Chồng chỉ biết nói "tùy em"

30/03/2025 - 17:15

PNO - “Tùy em chứ, lỡ em hết tiền, lỡ không đúng, lỡ anh nói sai...", cứ như vậy, vợ trở thành người quyết định tất cả mọi việc.

Ảnh minh họa - Shutterstock
Ảnh minh họa - Shutterstock

"Tùy em, lỡ anh nói sai mất công em... chửi", đó là lý do mà chồng Hà thường xuyên biện minh cho việc không tham gia vào các quyết định trong gia đình.

Hà có thể tự hào rằng mình may mắn khi lấy được một người chồng hiền lành, nói gì nghe đó, tiền lương đưa hết cho vợ. Tuy nhiên, cái “hiền” ấy lại là một gánh nặng đối với cô. Hà than: “Chồng như cái bóng đi bên cạnh, việc lớn nhỏ cũng chờ mình quyết. Giờ hỏi đến việc gì cũng bảo tùy em. Rồi em bù đầu suy nghĩ, còn ổng khỏe re”.

Trước kia, chồng Hà rất năng động, anh luôn tham gia vào các quyết định trong gia đình, nhưng sau cú sốc thất bại khi hùn hạp làm ăn với bạn, vốn liếng tiết kiệm bay theo gió. Hậu quả là những cuộc cãi vã, những đêm không ngủ, vợ chì chiết, đòi ly hôn. Sau này anh cũng có đôi lần tham gia góp ý chuyện trong gia đình nhưng Hà cũng không tin tưởng mà gạt phăng đi. Kể từ đó, mỗi khi cần đưa ra quyết định gì, anh đều sợ sai. Giờ anh chỉ như một người đi làm thuê, đưa hết lương cho vợ là xong.

Yến, một đồng nghiệp của tôi, cũng đối mặt với tình trạng này. Mỗi sáng, cô đều đến công ty với khuôn mặt mệt mỏi vì cãi nhau với chồng.

Chồng Yến là người cảm tính, không logic trong nói chuyện, cũng như ra quyết định. Trái lại, Yến là một trưởng phòng kinh doanh, với sự phân tích, tìm hiểu, suy luận kỹ càng trước mỗi quyết định. Yến kể, có lần vợ chồng cãi nhau trước mặt bố chồng bởi cái tật "đến đâu hay đó" của chồng.

Chuyện là, ba chồng báo với anh ông lên khám bệnh, nhưng anh im ru, đến khi ba chồng xuất hiện trước cửa, Yến mới biết chuyện. Hỏi chồng ba bệnh gì, tính đi khám đâu, rồi ba lên mấy ngày để sắp xếp lịch nghỉ đưa ba đi chơi đây đó... anh ngớ người ra. Vậy là Yến lại phải ra tay, kèm theo câu thở dài: "sao anh cái gì cũng vợ!".

Yến nói với chúng tôi trong mệt mỏi: "Có tí việc cũng không xong!".

Nghe Yến kể vậy, tôi lập tức nghĩ về chồng tôi, anh cũng được tiếng "sợ vợ", cái gì anh cũng về hỏi vợ, kể cả chuyện nhỏ nhất như cho con ở lại nhà bà con, hay việc mua nhà, tính toán trả nợ...

Đôi lần tôi hỏi "anh sợ cái gì?", anh nói sợ tất cả, anh không dám quyết vì sợ tôi chửi... Tôi vốn thẳng tính, điều gì không thích, tôi hay oang oang trước người thân, hàng xóm... không giữ thể diện cho chồng. Vài lần như vậy nên anh ngại thể hiện ý kiến.

Kể chuyện vui vui với chúng tôi chê chồng vậy thôi, nhưng Yến nói sau này cô vỡ ra nhiều điều, nếu chồng mất đi sự tự tin của một người trụ cột, thì chính cô sẽ khổ.

Mới đây gặp tôi, Yến khoe rằng bây giờ cô vững tâm lắm, không chông chênh một mình trong mọi quyết định như trước. Gần đầy, vợ chồng đã có thể ngồi lại phân tích cho nhau hiểu. Cô chịu khó lắng nghe chồng nói thay vì gạt phắt như trước. Chồng Yến cũng đã biết chủ động bàn bạc với vợ những kế hoạch của bản thân, gia đình, nội ngoại...

Thật kỳ diệu, chỉ cần thay đổi nhỏ trong giao tiếp, mọi thứ đã khác đi. Chỉ cần một chút kiên nhẫn, lắng nghe và chia sẻ, mối quan hệ có thể trở nên vững vàng hơn. Câu chuyện của Yến cho tôi bài học trong gia đình mình. Đôi khi chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng, một cái nhìn thấu hiểu, hay một lần chủ động lắng nghe, trao tin tưởng... cũng chính là phương pháp để xây dựng hôn nhân bền vững.

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI