Chống dịch COVID-19, bác sĩ đến nhà khám cho bệnh nhân

09/04/2020 - 11:22

PNO - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nguy cơ lây nhiễm chéo với những bệnh nhân cao tuổi là rất lớn, vì vậy nhiều bệnh viện đã tổ chức đội ngũ bác sĩ đến nhà khám cho bệnh nhân.

Khi bác sĩ đến nhà

Trước khi khám bệnh, bác sĩ Nguyễn Minh Quân đo thân nhiệt cho ông C., hướng dẫn ông khai báo y tế cũng như các phương pháp phòng chống COVID-19
Trước khi khám bệnh, bác sĩ Nguyễn Minh Quân đo thân nhiệt cho ông C., hướng dẫn ông khai báo y tế cũng như các phương pháp phòng chống COVID-19

Vừa nghe chuông reo, ông Q.V.C. (ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã tươi cười ra mở cửa. Ông C. đã 93 tuổi, mắc nhiều bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… đi lại rất khó khăn. Cứ mỗi tháng, ông bắt taxi đến Bệnh viện (BV) Thống Nhất TP.HCM “thăm” BS một lần. Do cao tuổi, ông được ưu tiên khám trước nhưng lần nào cũng mất cả ngày từ lúc khám đến lấy thuốc. “Mấy hôm trước, xem ti vi, người ta nói cách ly toàn xã hội, phải hạn chế đi khám bệnh thì cũng lo, không biết làm sao để lấy thuốc. May mà BS đồng ý đến nhà khám, tôi mừng lắm”, ông C. nói.

Nhà ông cách xa BV nên mỗi lần đi khám bệnh, riêng tiền taxi đã hơn 300.000 đồng, thêm chi phí ăn uống các thứ cũng hơn 500.000 đồng, cao gấp đôi so với 250.000 đồng được BS đến nhà khám. Ông cho hay, còn “lời” được thời gian tâm sự với BS. Ông còn có thể gọi điện thoại cho BS mỗi khi không an tâm do các cơn khó thở 
dồn dập.

Cũng như ông C., bà C.T.H. (từng nhập viện điều trị tại BV Thống Nhất, TP.HCM) cho biết bà mắc nhiều bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, viêm dạ dày, tá tràng, nhất là đợt rối loạn tiền đình vừa rồi khiến bà té ngã gãy ổ xương đùi nang hẹp làm sức khỏe của bà yếu hẳn. “Tôi luôn ám ảnh té ngã, đùi tôi vẫn còn nẹp, vì vậy mỗi lần đi BV khám bệnh thì rất sợ. Trước đây, tôi đã biết dịch vụ BS khám tại nhà nhưng sợ làm phiền BS nên tôi nhờ con mình đưa đi BV”, bà H. nói. Tuy nhiên, để đưa bà H. đi khám, con của bà phải xin nghỉ việc một ngày, đến BV đẩy xe lăn cho bà hoặc bà phải cố gắng bám vào con mới có thể bước đi. Hay tin cơ sở y tế khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, bà H. liền đăng ký.

Bà chia sẻ, khi bà gọi điện thoại đăng ký khám, BS hẹn ngày, giờ đến nhà, cũng có thể nói với BS nếu bà thêm chứng đau đầu hay các khớp hành hạ mỗi đêm. Đôi chân giãn tĩnh mạch của bà cũng bớt sưng phù. Bà chỉ việc nhờ con mang toa thuốc BS cho đến BV nhận giùm, con cũng không phải nghỉ việc. 

Gọi điện thoại, có ngay bác sĩ

ông C. mắc nhiều bệnh nền như tim mạch, huyết áp, dãn tĩnh mạch,... mỗi tháng phải đi bệnh viện khám một lần, đợt COVID-19 này, ông được bác sĩ ưu tiên khám tại nhà
Ông C. mắc nhiều bệnh nền như tim mạch, huyết áp, dãn tĩnh mạch,... mỗi tháng phải đi bệnh viện khám một lần, đợt dịch COVID-19 này, ông được bác sĩ ưu tiên khám tại nhà.

Cụ D.T.T. (ở Q.Thủ Đức) khoe hơn một tháng nay cụ đã biết sử dụng điện thoại nhờ BS đến nhà khám. Việc khám bệnh của cụ đã không còn tốn công, tốn sức như trước. Từ việc sợ khám bệnh, bây giờ cụ T. lại chủ động hơn khi thấy trong người mệt mỏi, chóng mặt, hay các cơn ho khan. “Cứ gọi điện là BS đến nhà ngay”, khám ở nhà cũng như khám ở BV, BS mang đầy đủ các thiết bị cần thiết và được đo thân nhiệt, tầm soát COVID-19 chặt chẽ hơn.

Chị Loan, con của cụ T. kể: “Trước đây, mẹ tôi sợ phiền con cháu, sợ đợi lâu nên bị bệnh cứ giấu để không phải đi BV. Đợt này, mẹ tôi bệnh nhiều, tôi lật lại sổ khám bệnh, thấy số điện thoại BS gia đình nên gọi đại, không ngờ bà “nghiện” khám bệnh đến bây giờ”.

BS Nguyễn Minh Quân, Khoa Nội thận - Lọc máu BV Thống Nhất TP.HCM, cho biết, dịch vụ khám tại nhà được BV triển khai một thời gian, nhưng do đội ngũ BS ít nên chỉ ưu tiên cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, có vấn đề về vận động, đi lại khó khăn và ở các quận, huyện lân cận BV. Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu, BS nhận thêm bệnh nhân khám tại nhà, nhằm phòng ngừa dịch bệnh và tránh lây nhiễm chéo. “Hiện tại, BV tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đăng ký khám tại nhà, hầu hết là những cụ già, người mắc các bệnh nền đã từng điều trị tại BV. Bệnh nhân có thể gọi trực tiếp BS khi thấy trong người bất ổn, hoặc gọi đến tổng đài của BV để đăng ký khám bệnh”, BS Quân nói. 

BS Hoàng Văn Dũng, Khoa Nội tim mạch BV Q.Thủ Đức nói thêm, tùy yêu cầu, bệnh lý của người dân, BV sẽ phân công BS đúng chuyên môn đến khám bệnh. Trong quá trình di chuyển, đến nhà, BS vẫn tuân thủ các phương pháp phòng chống dịch như rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn, đeo khẩu trang và đo thân nhiệt cho bệnh nhân trước khi khám. 

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành công văn khẩn hướng dẫn các cơ sở y tế khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19. Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, các BV công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện; phòng khám đa khoa phải thực hiện khám, chữa bệnh và cấp thuốc tại nhà theo công văn 687 ngày 3/4 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM.

Đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng cho các trường hợp người bệnh từ đủ 60 tuổi trở lên mắc những bệnh lý thông thường không cần nhập viện điều trị (chỉ khám bệnh và kê đơn, không thực hiện thủ thuật), bệnh lý mạn tính ổn định.

BS sẽ khám và kê đơn thuốc tại nhà người bệnh (đối với bệnh lý thông thường, bệnh lý mạn tính ổn định); khám bằng cách trao đổi qua điện thoại (đối với bệnh lý ổn định và có chỉ định tiếp tục sử dụng thuốc như lần trước liền kề). Cơ sở khám chữa bệnh công lập thực hiện thu theo biểu giá khám chữa bệnh không thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế. Cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập thực hiện thu theo giá đã kê khai với Sở Y tế TP.HCM.

Tất cả chi phí vận chuyển, đi lại khám cho người bệnh, các cơ sở y tế phải thống kê gửi về Sở Y tế TP.HCM để được hỗ trợ kinh phí từ nguồn hoạt động phòng chống dịch. Thời gian áp dụng đến hết ngày 15/4.

Phạm An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI