Kính gửi chị Hạnh Dung,
Ở nhà ba mẹ em, mọi việc thường đưa ra bàn bạc chung, con cái cũng được nêu ý kiến. Thói quen này ở nhà em đã thành nếp, không nghiêm trọng kiểu họp gia đình mà diễn ra nhẹ nhàng trong các bữa ăn tối hoặc lúc cả nhà ngồi xem ti vi hay đi cà phê.
Thời đó, em không quan tâm chuyện nhà lắm, mỗi lần có việc gì ba mẹ nêu ra em mới suy nghĩ một chút rồi… nói đại. Thế nhưng ba mẹ vẫn lắng nghe, còn góp ý cho em nghĩ sâu hơn. Dần dần em hiểu hơn nhiều việc trong nhà, vì sao phải thế này mà không thế kia, rằng mỗi người đều phải góp công góp sức một ít.
Khi kết hôn, em muốn gia đình mình cũng được như vậy. Ban đầu, mọi chuyện đều ổn. Thật sự thì thời kỳ đầu, gia đình em không có chuyện gì nhiều để bàn bạc, chưa có tài sản, con còn nhỏ, vợ chồng thường thống nhất ý kiến với nhau.
|
Ảnh minh họa |
Nay đã mười mấy năm, nhiều chuyện lớn như mua nhà, cho con đi học, cho người quen mượn tiền… chồng cũng hỏi ý em nhưng sau đó lại làm theo ý anh ấy.
Như chuyện cho em chồng vay tiền kinh doanh, khi anh ấy bàn, em đã nói rằng không đồng ý, phân tích rõ lý do… nhưng thực ra lúc đó anh ấy đã cho vay rồi.
Em rất bực vì việc bàn bạc, hỏi ý kiến vợ như chỉ làm cho có. Anh ấy hỏi làm chi nếu hỏi xong cũng làm theo ý mình? Đến khi hậu quả của những quyết định này ảnh hưởng đến cả nhà, anh lại bảo mình đã bàn bạc.
Em không muốn nhắc đi nhắc lại những chuyện đã xảy ra, người ta lại nói mình hay càm ràm. Làm sao để sắp tới những việc tương tự không tiếp tục xảy ra hả chị?
Bích Tuyền (TP.HCM)
Em Bích Tuyền thân mến,
Em có thể nhìn nhận khía cạnh tích cực của vấn đề: chồng em có đưa việc quan trọng của gia đình ra bàn bạc với vợ thật. Dù quyết định của cuộc bàn bạc đó không phải là quyết định em mong muốn vẫn đỡ hơn là chồng em không nói gì, tới khi chuyện xảy ra em mới chưng hửng vì không hay biết.
Vấn đề của em là củng cố hình thức bàn bạc và gia tăng sức nặng ý kiến của mình, đúng không?
Thật tốt là em đã không “càm ràm” mãi về những chuyện đã xảy ra, không thể đảo ngược quyết định được nữa. Vậy, em cứ coi như những việc đó đang diễn biến, mình tham gia bàn bạc tiếp.
Ví dụ việc cho vay tiền đã quyết, tiền đã chuyển, giờ còn lại việc thu hồi số tiền đó, mình chỉ bàn bạc việc này thôi.
Em nói chuyện với chồng để biết các điều kiện cho vay, thời hạn trả tiền, khó khăn thuận lợi thế nào, em chồng em có biết chị dâu cũng nắm khoản vay này không…
Hãy cố gắng kiên nhẫn thay vì chỉ trích, bởi mục tiêu là giúp được em chồng mà tài sản của mình không thất thoát.
Đối với những việc khác, mỗi khi chồng đưa ra bàn, em nên hỏi rõ từng chi tiết, đừng nóng vội quyết định, lắng nghe chồng nhiều hơn, rồi từ từ trình bày ý kiến của mình. Cố gắng tránh tranh cãi gay gắt, vì tranh cãi hay tạo điều kiện để người ta “quyết cho rồi” theo ý của người ta hơn là theo ý mình.
Phụ nữ mình còn có bí kíp: quản chặt các khoản dành dụm, đầu tư trong nhà. Ví dụ vợ đứng tên số tiền gửi ngân hàng, các khoản nào đang trên đà tiết kiệm thì không cần công bố, cứ lặng lẽ mà thu vén, chắt chiu.
Khi em nắm chặt các nguồn tiền, chồng có quyết định, vợ cũng phải đồng ý, tiền mới ra khỏi tay mình được. Đó là cách lâu dài để đảm bảo trọng lượng cho ý kiến của mình.
Tất nhiên, song song với việc nắm giữ kinh tế gia đình, em cũng phải xây dựng “không khí dân chủ” trong nhà, để lắng nghe ý kiến chồng con, tránh cảnh ông chồng ngán nhà độc tài vợ nên âm thầm gây quỹ riêng. Nền nếp trong nhà cần nhiều thời gian, công sức xây dựng. Chúc em thành công.
Hạnh Dung
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC:
Lệ Thủy (Long An): Nên có ý thức tự giác tôn trọng “gia quy”
Cảnh nhà chị nào khác nhà tôi. Có lần, chồng tôi cho em của anh ấy mượn tiền và khi cô em chồng cảm ơn, tôi mới tá hỏa, mới biết chồng mình có tiền riêng, mới biết có bao nhiêu thứ anh ấy giấu tôi. Lúc đó, tôi đã định gào lên như mọi lần nhưng “thắng lại” kịp.
Tôi nhận ra rằng, gào lên không giải quyết được gì. Sau lần đó, tôi đã chủ động ngồi lại cùng chồng bàn bạc, thống nhất một số việc vợ hoặc chồng có thể tự quyết và những việc vợ chồng phải cùng “hội ý” trước khi quyết định.
Tất nhiên giai đoạn đầu áp dụng hình thức này, giữa vợ chồng tôi cũng có những chệch choạc, nhưng sau một thời gian đã có sự thay đổi rõ rệt. Quan trọng là vợ chồng nên có ý thức tự giác tôn trọng “gia quy”.
Lan Anh (Thủ Đức): Hãy đóng cửa lại bảo nhau
Bạn khác tôi quá. Tiền bạc, tài sản trong nhà đều do tôi quản lý. Đàn ông thường đểnh đoảng lại hay mủi lòng, không khéo trong việc quản lý tài chính gia đình.
Việc bạn đã lỡ rồi, giờ mà đòi vùng lên cũng hơi khó. Tuy nhiên, dẫu khó cũng không thể lơ là như trước.
Giờ đây, việc bạn cần làm là tìm hiểu xem khi nào em chồng sẽ trả lại tiền, cam kết ra sao… Tiền đó cũng là tiền của bạn nên bạn đừng ngại ra mặt. Tất nhiên sự khéo léo của phụ nữ vô cùng cần thiết trong trường hợp này.
Tuyệt đối tránh để xảy ra xung đột với em chồng vì điều đó có thể dẫn đến xích mích giữa vợ chồng bạn, thậm chí với cả gia đình chồng. Hãy đóng cửa lại bảo nhau. Hãy dịu dàng nhất có thể. Từ nay bạn hãy cố gắng luôn trong tư thế giám sát khéo léo việc chi tiêu từ chồng.
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.