edf40wrjww2tblPage:Content
Cực khổ bao nhiêu chị cũng chịu được vì nghĩ vợ chồng có nhau. Bám chợ được sáu năm, có mớ vốn kha khá, thằng con năm tuổi, thì chị phải trở về quê cho con đi học, cũng là muốn được gần cha gần mẹ. Nhưng, khi chị trở về thì… mẹ chồng sinh chuyện. Bà nói chị “bỏ bùa” con bà nên dắt nó đi biệt mấy năm nay làm bà ngày đêm thương nhớ(?). Rằng chị và con bà “khắc tuổi", cưới nhau trúng cung “ly gia” nên dù có về cũng sẽ đi nữa.
Chị hỏi, tuổi con và anh ấy xấu vậy sao hồi đó má cưới con làm gì? Bà bảo, tại con trai tao thương mày, chứ ngữ nhà nghèo như mày, cưới chó cưới gà còn hơn! Chị về bữa trước, bữa sau mẹ chồng đã kiếm chuyện như vậy. Bị xúc phạm nặng nề, chị hỏi “Giờ má muốn sao?”. Bà nói muốn chị ra khỏi nhà cho mẹ con bà êm ấm.
Tức quá, chị cãi mà không biết đó là âm mưu của mẹ con anh ta. "Ba năm chị đổ mồ hôi trán váng mồ hôi đầu ở chợ đã tiết kiệm được hai cây vàng đó em. Tính về mở điểm thu mua cá ruộng, cua đồng. Ai ngờ tối đó chị cất vàng trên đầu giường, sáng gây lộn với mẹ chồng xong vô thì bọc vàng mất tiêu! Tức lộn ruột mà biết đổ thừa ai? Chị dắt thằng con đi biệt, tự thề với lòng sẽ không bao giờ lấy chồng già nữa. Chín chắn, cưng vợ đâu không thấy, chỉ thấy toàn ăn hiếp mình".
Nhờ có "giang" buôn bán nên chị thuê mặt bằng quán cà phê cũ của người ta ở Củ Chi, mở lại quán. Ba năm sau chị lấy chồng, trẻ hơn chị 5 tuổi. "Anh làm nghề mua bán phụ tùng xe gắn máy, em ạ! Cưng chị hết sức luôn, chưa bao giờ cãi nhau với vợ. Bán buôn bao nhiêu tiền anh đều đưa chị cất. Thương con chị lắm, đưa đón bé đi học, mua quà bánh, đồ chơi… Ai nhìn vào cũng tưởng đó là cha con ruột". Sau đó một năm, chị sinh đứa con gái. Chồng chị bắt đầu thay đổi.
Anh đi sớm về tối, tiền vui thì đưa, buồn thì thôi. Thật tình chị không hỏi, vì thu nhập từ quán cà phê cũng đủ sống. Nhưng rồi bỗng dưng tiền, nữ trang trong nhà biến mất. “Tra” riết anh ấy mới nói là mượn đỡ để làm ăn. Chị nói, của chồng công vợ, sao không nói với em một lời mà bí mật vậy? Anh bảo, sợ lỡ làm ăn thất bại em sẽ cười. Thôi cứ âm thầm lấy và âm thầm trả. Nhưng ngày “trả” của anh ấy không bao giờ đến! Đã vậy, tài sản lớn như ti vi, đầu máy còn lần lượt “đi du lịch” sau những buổi chị đi chợ vắng nhà.
Rồi một ngày, một nhóm người xăm trổ đầy người kéo đến quán đòi nợ! Thì ra chồng chị chơi đề, thiếu nợ gần trăm triệu. Chị khóc, nói quán thì thuê, nhà thì mướn, tiền đã hết rồi, mấy anh coi còn cái mạng ba mẹ con tôi đây, đáng giá bao nhiêu thì cứ lấy! Vậy là họ bỏ đi, sau khi đập phá tan tành đồ đạc của quán.
Chị (bìa trái) và đứa con gái 10 tuổi
Vậy mà chồng chị có tỉnh ngộ đâu. Anh ta đổ thừa tại cuộc sống khó khăn, nợ thì nhiều, con thì lớn, tiền mua bán sao đủ chi, nên… đánh đề kiếm thêm? Chị khóc, nói kiếm thêm cái gì không biết, chỉ thấy nợ ngập đầu, của cải hết sạch. Anh ta nói cho anh ta xin lỗi, vợ chồng là trăm năm, từ từ anh sẽ làm lại, bù đắp cho em. Anh hứa sẽ làm ăn đàng hoàng, không đề đóm nữa. Nói ngắn vậy chứ cái vụ năn nỉ - đổ thừa - hứa hẹn này cũng dây dưa gần hai năm trời.
Cho đến một ngày lại chủ nợ tới nữa! Là chủ quán chị thuê chứ không phải nợ xã hội đen. Họ bảo sáu tháng nay chị không trả tiền thuê mặt bằng, giờ trong ba ngày phải dọn đi để họ cho người khác thuê!
Chị nghe mà xém… xỉu. Thì ra bao lâu nay tới tháng nhờ anh đi trả tiền quán, anh đã “mượn” để “đổ lô” hết rồi. Vợ chồng dắt díu nhau về nhà một người họ xa của anh (ba mẹ anh không chấp nhận đứa con dâu “nạ dòng" như chị nên không thừa nhận cuộc hôn nhân này). Anh đã dập đầu xin chị bỏ qua lần cuối. Mòn mỏi niềm tin nhưng chị vẫn hy vọng vì hai con còn nhỏ.
Bây giờ con gái đã 10 tuổi, con trai 18 tuổi. Quán mới, ơn trời nên khách khá đông, chị mừng lắm. Con trai đi làm công nhân về thì nhào vô bếp phụ rửa ly rửa bình. Con gái sáng quét xong cái sân mới đến lớp.
Nhưng bây giờ thì chồng chị cứ lừ đừ như ông từ! Anh ta nằm bấm điện thoại từ sáng tới tối. Cơm tới bữa kêu thì ăn, không kêu thì thôi chứ không phụ vợ con việc gì cả. Rồi lại nhậu nhẹt. Bạn mới quen, bạn cũ... cứ hú lại là gầy chiếu nhậu. Me, xoài, cóc, ổi… gì cũng gầy mâm được. Nhờ giúp chuyện gì cũng làm lơ như không nghe.
Chị tức, không “lòi một đồng” cho chồng! Vậy mà cứ có rượu nhậu hoài. Thì ra mua rượu thiếu, đến khi chẵn chục lít bà chủ tới đòi và chửi te tua chị mới hay. “Điên” quá, đang cầm cái bình thủy pha cà phê cho khách, chị chọi về phía "thằng chả". Anh ta chụp được, ném trở lại, chị đỡ, miểng ăn mấy cái sẹo lên tay…
Chị lại quẹt nước mắt, nói số mình sao mà khổ vậy. Lấy chồng già không yên, tưởng “quơ” được chồng trẻ “nó” ngoan ngoãn nghe lời mình, ai ngờ gặp một ông cà chớn. Sau bữa máu me đầy người chị, chồng bớt nhậu, biết phụ vợ bưng bê cho khách. Chị chưa kịp mừng thì anh ta “chơi chiêu” khác còn độc hơn. Chị không thuê người phụ quán để tiết kiệm chi phí nên chị rất cực. Ngày nào cũng đi tới đi lui tới rạc chân cẳng. 10 giờ tối vào giường chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon để 4 giờ sáng hôm sau thức dậy mà “chiến đấu” tiếp.
Chị vào giường khi anh ta đã ngủ được một giấc rồi. Và anh trở dậy buộc chị làm bổn phận người vợ bằng những hôn hít, ôm ấp, thủ thỉ… cứ như vậy cho tới gà gáy canh nhất. Chị muốn nằm yên cũng nằm không được, muốn thực hiện “bổn phận” cũng không xong. Giằng co thì anh ta bảo “Hay là nay có thằng nào rồi nên mới từ chối chồng?" Chán. Chị để mặc muốn làm gì thì làm, chị thì… ngủ. Mà đàn bà bốn mươi đã vào giai đoạn của việc dễ thức, khó ngủ rồi. Đến lúc được nằm yên thì cũng hết ngủ được.
Dáng chị thâm thấp, làn da ngăm ngăm và đuôi mắt đã nhăn nhăn, nhưng giọng nói thì ngọt ngào lắm. Hồi đó người ta bảo nhờ giọng nói này mà “chài” được một anh trai tân, là cả đời hạnh phúc. Nhưng với chị, hạnh phúc chỉ đếm từng ngày qua đầu ngón tay.
Còn bây giờ, hanh hao đời người đã đến mà vẫn chưa có một mái nhà riêng. Con gái thấy bao bất công của cha dành cho mẹ thì luôn “xúi” chị “Thôi ổng đi cho khỏe”. Nghe con nói mà chị thương đứt ruột. Thằng con trai thì từ ngày cha dượng ném bình thủy đứt tay mẹ, nó đi làm ít về nhà hẳn.
Lấy chồng già đã khổ, chồng trẻ càng khổ là sao hả trời? Thì… lấy người trang lứa chị ạ! Trời! Chị bốn mươi rồi đó em!
HOÀNG PHƯƠNG