Chống dịch kiểu… phụ nữ Sài Gòn

11/03/2020 - 12:00

PNO - Những hành động nhỏ ấy chính là lời nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm với cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh.

Ngay từ khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, các cấp Hội Phụ nữ ở TP.HCM, từ thành phố đến quận/huyện, phường/xã và các chi tổ Hội, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó, trên không gian mạng, Hội LHPN TP.HCM đã tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để chỉ đạo, cập nhật các thông tin chính thống về bệnh, diễn biến, biện pháp phòng chống. Thống kê cho thấy, mỗi tin bài đăng tải có trên 30.000 lượt tiếp cận và gần 10.000 lượt tương tác, chia sẻ. Nhờ vậy, công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh đã lan tỏa theo cấp số nhân, giúp nhiều người tiếp cận được thông tin, có biện pháp chủ động phòng, chống và không quá hoang mang.

Ở mặt trận “mặt đối mặt”, các cấp Hội cũng đã nghĩ ra nhiều phương thức tuyên truyền hiệu quả. Là địa bàn có lực lượng công nhân lưu trú khá đông, Hội LHPN xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, đã tranh thủ những ngày Chủ nhật đến các nhà trọ để hướng dẫn trực tiếp cho người dân về các biện pháp phòng, chống và ứng phó với bệnh dịch. 

Cũng thế, ở Q.Gò Vấp, ngoài công tác truyền thông trong hệ thống, Hội Phụ nữ quận và các phường đã chủ động đến từng khu nhà trọ phát tặng khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn cho nữ công nhân lao động, kết hợp với hướng dẫn các biện pháp phòng, chống. 

Ngay từ đầu tháng Hai, tại Q.6, Hội Phụ nữ đã cho lực lượng cán bộ, hội viên nòng cốt ra các trạm xe buýt để phát dung dịch rửa tay, khẩu trang, tài liệu tuyên truyền. Hội Phụ nữ Q.1, Q.5 thì trao khẩu trang, nước rửa tay và dung dịch sát khuẩn cho đội ngũ công nhân vệ sinh. Q.11 thì tặng và hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách… 

Nhìn chung, ở quận huyện nào các chị cũng tìm ra cách để tiếp cận với những nơi đông người như các cơ sở kinh doanh, các cơ sở tôn giáo, khu dân cư, chợ… để truyền thông về dịch bệnh. 

Những cách làm hay thể hiện tình người trong mùa dịch bệnh cũng đã được nhân rộng. Ở Q.4 có bốn nhóm may khẩu trang tình nguyện tại các phường 1, 3, 15 và 16 với khoảng 20 chị tham gia, mỗi ngày sản xuất được khoảng 400-500 khẩu trang. Tương tự, ở quận 1, 2, 9, 12, Thủ Đức và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, các nhóm thiện nguyện đã may và trao cho người dân hàng chục ngàn khẩu trang. 

Mỗi cá nhân cán bộ, hội viên cũng có nhiều hoạt động tạo được sự lan tỏa. Chị Lê Thị Lai - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 4, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, làm nghề may gia công, đã tận dụng nguồn vải dư và tranh thủ thời gian buổi tối để may những chiếc khẩu trang tặng bà con lao động nghèo. Hằng ngày, chị xếp những chiếc khẩu trang do mình làm ra trên bàn nhỏ trước nhà để ai cần thì lấy. 

Nhiều chị em cũng đã tự nguyện bỏ tiền túi ra mua khẩu trang rồi đến những nơi đông người để phát. 

Vài chiếc khẩu trang hay vài chai dung dịch sát khuẩn giá trị chẳng là bao nhưng cái tình thì lớn vô cùng. Và giá trị lớn hơn ở những hành động nhỏ ấy chính là lời nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm với cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI