Chống dịch bệnh cần quyết liệt, bền bỉ và đồng bộ hơn

08/07/2022 - 06:25

PNO - TPHCM đang đứng trước nguy cơ “dịch chồng dịch” và sẽ phải chịu nhiều hệ quả xấu về kinh tế, xã hội nếu để nguy cơ này thành hiện thực.

 

Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM - Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM - Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN


Phát biểu tại kỳ họp thứ sáu HĐND TPHCM khóa X diễn ra từ ngày 6 - 8/7, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa có quốc gia nào công bố chấm dứt dịch. Ngoài ra, dịch đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ và châu Âu đang là tâm dịch với hơn 80% số ca đậu mùa khỉ toàn cầu, số còn lại là châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã họp khẩn cấp lần thứ hai nhưng chưa công bố đậu mùa khỉ là đại dịch. TPHCM tiếp tục theo dõi và giám sát chặt tại các cửa khẩu về dịch bệnh này.

Theo ông, TPHCM đang đứng trước nguy cơ “dịch chồng dịch” và sẽ phải chịu nhiều hệ quả xấu về kinh tế, xã hội nếu để nguy cơ này thành hiện thực. Cụ thể là, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại với những biến thể phụ mới của Omicron và dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu sẽ bùng phát dữ dội trong năm nay. 

“Theo công bố của Viện Pasteur TPHCM, các tỉnh phía Nam và TPHCM hiện có típ (type) huyết thanh Dengue-1 như năm 2021 nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần típ huyết thanh Dengue-2. Theo quy luật thì khi có sự xuất hiện trở lại của một típ huyết thanh thì số ca mắc mới sẽ tăng cao, số ca nặng tăng, số tử vong tăng” - ông Tăng Chí Thượng phân tích.

Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, nếu như hằng năm, trong hàng chục ngàn ca mắc SXH ở TPHCM, chỉ có khoảng 5 - 10 trường hợp tử vong thì riêng năm nay, tính đến hết ngày 5/7, TPHCM có 23.516 ca mắc SXH, trong đó đã có 11 ca tử vong, tăng 9 ca so với trung bình năm của giai đoạn 2016 - 2020. Diễn tiến dịch SXH năm nay theo hướng số ca mắc tăng sớm, nhanh từ giữa tháng Tư. Đến cuối tháng Sáu, số ca mắc đã cao hơn số ca trong tuần đỉnh dịch các năm 2018, 2019. Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022, khi bước vào mùa mưa, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu không quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch SXH ngay từ bây giờ, số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng.

Ông cho hay, ngành y tế phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tương ứng với các tình huống và kịch bản theo diễn tiến xấu của dịch COVID-19 và dịch SXH để sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị theo từng tình huống nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong. Nhưng quan trọng hơn hết, công tác phòng dịch COVID-19 và SXH cần được triển khai quyết liệt hơn, bền bỉ và đồng bộ hơn.

Đối với COVID-19, cần đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc xin mũi nhắc lại (mũi thứ ba và thứ tư). Đối với SXH, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, diệt lăng quăng. “Phòng, chống dịch SXH hiệu quả phải xuất phát từ hành động của mỗi cá nhân, ngay trong chính ngôi nhà của mình, nơi mình sống và làm việc. Đây cũng là thông điệp chính trong Kế hoạch 2095 của UBND TPHCM về tổng vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi” - ông Tăng Chí Thượng nói. 

Song song với chiến dịch diệt lăng quăng, triệt nơi sinh sản của muỗi, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) hướng dẫn, hỗ trợ các trung tâm y tế quận, huyện tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở những vùng có nguy cơ xảy ra dịch SXH.

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI