Chồng cũ xin quay về

09/04/2023 - 17:10

PNO - Chồng cũ của chị làm hòa, hứa chăm lo cho mẹ con chị. Sau chị mới biết anh đau cột sống, hàn gắn với chị để có người chăm sóc.

 

Chị vẫn còn hận chồng cũ (ảnh minh họa)
Chị vẫn còn hận chồng cũ (Ảnh minh họa)

Quán cà phê ở góc chợ Ông Bầu của chị Bảy (huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp) mới 7 giờ sáng đã đông khách. Chị Bảy luôn tay pha cà phê, châm trà, dọn ly tách… Thấy chị tất bật, tôi hỏi chị sao không thuê người phụ. Chị nói bán tới 10 giờ sáng là nghỉ, lời lãi có nhiêu đâu mà thuê người.

Ngơi tay một chút, chị Bảy phân trần với tôi, lúc trước chị rất mê kiếm tiền. Ngớt khách uống cà phê là chị bày bán bánh khọt, bánh xèo, bún riêu… Góc quán thì luôn bày thúng củ ấu, đậu phộng hoặc chuối luộc. Chị luôn chân luôn tay nên lếch về tới nhà là lăn ra ngủ. 2 đứa con chị cũng bù đầu theo mẹ, phụ dọn bàn, luộc chuối, quạt than…

“Em hỏi chị sao hồi ấy làm bán thân bán mạng hả? Tại hận chồng cũ đó em”, chị Bảy bật cười sau câu nói. Giải thích về “mối hận” của mình, chị nói nhà chồng cũ của chị giàu lắm, có 5 chiếc xe tải chở hàng thuê. Mỗi lần xong chuyến hàng, chồng chị mang về cả cọc tiền. Tiền đó chị chỉ được nhìn thôi, chồng phải nộp hết cho mẹ. Chị muốn mua tã, sữa cho con cũng phải hỏi xin mẹ chồng.

Mỗi trạm nghỉ của chồng đều có một phụ nữ nấu cơm chờ sẵn, nên chồng chị đi chục ngày không về là thường. Nghe vợ chồng chị cãi vã, mẹ chồng nói: “Đàn ông ra ngoài kiếm tiền là phải ăn chơi. Đàn bà khôn là phải biết mắt nhắm mắt mở. Ba bây cũng lái xe, mẹ có ghen đâu”. Chị nín lặng, uất ức mà không dám cãi.

Lần chị Bảy xin tiền chồng để đưa con đi khám bệnh. Anh ném tiền vào mặt chị: “Đàn bà vô dụng!”. Chị chết điếng trong lòng, dắt hai con về nhà ngoại. Chồng chị nói theo: “Ra khỏi nhà này mẹ con cô có nước cạp đất mà ăn”.

Chị Bảy thở dài: “Xài tiền của người ta nhục lắm em, nên giá nào chị cũng phải chứng minh cho ổng thấy chị không vô dụng”.

Thằng con lớn thương mẹ, 16 tuổi đã nghỉ học đi phụ bếp ở nhà hàng. Chị đứt ruột thương con, nhưng nó nói "thấy mẹ cực quá, con học không vô". Cày cục gần chục năm, mẹ con chị mua được căn nhà. Ngày dọn về nhà mới, chị mừng chảy nước mắt. 2 đứa nhỏ đi tới đi lui ngắm nghía căn nhà, cười hoài…

Chị tính chuyện cho con trai học nghề, tích góp cho con gái vào đại học… Mục tiêu của chị còn dài nên mẹ con chị vẫn phải thức khuya dậy sớm. Thằng lớn hay than “ngực con hay đau nhói, không biết bị gì”. Chị ậm ờ cho qua, nghĩ con trai tráng, bẻ gãy sừng trâu còn được.

Bữa đó con ôm ngực ho sặc sụa. Đi khám, các sĩ nói con bị lao phổi rất nặng. Ngồi lịm bên giường con, chị xót xa, muốn đau thay cho con. Chị nhận ra tiền không phải là tất cả. Chị kiếm nhiều tiền để chứng minh bản thân, thỏa mối hận trong lòng, nhưng con chị mất đi quãng thanh xuân vì lao lực theo mẹ.

“Giờ chị bán tới 10 giờ là nghỉ. Con chị nghỉ đứng bếp, chỉ phụ chạy bàn. Mẹ con chị đủ ngày 2 bữa là được rồi”, chị Bảy cười với tôi.

Chị cũng kể, một năm trước chồng cũ của chị bỗng dưng tìm tới xin nối lại duyên xưa, hứa sẽ chăm lo mẹ con chị. Mẹ chồng cũ cũng ngọt nhạt khuyên chị bỏ qua. Bà nói: “Con lấy chồng mới thì tội tụi nhỏ chịu cảnh cha ghẻ, sao bằng cha ruột”.

Chị Bảy thiệt tình: "Lòng chị đã nguội lạnh, nhưng nghĩ con thiếu tình cha, chị cũng xuôi xuôi. Chuyện chưa tới đâu thì có người kể với chị, anh đau cột sống rất nặng, không còn lái xe nên tính chuyện hàn gắn với chị để có người chăm sóc"…

“Chị sợ khổ lắm rồi. Dính vào ổng, tình cảm không còn, mà 3 mẹ con chắc chắn sẽ khổ, nên từ chối. Mẹ con sống vui vẻ với nhau là được”, chị Bảy nói chắc nịch.

Tôi ra về khi mẹ con chị bắt đầu dọn quán. “Tiền không cần kiếm nhiều, nhưng vui vẻ phải nhiều mới được”, tôi càng ngẫm càng thấy câu nói của chị Bảy chí lí quá chừng...

                                                                                                                              Đức Phương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Jennynguyen 10-04-2023 09:29:51

    Chồng, nghĩ cho cùng cũng chỉ là người dưng. Khi giàu có khỏe mạnh thì ỷ tiền ỷ trẻ mà vui chơi hưởng lạc, coi vợ con như cục nợ, nay dằn mai xéo, đưa đồng tiền nuôi con như bố thí. Lúc bệnh xuống quay về giả tình giả nghĩa mong có người hy sinh chăm sóc. Ích kỷ là bản chất chứ thương yêu gì vợ con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI