Chồng đòi quản tiền chợ

27/04/2020 - 12:01

PNO - Cuộc sống của Vân hai năm nay cứ như đu trên dây. Gánh nặng chi tiêu đè lên vai cô. Chồng cô chỉ biết khoản tiền anh ta đưa là nhiều hơn hẳn những khoản cần chi tiêu.

Mấy ngày gần đây, giờ tan ca, trong lúc chị em phụ nữ chúng tôi nháo nhào lo chợ búa cơm nước thì Vân lại cắm đầu vào máy tính liên tục. Dường như hình ảnh tất bật, tính toán mua gì, ăn gì tuần trước không liên quan đến Vân của tuần này. Thế là hôm sau, chị em ngay lập tức hội nghị bàn tròn, tra khảo thông tin cho bằng được. 

Chúng tôi biết Vân rất tháo vát và giỏi giang. Hai vợ chồng cô ấy cùng quê, vào thành phố học đại học rồi ở lại lập nghiệp. Sau mấy năm xoay xở, rốt cuộc họ cũng mua được đất, làm được nhà. Ở công ty, Vân được lòng hội chị em chúng tôi vì tính cách cởi mở, nhiệt tình và luôn giúp đỡ mọi người. Chồng cô ấy là giáo viên, hài hước và nhiều tài lẻ. Mỗi khi có dịp tụ tập, chúng tôi đều mang theo người nhà để các anh chồng giao lưu với nhau nên khá thân thuộc. 

Vân nhìn chúng tôi, ngập ngừng rồi bảo: “Các chị cũng biết, em ở quê ra, mua đất xây nhà vẫn còn nợ nần đủ kiểu. Em đi làm lương vừa đủ trả nợ ngân hàng. Em cũng đã cố gắng buôn bán, kiếm thêm đồng ra đồng vào, nhưng chồng em…”.

Hóa ra, vợ chồng Vân thường xuyên tranh cãi về vấn đề tiền bạc. Chồng Vân dạy tiếng Anh ở một trường tiểu học quốc tế, thu nhập hàng tháng cũng tạm ổn. Ngoài ra, anh còn dạy thêm, dịch sách và viết báo cũng có đồng vô đồng ra. Tuy nhiên, khoản nợ lúc xây nhà khá lớn nên hai vợ chồng phải dè xẻn chi tiêu. Bản thân Vân cũng chịu khó buôn bán online.

Cô nhập các mặt hàng đặc sản từ quê vào rồi đăng bán trên Facebook. Thế nhưng, chồng cô thường xuyên cảm thấy Vân tiêu xài không hợp lý. Mỗi lần có chút men bia là anh ta lại to tiếng: “Mọi việc trong nhà, mọi chi tiêu đều đổ lên đầu tôi. Tôi làm vất vả như thế, cô thì thu nhập được bao nhiêu. Buôn bán thì mấy đồng, chẳng bằng nhuận bút một bài báo của tôi”. Vân chỉ biết im lặng, nhẫn nhịn cho qua. 

Cuộc sống của Vân hai năm nay cứ như đu trên dây. Gánh nặng chi tiêu đè lên vai cô. Chồng cô chỉ biết khoản tiền anh ta đưa là nhiều hơn hẳn những khoản cần chi tiêu, mà không hề quan tâm đến việc cha mẹ anh ta ở quê thường xuyên đau ốm, rồi việc nhỏ việc to gì cũng đến tay vợ chồng cô. Những cuộc cãi vã vì chuyện tiền bạc theo đó mà dày lên.

Cực chẳng đã, Vân tức giận nói với chồng: “Anh nghĩ tôi chi tiêu hoang phí sao? Anh nhìn áo quần của tôi xem, toàn đồ được cho, đồ mua giá rẻ, đồ cũ từ thời đại học. Anh chê tôi buôn bán kiếm tiền ít, vậy tiền đâu cho con anh học thêm, học ngoại khóa, học đàn; tiền đâu để anh chiều chiều đi chơi thể thao? Anh nghĩ anh kiếm được nhiều tiền, vậy mỗi lần người nhà anh từ quê vào, một lần năm ba người, ăn đâu, ngủ đâu? Tôi đã bao giờ nói tiếng nào với anh chưa? Anh muốn thì cầm tiền mà chi tiêu”. 

Vậy mà chồng cô cầm tiền để chi tiêu thật. Đã gần một tháng nay rồi, chỉ là từ tuần trước Vân nhận thêm việc làm vào tầm chiều nên chúng tôi mới phát hiện ra vấn đề. Ái ngại nhìn Vân, chúng tôi cũng chẳng biết phải khuyên thế nào, chỉ biết an ủi cô ấy: “Em cứ để anh ấy thử một thời gian, xem anh ta có thể trụ được bao lâu. Chi tiêu gia đình còn khó hơn cả quyết toán chi tiêu một năm của công ty đó nha, nhất là các khoản chi phí ngoài kế hoạch. Em cũng đỡ phải đau đầu, nhức óc tính toán chi cho mệt. Tiền em kiếm được cứ để đấy, lo cho bản thân thêm vài món mỹ phẩm, áo quần”.

Đúng là cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Đàn ông cầm trịch chi tiêu xưa nay hiếm. Chỉ là mong các đức ông chồng cứ thử trải nghiệm, rồi sẽ biết chị em chúng tôi vất vả đến dường nào. 

Hải Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI