Chồng con lười nhác cỡ nào, cũng nhận ra sự hiện diện của tôi

18/10/2019 - 06:28

PNO - Tôi vui vẻ với công việc nội trợ của mình. Bởi chồng con dù lười nhác cỡ nào, cũng nhận ra sự hiện diện của vợ, của mẹ là cần thiết. Họ o bế tôi bằng những món quà độc đáo trong những sự kiện quan trọng.

Thường thì 5g sáng, tôi gọi các con dậy làm vệ sinh, sau đó mẹ con đi ăn sáng, rồi cùng nhau đến trường. Tôi quay về nhà thì đã hơn 7g, trên giỏ xe đầy ắp thức ăn cho cả ngày. Khi đó chồng tôi cũng đã khóa cửa đi làm.

Chỉ có chủ nhật, cả nhà mới được nghỉ ngơi thoải mái, được ngủ nướng đến tận 9g sáng. Hôm đó tôi cho phép cả nhà được nghỉ ngơi toàn tập, được bày biện ăn uống vui chơi và tôi cũng không phải dọn dẹp. Việc nhà sẽ được dồn vào hôm sau. 

Chong con luoi nhac co nao, cung nhan ra su hien dien cua toi
Ảnh minh họa

Thứ Hai tuần trước chồng tôi ốm, anh xin phép ở nhà. Tôi nấu cháo cho anh, rồi bảo anh vào phòng nằm nghỉ. Hôm đó, vẫn như mọi ngày, tôi bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Đầu tiên là dọn dẹp tàn dư của ngày chủ nhật. Mớ chén bát đêm trước cả nhà ăn khuya chưa kịp rửa. Rồi giặt quần áo, loại giặt tay, loại giặt máy. Tiếp đến là lau chùi nhà cửa, toilet, nấu cơm trưa.

Đang định vo gạo, tôi chợt nghe chồng gọi: “Em làm gì mà làm hoài vậy? Anh thấy có chuyện gì đâu mà em cứ loay hoay mãi dưới bếp chưa xong?”. Tôi hơi tự ái, nhưng vẫn cố dằn lòng vì chồng đang ốm. Hóa ra anh ấy tưởng vợ ở nhà nội trợ là chỉ mỗi việc nấu cơm.

Nói thật, riêng chuyện dọn dẹp, phải cả buổi chưa chắc đã xong. Nhà gần mặt đường, tôi phải lau bụi mỗi ngày, từ trên bàn, trên kệ, đến ti vi, giá sách. Vài ba hôm thì lau tủ lạnh, máy giặt, và rất nhiều thứ không tên khác. 

Tôi liền vào phòng kể anh nghe những việc đã làm và những việc sẽ làm trong ngày, như là cách giải thích cho câu hỏi “sao mà cứ loay hoay mãi dưới bếp” của anh. Nhưng chồng tôi bảo, dọn dẹp là chuyện cả đời, hôm nay anh ốm, thì vào phòng cùng nghỉ ngơi với anh.

Tôi thở phào. Vợ chồng thương nhau cách nói. Anh đã nói vậy, tôi sẵn sàng vứt hết công việc, có khi đợi anh ngủ mới làm. Lúc đó, tôi đã nói với chồng rằng, cũng là một nội dung muốn nói, nhưng em thích anh nói “vào phòng nghỉ ngơi cùng anh”, hơn là “em làm gì mà làm hoài không xong”. Tôi nghĩ, nói ra để chồng hiểu tâm tư của vợ, để rút kinh nghiệm, thì rất nên nói. 

Chong con luoi nhac co nao, cung nhan ra su hien dien cua toi
Ảnh minh họa

Mỗi lần có việc về quê, hoặc đi chơi đâu đó vài ngày, điều tôi sợ nhất là về nhà dọn “bãi chiến trường” chồng con để lại. Đối với một người thường xuyên dọn dẹp như tôi, nhà vài bữa không dọn, nhìn đâu cũng thấy bụi bặm, bừa bộn gấp đôi gấp ba ngày thường. Chồng con vẫn có ý đợi vợ/mẹ về nhà… phụng sự, nên “nhất quyết” không động tay động chân.

Dù vậy, tôi vẫn thấy vui vẻ với công việc nội trợ của mình. Bởi chồng con dù lười nhác cỡ nào, cũng nhận ra sự hiện diện của vợ, của mẹ là cần thiết. Họ o bế tôi bằng những món quà độc đáo trong những sự kiện quan trọng, như một sự đền bù.

Tôi vẫn còn nhớ lời hứa của chồng trước khi xây nhà rằng, anh sẽ đầu tư không gian bếp rộng tương đương với phòng khách, vì khách đến rồi khách sẽ đi, nhưng nhà bếp là nơi tụ tập thường xuyên nhất. Một ngày đôi ba lần cùng ăn uống với nhau, mà nói chuyện ở nhà bếp hình như ấm áp hơn ở phòng khách. Con cái đi đâu về, cũng lao vào nhà bếp tìm mẹ. Chồng cũng vậy, muốn tìm vợ là cứ đi thẳng vào bếp mà tìm.

Phụ nữ công sở hay phụ nữ nội trợ, về nhà một cái là chui tọt xuống bếp, không cơm nước thì cũng lau dọn một chút mới chịu. Tôi vui vẻ với công việc nội trợ, cũng chính nhờ những lời nịnh nọt hay những hành động ngọt ngào của chồng con. 

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI