Chồng coi vợ như người giúp việc

01/12/2024 - 07:58

PNO - Mẹ cố gắng chu toàn mọi việc nhưng cha luôn có cớ để chê bai, mắng mỏ. Chúng tôi phẫn khi nộ chứng kiến cha coi mẹ như người giúp việc.

Cha tôi thương gia đình, song cũng rất gia trưởng, nắm giữ mọi quyết định trong nhà. Ông còn luôn cộc cằn với người thân. Mẹ tôi tần tảo, lành hiền. Từ nhỏ tôi đã chứng kiến mẹ lặng lẽ nhẫn nhịn, phục tùng cha.

Cha tôi là trụ cột kinh tế, nuôi anh em tôi ăn học, nhưng mẹ tôi chưa bao giờ ỷ lại vào ông. Bà làm tạp vụ, tranh thủ giúp việc theo giờ. Hằng ngày mẹ dậy rất sớm, chuẩn bị bữa sáng tươm tất cho chồng con. Mọi việc trong nhà đều một tay bà quần quật.

Cha tôi không bao giờ giúp đỡ vợ. Ngay những việc nhỏ như lấy ly nước, cây tăm - ông cũng “sai” mẹ tôi. Mẹ cố gắng chu toàn mọi việc, nhưng cha luôn có “cớ” để chê bai, mắng mỏ.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tôi nhiều lần thấy mẹ nước mắt chan cơm. Bà không dám cãi lại hay phản ứng, chỉ lẳng lặng chịu đựng. Bà sợ nếu phản kháng, gia đình sẽ mất đi sự “yên ổn”. Suốt mấy chục năm trời, dù bản thân bị tổn thương đến mức nào, bà cũng lặng lẽ cam chịu.

Ngày bé, tôi không hiểu hết những điều mẹ chịu đựng. Tôi chỉ biết việc cha coi mẹ như người giúp việc là điều không thể chấp nhận được. Và việc mẹ phải chịu đựng, cung cúc phục vụ cha là rất bất công.

Khi anh em tôi lớn lên đi làm cũng là lúc cha sa cơ lỡ vận. Ông không lao động, không kiếm được dù chỉ 1.000đ, nhưng vẫn tiếp tục sống với lối gia trưởng vô lý và thói quen chửi mắng vợ.

Anh em tôi lập gia đình, phải xoay xở để lo cho gia đình nhỏ của mỗi nguời, mẹ tôi thành trụ cột kinh tế, nuôi chồng và gánh vác mọi chi tiêu. Suốt mười mấy năm như thế, chưa bao giờ bà nhận được sự cảm thông hay giúp đỡ từ chồng.

Cha tôi vẫn hoạnh hoẹ, yêu cầu bà phải theo ý ông trong mọi việc. Mỗi khi không hài lòng, ông lại chửi mắng bà không thương tiếc. Nhiều lần về thăm cha mẹ, anh em tôi muốn lên tiếng, song mẹ gạt đi. Bà nhẫn nhịn vì tình nghĩa vợ chồng, và vì muốn giữ cho gia đình yên ấm.

Nhưng sự yên ấm đó chỉ là mặt nạ. Trong lòng bà, sự chịu đựng dần trở thành gánh nặng quá lớn. Những năm tháng hy sinh, nhẫn nhịn bào mòn sức khỏe, tinh thần của bà.

Lần đó mẹ tôi đang lúi húi nấu cơm thì cha tôi hùng hổ lao tới giơ chân đạp bà, chỉ vì bà đã cãi lại ông. Cú đạp đó như giọt nước tràn ly. Tôi chạy đến, đứng thẳng, đối mặt với cha và nói: “Cha đã không còn lao động, mẹ phải đã làm mọi việc để nuôi cha và chèo lái để giữ vững gia đình, nhưng bao nhiêu năm nay, cha vẫn không hề giúp đỡ hay tôn trọng mẹ. Con sẽ không để mẹ tiếp tục phải chịu đựng thế này nữa”.

Lúc ấy, điều mà tôi nhận lại không phải là sự hối lỗi nào từ cha, mà là cơn thịnh nộ dữ dội. Ông quát: “Bây giờ chúng mày giỏi rồi, dám hỗn với tao”. Mẹ tôi thì như mọi lần, đứng nép vào một góc, rúm ró như con mèo gặp nước trước cơn giận của chồng.

Ảnh minh họa: Internet
Mẹ tôi chọn sống nhẫn nhịn cho "yên cửa yên nhà" (ảnh minh họa)

Đôi khi sự chịu đựng của bà cũng đến giới hạn. Thi thoảng bà không thể kiềm chế mà nói lại: “Tại sao ông luôn đòi hỏi tôi phải làm cái này, cái kia, mà phải đúng ý ông - trong khi ông không hề động tay động chân?”.

Dẫu vậy, mỗi lần mẹ tôi phản kháng, hậu quả lại nặng nề hơn. Ông chửi bà bằng những lời lẽ cay nghiệt, nặng nề. Anh em tôi càng phản đối, ông càng lớn tiếng, đổ hết trách nhiệm lên mẹ, như thể mọi khó khăn của cuộc sống là do bà gây ra.

Mỗi lần chứng kiến cảnh ấy, lòng anh em tôi dậy sóng. Chúng tôi quyết định không thể tiếp tục im lặng nữa. Hôm ấy tôi bình tĩnh nhưng kiên quyết: “Mẹ đã chịu đựng quá nhiều rồi. Cha không có quyền chửi mẹ như thế. Mẹ cũng không có bất cứ lý do nào để phải phục tùng, hầu hạ cha hơn cả ông bà nội, ngoại”.

Em gái tôi cũng dứt khoát: “Cha không không xứng đáng được mẹ chăm lo như vậy. Cha chuẩn bị lo cho đời sống “tự thân” của cha đi. Nếu cha vẫn tiếp tục cư xử với mẹ theo lối đó, mẹ sẽ qua sống với anh em con”.

Cha tôi tiếp tục lớn tiếng, nhưng anh em tôi và mẹ quyết không lùi bước. Chúng tôi hiểu phải giải thoát cho bà ra khỏi vòng luẩn quẩn khổ đau này; và may ra thì cha tôi biết vắt tay lên trán mà soi lại mình.

Hải Triều (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI