trên toàn quốc, nhưng khi sản phẩm bán chạy, lập tức có hàng giả xuất hiện. 

Đối tượng làm giả chính là 10 người từng làm tại Công ty Medi World, tách ra làm riêng. Sản phẩm giả trà trộn vào chính hệ thống của công ty với giá rẻ hơn nhiều. Sau khi Medi World phản ánh, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phối hợp với một số đơn vị kiểm tra cơ sở sản xuất thì thấy cơ sở không đảm bảo chất lượng, không có quy trình sản xuất.

“Chúng tôi cũng không biết họ sản xuất ở đâu. Sau đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM có xuống trực tiếp kiểm tra, lập biên bản. Tôi cứ tin chắc rằng đơn vị đó bị rút giấy phép, nhưng gần đây, lại thấy sản phẩm nhái này xuất hiện trên thị trường. Họ không gia công ở TP.HCM nữa mà làm tại TP.Hà Nội, có số công bố đầy đủ” - ông Khôi cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - cho biết, nhiều năm liền, công ty phối hợp với cơ quan chức năng chống hàng giả nhưng không thấy hiệu quả. Nhiều cơ sở sản xuất hàng giả có hẳn nhà máy, bày khuôn mẫu, công nhân sản xuất ngày đêm nhưng chính quyền địa phương lại không hay biết, không kiểm tra, xử lý.

Theo ông Tý, việc không tước giấy phép kinh doanh các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái là dung túng cho vấn nạn này. Bị phạt, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn tiếp tục hoạt động do lợi nhuận “khủng”. Ông Tý chua chát: “Thực tế là chúng ta chỉ mới phòng chứ chưa chống nạn hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)”. 

Chong hang gia, hang nhai nhu 'bat coc bo dia'
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, với công nghệ làm giá, nhái hiện nay, người tiêu dùng sẽ rất khó phân biệt hàng giả với hàng thật bằng mắt thường.

Nhiều doanh nghiệp nghi ngờ có những điều mờ ám đằng sau hoạt động chống hàng giả. Ông Lê Tấn Trí (Công ty TNHH Jaan-e, phân phối độc quyền phụ kiện xe) cho hay, phụ kiện bố thắng của công ty bị làm giả rất tinh vi từ kiểu dáng tới màu sắc nhưng chất liệu thì rẻ tiền, giá bán ra chỉ bằng 1/6-1/8 giá chính hãng. Nhân viên công ty đi rà soát thị trường, phát hiện nhiều cửa hàng bán sản phẩm giả nhưng khi phối hợp với cơ quan chức năng xuống kiểm tra thì lại không phát hiện gì. Ông Trí nghi vấn, cửa hàng đã được đánh động và tẩu tán hàng giả. 

Doanh nghiệp phải tự chống hàng giả

“Trong khi cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả, nhái ngang nhiên hoạt động thì công ty chúng tôi lại liên tục bị kiểm tra, hết đoàn này tới đoàn khác, nào là thanh tra thuế, kiểm tra bảo hiểm”, bà Phạm Thị Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào - than.

Theo bà Đào, trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc chống hàng giả, nhái, doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình. Công ty Anh Đào đã phải tăng đầu tư công nghệ hiện đại, tem chống giả; thay đổi chính sách bán hàng tại các tỉnh: sản phẩm phân phối ở các tỉnh khác nhau sẽ có mã vùng khác nhau, các đại lý ở tỉnh này không được bán sản phẩm lấn tuyến qua tỉnh khác. Công ty chi 600 triệu đồng cho một lượt đi bắt hàng giả. 

Còn ông Lý Thành Công - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty BiTex (phân phối máy tính Casio) - cho hay, công ty áp dụng quét mã vạch, dán tem chống giả…lên sản phẩm, nhưng vẫn bị làm nhái, giả. Mới đây, công ty phải áp dụng công nghệ chiếu đèn laser lên logo của máy tính, triển khai xuống tận các đại lý phân phối. 

Ông Trần Văn Dũng - đại diện Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết sắp tới, sẽ mở một trang web để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý thị trường để trao đổi thông tin, từ đó có chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát có trọng điểm hơn.

Ông Nguyễn Thành Danh - Phó trưởng ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại tỉnh Bình Dương - cho rằng, chỉ có cơ quan thực thi pháp luật mới hiểu rõ cái khó trong các quy định pháp luật để xử lý các hành vi hàng giả, vi phạm quyền SHTT. Nếu doanh nghiệp tham gia trực tiếp các vụ việc với quản lý thị trường, sẽ thấy rất khó khăn.

Theo ông Danh, cơ quan chức năng đang bị bó tay. Cùng một đối tượng, bản chất vấn đề nhưng có nhiều văn bản, nghị định quy định mức chế tài khác nhau; bên thì kết luận là hàng giả mạo, bên thì nói hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nơi thì khẳng định xâm phạm quyền… 

“Có tới 3-4 văn bản, nghị định cùng được Chính phủ ký, điều chỉnh cùng một đối tượng, bản chất giống nhau khiến cơ quan thực thi khó xử lý vụ việc. Hiện còn nhiều vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật, cần gom nhóm lại, cái nào của SHTT thì phải đưa về bản chất của SHTT, không để Luật Thương mại điều chỉnh được” - ông Danh đề nghị. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI