Chồng đánh vợ phải ngồi tù, ba mẹ con ngơ ngác giữa đời

24/11/2019 - 09:00

PNO - “Trong lòng em là cảm giác như té xuống nước mà không biết bơi vậy. Em ước gì không có ngày hôm nay”, chị Tuyết Mai, nạn nhân bị chồng đánh đập, nhấn nước giết, đã bần thần nói bên hành lang phiên toà.

Phiên tòa hình sự về hành vi “cố ý gây thương tích” của Phạm Chí Linh (Tân Châu- Tây Ninh) trong vụ đánh và dìm vợ xuống nước đã khép lại. 

3 tháng tù giam cho kẻ đánh, nhấn nước vợ xuống hồ bơi gia đình vào tối ngày 13/9/2019 khiến dư luận cho là quá nhẹ “không đủ sức răn đe”. Thế nhưng những vết thương lòng sẽ rất nặng, không phải chỉ riêng chị nạn nhân là chị Mai, mà cả mẹ ruột, mẹ chồng và hai đứa con và chính Phạm Chí Linh...

Chong danh vo phai ngoi tu, ba me con ngo ngac giua doi
Phạm Chí Linh trước toà

Bà L.T.N mẹ ruột chị Mai cố giấu những giọt nước mắt trong giờ tạm nghỉ giữa phiên tòa: “Sinh con ra, nuôi con lớn khôn, dựng vợ gả chồng là chỉ mong con êm đềm hạnh phúc chứ có ai muốn đưa nhau đến chốn này đâu? Nhưng đời không ai biết trước được điều gì, nghe con cái hục hặc nhau, cũng rầy la vài câu qua loa vì nghĩ rằng vợ chồng nào không có chuyện bất đồng. Nhưng rồi sự việc xảy ra không ai ngờ được. Tui cũng không biết ra khỏi phiên tòa này rồi tui và chị sui sẽ gọi nhau bằng gì, có nhìn mặt nhau được nữa không vì con của tụi nó (con của Linh –Mai) vẫn gọi tụi tui bằng bà nội bà ngoại”.

Chong danh vo phai ngoi tu, ba me con ngo ngac giua doi
Mẹ (áo đỏ) và dì của chị Trần Thị Tuyết Mai đến dự khán

Buổi chiều vùng biên, nắng xiên ngay vào phòng xử án, sáu cánh quạt trần xoay hết tốc lực, nhưng không khí lạnh lẽo không thể xua đi được. Hàng ghế “bị hại” và vành móng ngựa dành cho “bị cáo” cách nhau một sải tay, nhưng đã thành nghìn trùng cho tình vợ chồng, bởi sự ác độc của bị cáo.

Khi tòa hỏi bị cáo: “Trong cuộc sống gia đình, anh là người trụ cột kinh tế, thì mỗi tháng từ nghề lái xe máy cày, anh đưa vợ bao nhiêu tiền?”.

Im lặng vài giây, giọng bị cáo ngập ngừng vang lên: “Thưa… lâu nay bị cáo không có đưa tiền cho vợ, mà tiền ai nấy chi dùng”. “Vậy có nghĩa là vợ bị cáo phải buôn bán, coi sóc hồ bơi để có tiền chi tiêu cho gia đình bốn con người à?”.

Im lặng

“Cho tòa hỏi bị hại: tình trạng chồng không đưa tiền cho vợ mà tự giữ để chi tiêu riêng đã xãy ra bao lâu rồi?”. “Thưa…hơn một năm”. “Hơn một năm vợ chồng không biết về tài chính của nhau, người chồng không quan tâm tới gia đình, vậy chị có báo cho cha mẹ hai bên hay chính quyền đoàn thể để cùng giải quyết không?". “Thưa không, vì tôi cho rằng chuyện vợ chồng thì cứ tự giải quyết”

Không gian im lặng bao trùm cả phiên tòa. Một sự đặc quánh nào đó xâm chiếm tâm tư tất cả những người dự khán. Thì ra, bạo hành gia đình xuất phát tự những việc im lặng “tự giải quyết” như thế.

Chong danh vo phai ngoi tu, ba me con ngo ngac giua doi
Dư luận đã bàng hoàng khi thấy clip người chồng đánh vợ dã man, nhấn nước nhiều lần như muốn giết chết. Ảnh cắt từ clip của camera hồ bơi gia đình.

Giờ giải lao giữa phiên tòa rất ngắn, gương mặt chị Mai bần thần như thời gian trôi qua là cả thế kỷ. Chị bảo, đã ly hôn rồi, người phạm tội sẽ bị pháp luật trừng phạt xứng đáng, nhưng rồi một nách hai con, thân phụ nữ mong manh giữa đời, chị không biết sẽ làm lại từ đâu. Chị nói: “Hiện trong lòng em là một cảm giác mênh mông như té xuống nước mà mình không biết bơi vậy. Em ước gì thời gian quay lại để không có ngày hôm nay”.

Mức án 3 tháng tù giam cho bị cáo Phạm Chí Linh và bồi thường tiền thuốc thang, tiền tổn thất tinh thần, tiền mất thu nhập cho bị hại là 65 triệu đồng, khá nhẹ. Nhưng một gia đình tan nát vì bạo hành, một dấu tích “có tiền án” trong hồ sơ lý lịch đời người, trong lịch sử gia đình của hai đứa trẻ và trong lòng người vợ chết hụt thì không thể nào cân đo đong đếm.

Chong danh vo phai ngoi tu, ba me con ngo ngac giua doi
Luật sư Bùi Thị Hoa Mai trả lời báo chí tại phiên tòa

Luật sư Bùi Thị Hoa Mai (Đoàn luật sư Tây Ninh), người được  chọn bênh vực quyền lợi pháp lý cho bị hại chia sẻ: “Chuyện đời sống vợ chồng ở cuộc sống hôm nay không phải là chuyện riêng của hai người mà sẽ liên quan đến cha mẹ hai bên và con cái. Nên khi vợ chồng không còn tìm được tiếng nói chung thì hãy mạnh dạn nhờ cha mẹ hoặc đoàn thể (Hội phụ nữ, Ban hòa giải ấp/xã) giúp đỡ. Đừng để nạn bạo hành xảy ra sẽ khiến mình phạm tội, và ảnh hưởng đến tâm lý cùng sự phát triển về thể chất, nhân cách con cái sau này”.

Phạm Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI