Chồng ham làm ăn lớn, coi thường nghề của vợ

10/04/2021 - 06:08

PNO - Tôi biết nhiều bạn bè coi bán hàng online là “hạ đẳng”, nhưng chồng mình mà cũng khinh công việc của mình, thì quá đáng lắm.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi kết hôn muộn, năm nay 40 tuổi cũng kịp có hai con gái nhỏ đang học mầm non. Tôi nghỉ làm nhà nước ra ngoài mở một cửa hàng thời trang nhỏ, vừa bán tại chỗ vừa kinh doanh online. 

Chồng tôi trước kia làm cùng cơ quan và cũng đã nghỉ ra làm ngoài theo tôi. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu chồng tôi chọn việc gì có thu nhập ổn định và phụ giúp tôi đưa đón con, giao hàng cho khách online... Nhưng anh lại muốn có sự nghiệp để khẳng định mình. Anh theo bạn bè thời đại học khởi nghiệp hết dự án này tới công trình nọ. Đáng nói là sau các dự án đình đám, anh đều thua lỗ và người nai lưng gánh nợ lại là tôi và bà ngoại.

Tôi và hai bên nội ngoại nhiều lần khuyên anh đừng ham làm ăn lớn, đâu phải ai cũng có duyên may xây dựng sự nghiệp riêng. Nhưng anh bám vào lý lẽ: nếu không làm thì lấy gì để lại cho con, chẳng lẽ chỉ là cửa hàng quần áo nhỏ xíu và phải xoay xở bán online. Có lúc anh còn nói: “Con tôi phải có nền tảng kinh tế vững vàng, thiên hạ mới không khinh thường…”.

Chị ạ, tôi biết nhiều bạn bè coi bán hàng online là “hạ đẳng”, nhưng chồng mình mà cũng khinh công việc của mình, thì quá đáng lắm.

Chúng tôi không thể nói chuyện với nhau dù ai cũng khăng khăng mình đang làm điều tốt cho gia đình. Vợ chồng nguội lạnh đã hai năm nay. Mới đây tôi biết anh có bồ. Tôi hỏi thì anh chối bay. Kiểu chối của đàn ông “ngu gì mà nhận”, tôi không lạ. Chỉ là tôi đang nghĩ, mình sẽ sống tiếp thế nào?

Thủy Hoa (TP.HCM)


 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thân gửi chị Thủy Hoa,

Tôi thấy ở thư chị có tới mấy chuyện chứ không phải chỉ một việc anh ham khởi nghiệp  rồi bỏ bê vợ con.

Thứ nhất là cả hai vợ chồng đều có tinh thần ham làm việc, coi việc của mình là tốt hơn và người kia nên bỏ ước mơ của mình mà phụ vào. Thứ hai là chuyện anh ấy làm ăn thất bại liên miên “không có đường ra”. Và thứ ba là việc anh ấy có bồ. Cả ba chuyện đều có thể dẫn tới những rạn nứt tình cảm nghiêm trọng và đôi khi chuyện nọ dắt tới chuyện kia. Thích mình “làm chủ” công việc chứ không ai chịu ai, tức là giấc mơ kinh doanh  của hai người theo hai hướng không ai chịu theo ai, vì thấy làm theo cách của mình mới hiệu quả, còn người kia làm “không có tương lai”. Từ đó mỗi người theo một ngả, vợ chồng không còn muốn hợp sức.

Thật ra phần lớn các cặp vợ chồng trong mỗi gia đình thường mỗi người một nghề. Trường hợp của chị - chắc không ai tin tưởng con đường của người kia là tốt - phải theo cách của mình mới tốt hơn, nên mỗi người mỗi mối lo toan và trách người kia. Cuối cùng là mạnh ai nấy làm.

Anh thấy việc phụ vợ là tầm thường, như bị “sai vặt”, chị thấy anh chỉ toàn thất bại. Biết đâu trong lúc quăng quật tìm đường, thất bại và cô đơn, anh tìm được chỗ dựa ở một người khác. Chuyện đời đã xảy ra  như vậy rồi. Thất bại chán nản tuyệt vọng, trong khi vợ “mặc kệ”, người đàn ông dễ cô đơn yếu lòng và hành động sai lầm.

Thư chị hỏi “liệu sẽ sống tiếp như thế nào” với người “vô tích sự” với kinh tế gia đình, lại còn phản bội - nghĩa là chị muốn tìm cách sống tiếp, trừ khi đó là cách nói ẩn ý “làm sao mà sống tiếp nổi!”. Vậy, chị nên cùng chồng nói chuyện thẳng thắn, nghe cách giải quyết và nguyện vọng của đôi bên. Nếu không thể chung sống tiếp, chắc chị chẳng cần hỏi Hạnh Dung. Còn nếu muốn sống tiếp, cả hai phải cởi mở, cùng tìm cách, chứ không dừng lại ở chỗ “chứng minh đúng sai”. Cần sự yêu thương nhường nhịn và lắng nghe nhau, có cả sự hy sinh cần thiết để bàn bạc lối ra. Vì lối ra chính ở cái hướng muốn đi tiếp cùng nhau.

Hy vọng sau những thảo luận, vợ chồng chị còn đủ tình thương yêu để cùng nhau vượt khó.

Thân mến.  

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI