Chồng con mình, bỏ cho ai?

06/06/2022 - 10:35

PNO - Nhắc đến chị Hồ Thị Kim Anh, chị em ở xã Thuận Hòa, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lắc đầu: “Phục bả lắm, quá giỏi! Tụi tui theo không kịp”.

Thấy khách tới thăm, chị Kim Anh dọn gọn mấy phên bánh tráng, kéo ghế mời khách ngồi. Gian nhà nhỏ bày biện đủ thứ, từ giường nằm, tủ lạnh, ti vi, bàn ghế và bánh tráng, nhưng vẫn gọn gàng, sạch sẽ.

Một cậu bé chừng 10 tuổi bỗng dưng la hét, chạy khắp nhà, giơ tay dọa... đánh khách. Chị Kim Anh cười buồn: “Chú thông cảm! Thằng nhỏ bị bệnh thần kinh. Nó thấy người lạ nên làm bộ chút thôi, rồi sẽ ngồi yên”. 

Thỉnh thoảng anh Sáu Thanh cũng chăm con giúp vợ
Thỉnh thoảng anh Sáu Thanh cũng chăm con giúp vợ

 

Đúng vậy. Cậu bé chạy quanh la hét một hồi rồi im, ngồi trên ghế cầm chiếc điện thoại hư nói lảm nhảm. Chỉ chồng phên bánh tráng xếp ở góc nhà, chị nói vừa phơi khô thì trời mưa, chạy gom bánh tráng mệt muốn xỉu. “Ủa mà ông xã chị đâu không chạy phụ?”, tôi hỏi. “Có trời mới biết ổng ở đâu! Ổng mới đi lang thang hai ngày, về chiều hôm qua. Sáng nay thấy cầm cây rựa bảo đi rẫy, nhưng tôi không cho. Ổng mà đem con rựa đi, coi như tui cụt tay. Vậy đó! Chắc ổng lại ngồi lai rai ở đâu rồi. Chắc sáng mai mới về đòi ăn, rồi lại đi…”.

Ba mươi năm trước anh Phan Văn Thanh là một thanh niên đẹp trai, siêng năng. Cưới vợ về, anh cưng chị như trứng mỏng, không cho vợ đụng tay việc ruộng nương. Nhưng chị thuộc kiểu người không muốn rảnh rỗi. Có nghề tráng bánh bột mì từ hồi con gái, về nhà chồng chị bắt tay mở lò tráng bánh, rồi liên tục theo nghề cho đến hôm nay. 

Chị nói: “Nghề tráng bánh, chủ yếu lấy công làm lãi, chứ tiền lời không bao nhiêu. Như chồng bánh tráng kia, cột lại cũng được hơn hai mươi ràng, phiên chợ ngày mai đem bán 60.000 đồng một ràng. Nếu bán hết được chừng triệu hai, trừ tiền bột, than củi đi, cũng lãi 200.000 đồng”. Chị sinh bốn đứa con, nuôi chúng ăn học bằng tiền tráng bánh, còn ruộng nương của ông chồng, khi được khi thất, chỉ đủ tiền cho anh uống rượu. 

Chồng chị hiền lành, nhưng có tật uống rượu, tới khi có vợ con rồi anh càng ghiền rượu hơn. Từ năm chị sinh cậu con út tới giờ 13 năm, cũng là thời gian anh say xỉn suốt ngày, không làm được việc gì. Chị giận hờn, “dọa” đủ kiểu, ông chồng cũng chỉ nhịn rượu được hai, ba ngày, rồi đâu lại vào đấy. Trong nhà, có chai rượu nào, chị mang vứt hết, anh lại ra ngoài mua uống.

Chị nghe đến chuyện cai rượu, mà ở quê chẳng có chỗ nào làm việc này. Đôi lúc chị nghĩ đến chuyện ly hôn rồi chị lại thôi. Bởi còn thương nên chị nghĩ: “Ổng ở một mình chắc chết sớm, chớ ai dám lấy. Thôi, tôi coi như ổng bị bệnh, dù gì thì cũng có một thời gian vợ chồng êm ấm, có với nhau bốn mặt con”.

Chị Kim Anh với nghề làm bánh tráng
Chị Kim Anh với nghề làm bánh tráng

 

Nghĩ vậy nên ngoài việc làm ăn buôn bán và chăm các con, chị còn phải để mắt tới ông chồng. Thời gian đầu, nghe người ta nhắn chồng say xỉn nằm chỗ này, chỗ kia chị vội đi kiếm, chở anh về, tắm rửa thay đồ cho anh. “Giờ thì ổng đi chán, biết tự tìm đường về, thỉnh thoảng ổng cũng biết trông con cho vợ làm việc, cũng biết ra rẫy, ra ruộng làm cỏ”, chị nói.

Không ai ngờ người phụ nữ nông thôn vất vả lại nuôi được ba người con học đại học. Trừ cậu út bị bệnh thần kinh, còn lại ba người con của chị đều học đại học. Khi con trai lớn đậu Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cậu bé vừa mừng vừa lo vì tiền đâu mà vào thành phố học.

Chị Kim Anh tuyên bố: “Học tới đâu mẹ lo tới đó!”. Mấy năm sau tới lượt cậu trai thứ đậu Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cô con gái thứ ba đậu Đại học Kinh tế TP.HCM, chị phải xoay như chong chóng với lò bánh tráng.

Thương mẹ vất vả, các con chị sau giờ học đều tìm việc làm kiếm tiền, nhưng các khoản tiền học, tiền thực tập, tiền nhà trọ… là nỗi lo thường trực hằng tháng của chị. Người con trai đầu tốt nghiệp đại học thì đi nghĩa vụ quân sự, sau khi ra quân đã xin được việc làm tại một công ty điện tử. Còn hai sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư vẫn nhận số tiền hỗ trợ không nhỏ từ mẹ.

Để làm bánh chất lượng, hai ngày trước phiên chợ, chị đi mua bột mì về pha rồi nổi lửa đốt lò tráng bánh. Phơi phóng xong, chị đóng ràng, chuẩn bị mang ra chợ bán. Hỏi chị sao không bỏ sỉ cho khách để đỡ cực, chị cười thật thà: “Tui muốn mua tận ngọn, bán tận gốc. Chịu vất vả chút, nhưng bán lẻ được tiền hơn”.

Gần 30 năm từ khi có chồng, chị đã chớm tuổi già vì vất vả chăm sóc ông chồng mê rượu và cậu con út tật nguyền. Vậy mà, ít ai thấy chị cau có, quạu quọ với “hai cục nợ” này. Chị hay nói: “Thôi kệ, kiểu gì cũng là chồng con mình, giờ bỏ cho ai!”. 

Phương Phương

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI