Chồng cũ không đưa tiền nuôi con, viện cớ vợ mới giữ hết tiền

11/05/2019 - 14:00

PNO - Chồng cũ đùn đẩy không chịu cấp dưỡng nuôi con, nói rằng tiền bị vợ mới giữ hết. Tôi có thể khởi kiện yêu cầu anh ta và vợ mới phải cấp dưỡng cho con tôi không?

Hỏi: Vợ chồng tôi ly hôn cách đây 2 năm. Khi giải quyết ly hôn, tòa quyết định tôi được quyền trực tiếp nuôi con, chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cách đây 5 tháng, anh cưới vợ mới, từ đó không chu cấp tiền cho con nữa. Tôi nhắc anh rất nhiều lần nhưng anh đều tắt máy. Vừa rồi tôi đến nhà chồng cũ và yêu cầu cấp dưỡng, anh nói hiện đã có vợ mới nên mọi tài sản của anh đều chuyển giao cho chị ta, do vậy anh không có tiền chu cấp cho con. Xin hỏi, tôi có thể khởi kiện yêu cầu anh và vợ mới phải cấp dưỡng cho con tôi không?

Đỗ Thị Thanh (Can Lộc, Hà Tĩnh)

Chong cu khong dua tien nuoi con, vien co vo moi giu het tien
Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn. Tôi xin đưa ra tư vấn nhằm giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ về trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên khi ly hôn, nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định tại điều 81 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.”

Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.

Đồng thời điều 42 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu như sau:

“Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Chong cu khong dua tien nuoi con, vien co vo moi giu het tien
Ảnh minh họa

Trong trường hợp của bạn, sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên. Điều này vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cha mẹ. Quan hệ cha mẹ và con cái tồn tại hoàn toàn không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha, mẹ, tức là việc ly hôn của hai bạn cũng như việc kết hôn giữa chồng cũ của bạn với người vợ mới không làm chấm dứt nghĩa vụ của hai bạn đối với con chung.

Lý do chồng cũ bạn chuyển giao hết quyền sử dụng tài sản cho vợ mới của anh, nên không đủ tiền chu cấp cho con là không chấp nhận được về cả mặt đạo đức lẫn pháp lý. Thỏa thuận về tài sản giữa anh và người vợ mới (nếu có) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của con cái, đồng thời có dấu hiệu của việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Do đó, bạn có thể khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố thỏa thuận về tài sản giữa chồng cũ bạn với người vợ mới vô hiệu, và yêu cầu anh ta phải tiếp tục cấp dưỡng cho con.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Công ty luật Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI