Chồng giao em lo hết chi tiêu trong nhà còn anh lo... "việc lớn"

25/03/2025 - 17:06

PNO - Ngoài việc thiếu gắn kết tài chính giữa vợ chồng, có thể vợ chồng em cũng đang thiếu sự kết nối, giao tiếp với nhau nên những nỗi lo, nỗi hoang mang ngày càng lớn dần trong em.

ính gửi chị Hạnh Dung,

Em 30 tuổi, vợ chồng em cưới nhau gần 3 năm. Em làm văn phòng, lương 8 triệu đồng/tháng. Em không biết thu nhập của chồng bao nhiêu vì anh ấy giữ tiền (chồng em hùn với bạn mở công ty lắp đặt điện năng lượng mặt trời). Chồng bảo em tự lo chi tiêu trong gia đình bằng thu nhập của em, còn thu nhập của chồng sẽ lo "việc lớn" như mua nhà, mua xe, lo cho con ăn học sau này...

Tuy nhiên, sau gần 3 năm kết hôn, em mòn mỏi đợi cũng chưa thấy anh đả động đến “việc lớn”. Hiện tại, vợ chồng em được ba mẹ em ruột em cho ở nhờ căn hộ chung cư của ba mẹ (trước đây ông bà cho khách thuê 9 triệu đồng/tháng). Con cái thì chưa có, xe thì anh chưa mua. Tháng nào em cũng hết sạch lương, còn chồng thì không phải chi. Anh ấy đi làm về đã có cơm ngon, canh nóng, nhà cửa tinh tươm.

Em gợi ý chồng biếu ba mẹ em mỗi tháng 5 triệu đồng nhằm bù lại tiền ông bà cho thuê nhà nhưng chồng em phản ứng rằng “Mình còn phải dành dụm để mua nhà, sinh con. Nếu ba mẹ đòi tiền nhà thì thà mình trả tiền thuê hoặc dọn đi nơi khác để khỏi mang tiếng”.

Tuy nói vậy, chồng em vẫn không trả tiền thuê nhà cũng không dọn đi. Trong khi đó, ba mẹ em nghỉ hưu, lương hưu không bao nhiêu, tiền thuê nhà gần như là thu nhập chính nhưng vì quá thương con nên ông bà cho ở tạm. Em rất áy náy với ba mẹ.

Ngoài ra, càng chung sống, em càng nhận ra chồng em là người tính toán và ích kỷ. Tụi em đến với nhau qua mai mối nên thời gian tìm hiểu chỉ 5 tháng, chưa hiểu rõ về nhau. Anh không cho em niềm tin cũng như cảm giác an toàn trong hôn nhân. Do vậy, em đang lo: nếu em dành hết thu nhập của mình lo cuộc sống chung như bấy lâu thì lỡ vợ chồng chia tay, em sẽ trắng tay. Em phải làm sao để chồng có trách nhiệm sẻ chia, đóng góp tài chính trong gia đình và việc em đòi hỏi chồng đóng góp tài chính cho cuộc sống chung có phải là quá đáng, tính toán như anh ấy nói?

Phương Chi (quận Tân Phú, TPHCM)

Ảnh minh họa: Freepik.com
Ảnh minh họa: Freepik.com

Em Phương Chi thân mến,

Hạnh Dung rất hiểu những trăn trở, lo lắng của em bây giờ. Câu chuyện của em không hiếm gặp trong các gia đình trẻ hiện nay, đặc biệt khi vấn đề tài chính không được minh bạch và thống nhất giữa vợ chồng.

Ngoài việc thiếu gắn kết tài chính giữa vợ chồng, có thể 2 em cũng đang thiếu sự kết nối, giao tiếp với nhau nên những nỗi lo, nỗi hoang mang ngày càng lớn dần trong em. Trước khi những suy nghĩ tiêu cực về người bạn đời, về cuộc hôn nhân càng ngày lan rộng trong tâm trí, em hãy tìm hiểu về công việc của chồng (qua đồng nghiệp, bạn bè hay gia đình chồng) và dành thời gian trao đổi thắng thắn về việc này. Hãy chọn thời điểm cả hai đều thoải mái và không bị phân tâm. Em nên bộc bạch hết những suy nghĩ, lo lắng, mong muốn về vấn đề tài chính gia đình.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh việc em muốn cùng chồng xây dựng một tương lai ổn định và an toàn cho cả hai. Điều đó đòi hỏi sự minh bạch và chia sẻ trách nhiệm về tài chính. Vợ chồng - hay ít nhất là em - cố gắng giữ bình tĩnh, tránh tranh cãi gay gắt. Tập trung vào giải quyết vấn đề, không đổ lỗi hay chỉ trích nhau mà trao đổi trên tinh thần xây dựng và thể hiện mong muốn cùng nhau tìm ra giải pháp. Ví dụ: "Em hiểu anh có những kế hoạch tài chính riêng nhưng em cũng mong muốn được biết và tham gia vào những quyết định quan trọng của gia đình". Em cũng cần chia sẻ, nói rõ những mong muốn của bản thân và đề xuất cụ thể việc đóng góp chi phí sinh hoạt chung. Có thể đề nghị chồng đóng góp 50% dựa trên thực tế chi tiêu hằng tháng của gia đình hoặc tỉ lệ phần trăm nhất định dựa trên thu nhập của cả hai.

Ngoài ra, em có thể đề xuất phương án quản lý tài chính chung như:

- Mở tài khoản ngân hàng chung để cả hai cùng đóng góp và chi tiêu cho các khoản sinh hoạt chung.

- Lập bảng chi tiêu hằng tháng để theo dõi và kiểm soát chi tiêu của gia đình.

- Cùng nhau đặt ra các mục tiêu tài chính ngắn hạn, dài hạn và lập kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó.

Cuối cùng, nếu vẫn cảm thấy bất an về tình hình tài chính, về người bạn đời, về cuộc hôn nhân, em nên giữ lại những hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản chi tiêu, mua sắm của gia đình. Nếu có thể, em hãy tạo một khoản tiết kiệm riêng để đề phòng trường hợp rủi ro.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI