Chống dịch, đã đến lúc cần sự bắt buộc

27/03/2020 - 14:13

PNO - Có lẽ, đã đến lúc; mà chẳng cần rón rén “có lẽ” nữa, đúng hơn là phải cơ chế hóa, xác đáng hơn là pháp lý hóa các biện pháp chống dịch COVID-19 trên diện rộng.

Tại Hà Nội, đến tận ngày 24/3, hàng trăm người dân vẫn chen chúc đi lễ phủ Tây Hồ, mặc “thông điệp kêu gọi” của ông chủ tịch thành phố Hà Nội, mặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tuyệt đối không tụ tập đông người, hạn chế ra nơi công cộng…

Tại TPHCM, chiều 25/3, hơn 50 người, trong đó đa phần là lãnh đạo, y bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện huyện Bình Chánh đã được đưa đi cách ly tập trung do trước đó đến dự đám tang bố của bác sĩ M., công tác tại bệnh viện. Cháu ruột của bác sĩ M. là du học sinh Mỹ, có xác nhận dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 vào ngày 24/3.

Tại Quảng Ngãi, gần như trọn ngày 26/3, Trung tâm thương mại và siêu thị GO! Quảng Ngãi tưng bừng lễ khai trương, người người đổ về mua sắm, mặc công văn khuyến cáo hạn chế tập trung đông người của Tỉnh ủy ban hành từ ngày 19/3.

Phần lớn người dân vào lễ không đeo khẩu trang hoặc sử dụng khẩu trang không đúng cách.
Phần lớn người dân vào lễ không đeo khẩu trang hoặc sử dụng khẩu trang không đúng cách khi dự lễ tại phủ Tây Hồ ngày 24/3

Có lẽ, đã đến lúc; mà chẳng cần rón rén “có lẽ” nữa, đúng hơn là phải cơ chế hóa, xác đáng hơn là pháp lý hóa các biện pháp chống dịch COVID-19 trên diện rộng. Với diễn tiến tăng tốc lây nhiễm như hiện nay, trong đó lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa phát hiện, lây nhiễm trong đội ngũ y tế, bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm tại khu cách ly…; đòi hỏi Nhà nước, với chức năng, quyền hạn và công cụ pháp lý, phải mạnh tay hơn, quyết liệt hơn, triệt để hơn trên mọi trận tuyến “chống giặc” COVID-19.

Từ 0 giờ ngày 28/3, Chính phủ lệnh cho các địa phương cấm tụ tập trên 20 người. Tại TPHCM, UBND TPHCM, ngoài lệnh trên, còn cấm tụ tập 10 người trước công sở, bệnh viện, trường học. Yêu cầu người dân không ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết, đội ngũ nhân viên y tế không được rời khỏi thành phố, sẵn sàng đợi lệnh... Lệnh ban hành cần lập thành với một loạt biện pháp chế tài dựa trên các cơ sở pháp lý được áp dụng theo luật và đặc cách trong tình trạng đại dịch, tình huống khẩn cấp...

Đã qua giai đoạn kêu gọi hạn chế ra đường, khuyến cáo tránh tụ tập... Giờ là áp dụng chế độ bắt buộc thực thi, nghiêm cấm mọi hành vi ngoài quy định và thẳng thừng cưỡng chế, trừng phạt. Bởi hậu quả đã và đang nhãn tiền ngay tại các nước lớn, quốc gia phát triển. Một khi lơ là, thậm chí xem thường các biện pháp ngăn chặn lây lan, khoanh vùng, cách ly thì hậu quả điều trị trở thành là điểm nút vỡ trận, Cái Chết Đen ám ảnh, chực chờ bờ vực.

Hãy đọc kỹ hai phép tính sau đây: “Nếu không hạn chế (tôi nghĩ từ hạn chế là còn khá nhẹ) đi lại, tiếp xúc, từ 1 người nhiễm COVID-19, sau 5 ngày sẽ có 2,5 người; sau 30 ngày có 406 người. Nếu hạn chế đi lại, từ 1 người nhiễm, chỉ lên 1,25 người sau 5 ngày; sau 30 ngày, có 15 người nhiễm. Nếu 75% người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc thì từ 1 người nhiễm, sau 30 ngày sẽ chỉ có 3 người nhiễm”- tiến sĩ Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM lập luận.

"Từ ca nhiễm đầu tiên, đợt mới, ngày 6/3 đến khi đạt 100 người nhiễm (khoảng ngày 24/3), tức cần 18 ngày để số người nhiễm tăng từ 1 lên 100. Đối chiếu với thời gian lây nhiễm bình quân của các nước, trừ Nhật Bản (29 ngày) thì thời gian 18 ngày của Việt Nam là ngắn đáng kể, tức nguy cơ lây lan của Việt Nam nhanh. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan, để không đạt mức 1.000 người trong vòng 10 ngày kể từ khi có 100 người nhiễm, tức là vào khoảng ngày 3/4 và tốt nhất là chỉ có dưới 500 người nhiễm vào ngày 3/4” - giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích.

Để kiểm soát được thực tế hóa 2 phép tính nói trên, không còn cách thức nào khác là phải mạnh tay hơn nữa, cụ thể hơn nữa và đặt để trên cơ sở pháp lý để thực thi nghiêm, triệt để. Nó cũng chính là “bổ đề cơ bản” để chúng ta sống sót, bằng không, 2 tuần tới – với xác định là đỉnh dịch bùng phát, lây lan, thậm chí không bi quan hóa nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế sẽ khốc liệt, sự trả giá “tồn tại hay không tồn tại” là tất yếu.

Quay trở lại câu chuyện ở Bình Chánh, ngày 24/3, du học sinh xác nhận dương tính, vậy mà suốt thời gian chờ có kết quả xét nghiệm, “ứng viên” bệnh nhân này vẫn có mặt ở đám tang. Lãnh đạo Sở Y tế thể tất việc này vì cho rằng “đi viếng đám tang người nhà đồng nghiệp là văn hóa truyền thống". Xin thưa, biến chủng virus corona mới chả quan tâm đến cái gọi là “văn hóa” ấy, chúng còn khoái khẩu khi được mời đến làm lễ ở thánh đường, tha hồ quẫy ở quán bar! Và chỉ cần thế, chúng sống, ta chết.

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Phùng Đức Tiệp 28-03-2020 00:01:40

    Đến nước này không thể ngồi chờ vào ý thức được mà phải dùng đến pháp lệnh.Bởi vẫn còn rất nhiều hoạt động vẫn đang diễn ra bất chấp lệnh của chính phủ đã ban bố, như bài viết đã nêu.

  • Phùng Đức Tiệp 27-03-2020 23:52:36

    Quá chuẩn. Đến thời điểm này không dùng từ "không nên" mà là bắt buộc, cấm, lệnh đối với tất cả mọi người.

  • Mata 27-03-2020 14:41:01

    Quan điểm và biện pháp về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tùy thuộc vào khả năng nhận thức vấn đề sâu hay cạn. Cạn thì hở đến đâu vá đến đó, sâu thì vá trước khi bị hở, và do đó, không lo bị hở nữa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI