Tôi đã chỉ đường đến hội trường ủy ban huyện nhưng em cứ ngần ngừ. Giải pháp cuối cùng em chọn là: “Em vô nhà chị rồi chị đi với em nha! Nào giờ em không biết đó là chỗ nào, đi một mình sợ lắm”. Ba mươi hai tuổi mà em còn sợ vẩn vơ vậy đó. Thôi thì hẹn nhau bảy giờ xuất phát. Tám giờ mới phát quà, đường đi chỉ 12km. Là quà từ thiện, suất quà đầu năm học dành cho trẻ em học khá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Con trai em, năm nay lên lớp 1 nhưng đèo đẹt như đứa bé lớp chồi vì chứng “tim bẩm sinh”.
Tôi bảo: “Sao không gửi con ở nhà, chút nữa mì, sữa, tập vở… làm sao chở hết?”. “Nếu nhiều vậy thì em gọi ba em lên chở phụ, không sao đâu chị”. Chồng em đâu? Câu hỏi chiếu lệ trong tiếng gió vù vù như trôi tuột vào thinh không.
Cũng như bao cô gái khác, lớn lên là phải lấy chồng thôi. Chồng em làm công ở vựa cần xé, em bán rau cải ở chợ. Chồng đi làm từ bảy giờ sáng tới tối về là rã rời tay chân, lăn ra ngủ khì. Em bắt đầu ngày mới lúc ba giờ sáng, ra chợ đầu mối gom rau, cải, nấm… bán tới 12 giờ trưa về nhà ngủ tới chiều.
Cha mẹ chồng nói em lười biếng, ai đời làm dâu mà cứ ngủ là ngủ (chuyện em thức khi cả nhà còn đang ngủ thì không ai nói). Thằng Tâm coi con vợ bây làm dâu mà mỗi ngày chỉ nấu có bữa cơm chiều, quần áo của cha mẹ, em út thì không động móng tay. Chồng tức mình la mắng, em cự lại: “Vậy chứ em buôn bán thức khuya dậy sớm sao không ai nói?”.
Hai bờ yêu thương buộc anh phải chọn mẹ chứ không phải là vợ. Vậy là để vợ chồng có nhau, anh bỏ làm công, em bỏ buôn bán, hai người cùng nuôi vịt chạy đồng. Hết vạt ruộng này qua vùng đất nọ, khuya sớm, sương gió có nhau. Vài lứa vịt cũng đã thành công.
Rồi em có bầu đứa con đầu lòng. Người xưa nói “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” quả đúng vô cùng. Vợ chồng em bị thất lứa vịt này, ráng gồng lứa vịt sau đầy hy vọng rồi lại thất vọng… mãi đến khi mắc nợ hơn trăm triệu mới nghỉ hẳn. Nợ đòi ngặt quá, mẹ chồng ngày đêm mắng nhiếc: “Cái thứ không biết làm ăn. Chỉ mỗi việc sáng lùa ra đồng, chiều lùa về mà cũng để vịt toi”.
Chồng em trốn nợ, lặn không sủi tăm, bỏ mặc em đã cận ngày sinh vẫn phải ra chợ bán từng bó rau, gom góp từng đồng lẻ trả nợ dần. Em lo lắng, buồn phiền, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc… Em lo không biết làm sao trả nợ. Em buồn vì chồng không đứng ra chống chọi với mình. Em giận vì cha mẹ chồng không quan tâm, thông cảm… Kết quả, mẹ mất sữa, con hở van tim bẩm sinh.
Cha mẹ ruột “nuôi giùm” hai mẹ con em được sáu tháng, đứa nhỏ biết lật thì em lại phải ra chợ. Nợ “mỏn” độ phân nửa thì chồng em quay về, nói lâu nay anh đi là đi làm ăn, sợ chủ nợ biết chỗ tới quậy nên không dám nói. Rồi chồng đưa em hai chục triệu, trả dần dần. Em vui lắm, chồng cũng không tệ như mình nghĩ. Vợ chồng con cái sum họp nhưng vẫn sống không yên vì đứa con mỗi tháng phải đi bệnh viện một lần. Công việc trì trệ theo từng hơi thở của con.
Con đầu lòng hai tuổi, em bầu tiếp đứa thứ hai. May mắn, đứa này không bị bệnh. Em cực hơn vì vừa mua bán, vừa xách theo cái “chuồng” nhốt con cho chúng chơi cạnh mình. Sạp hàng em ngoài rau cải, bầu bí, nấm, hoa… giờ thêm sương sa hột lựu, chuối nấu, đậu phộng nấu… Nhờ trời, hàng của em bán tàn buổi chợ là hết sạch. Em có thể vừa cho con bú vừa cân rau, vừa bảo thằng anh đút bình cháo cho em, vừa múc sương sa vô bịch. Mẹ con ăn sáng, ăn trưa ở chợ.
Chồng em thôi không đi làm xa nữa, mà làm công nhân theo ca ở một xí nghiệp gần nhà. Cha chồng vừa mất, chỉ còn mẹ chồng, mà bà thường đi chùa hơn ở nhà. Một hôm đi bán về, em “tá hỏa” khi thấy bộ quần áo phụ nữ trong nhà. Chồng nằm toòng teng trên võng vì chưa tới ca chiều. Em hỏi, đó là quần áo của ai? Chồng ú ớ rồi chạy vô nhà tắm định đem giấu, nhưng em đã nhanh tay lấy mất rồi. Em chờ mẹ chồng về để hỏi chuyện, vì thâm tâm vẫn nghĩ, đó chỉ là quần áo của cô em họ nào đó… Nhưng, mẹ chồng không biết. Mẹ và vợ cùng hạch hỏi, chồng em… phóng xe đi mất.
Đúng là chồng em “gan” thật. Lại đưa cô gái đó về nhà. Khi em về tới, anh đang mở cổng, sau lưng anh là dáng người phụ nữ bịt kín mặt mũi. Thấy em, anh “ơ…” rồi lên xe vọt mất. Người phía sau cũng đã kịp lên xe. Ức quá, em… dắt con về ngoại. Hàng ngày em vẫn đi bán, dù từ nhà ngoại tới chợ xa hơn, phải đi sớm hơn nửa tiếng đồng hồ nhưng em “thề” là không quay về với con người bội bạc đó nữa. Em có lỗi gì chứ? Mà nếu em có lỗi, cũng phải nói cho em biết, rồi muốn làm gì thì làm. Sao lại khinh dễ em quá vậy? Bao nhiêu năm em vì chồng vì con mà giờ nỡ đối xử với em như vậy?
Mấy tháng nay, mẹ chồng cũng có tới năn nỉ em về. Tuy bà thương nhưng người mình gọi là chồng không phải là bà, làm sao về đối diện được. Ba mẹ em cũng khuyên, nếu còn thương thì về cho con có mẹ có cha. Một người cha như vậy, có cần cho con mình không? Em phân vân quá. Thằng lớn vào lớp 1, thằng nhỏ cũng đi mẫu giáo, nên được suất quà này em mừng lắm.
Nhìn em rụt rè, lúng túng, chụp ảnh mà ba mẹ con cứ nép sát vào nhau khi đứng giữa hội trường to đẹp nhất huyện (ảnh) khiến tôi nhói lòng. Em có lỗi gì đâu. Gần mười năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, em chỉ một lòng lo cho gia đình. “Gái có công chồng… vẫn phụ”. Thôi thì đôi khi cái số người ta nó vậy, hãy mạnh mẽ lên, chỉ có sức khỏe và sự yên bình của mình và con là quý nhất. Lối thoát sai lầm Em có lỗi gì?
Thùy Phương