- Trên đời này, chị gặp người chồng nào ham học hỏi mà vợ ớn chưa ạ?
- Cũng tùy…
- Thế chồng mười lần đổi việc trong sáu năm?
- À…anh này rảnh dữ!
- Và mắc nợ chừng hơn nửa tỷ đồng mà cha mẹ vợ phải dang tay ra gánh?
- Vậy thì phải cảm ơn cha mẹ vợ anh ta đã quá tốt, tiền dư hổng biết để làm gì!
- Chị cứ đùa. Là chồng em đó. Nên mới tới hỏi chị có thể vợ chồng không ly hôn nhưng mạnh ai nấy chịu trách nhiệm với pháp luật không?
- Làm chi cho cực vậy? Sao không ly hôn quách cho rồi?
- Em… không muốn con vắng cha.
Em khóc. Trời, nước mắt người phụ nữ chưa ba mươi, lại có nhan sắc, có thiện ý với gia đình sao lại cắt vào lòng người đối diện những vết cứa như thủy tinh bể vậy.
Chồng em, hồi là anh sinh viên mới ra trường đi xin việc thì gặp em, con của sếp tổng nơi anh đang nộp đơn. Nói “gặp” thì cũng không đúng, là em bị tai nạn giao thông gần nơi ba em làm việc. Anh đã giúp đỡ em rồi quen nhau. Tất nhiên anh ấy khỏi qua mấy vòng phỏng vấn vẫn có một chỗ làm mà người khác phải nhọc nhằn mới có.
Công ty xây dựng của ba em, anh làm được tám tháng, cảm thấy mình “cứng nghề” nên xin nghỉ để làm riêng. Chuyên doanh của anh là đá hoa cương. Cũng có ăn có mặc. Rồi cưới em. Cha vợ cho hẳn 100 triệu làm vốn. Cùng lúc này, em phát hiện chồng ra trường nhưng “nợ bằng” và phải hoàn tất. Cha vợ té ngửa, nhận lỗi tại mình, hồi đó thấy nó nhiệt tình giúp đỡ con gái mình lúc gặp nạn nên không xem kỹ hồ sơ. Nhưng “ván đã đóng thuyền” nên ông bảo con rể nghỉ làm chủ cái “công ty con” đó ngay, về trường mà ôn luyện: “Bây mà lấy được bằng cấp trong năm nay, ba cho thêm 50 triệu”.
Thằng rể “dạ dạ” nhưng có học hành gì đâu nên “rớt cái độp”. Nó năn nỉ: “Thôi ba ạ, trên đời thiếu gì người không có bằng đại học vẫn làm việc ào ào. Ba thương con, thương bé Kun, cho con tiếp tục làm chủ công ty cung cấp đá hoa cương cũng đủ nuôi vợ con rồi”. Cha em ngậm bồ hòn gật đầu vì thấy đúng là “trên đời thiếu gì người không có bằng đại học”.
Nhưng chồng làm nuôi vợ con đâu không thấy, chỉ thấy vàng vòng trên người em từ từ không đội nón cũng ra đi bằng những lời dìu dặt của chồng: “Phụ anh làm ăn rồi mai này khá giả, anh sắm lại mấy hồi”. Khá đâu không thấy, chỉ thấy công thợ từ từ nghỉ hết. Ông chủ thì suốt ngày ôm con gà chín cựa.
|
Ảnh minh họa |
Công ty vỡ nợ, em giấu ba má nói là mất có 100 triệu đồng, chứ thật ra gấp ba lần. Ba em bảo, thôi bây không làm chủ được thì ra làm công cho tao. Ông giao chồng em làm “cai” 10 người thợ, đi công trình xa xa vì toàn người trẻ. Nhưng mới hai tháng mà lính lác kêu quá trời vì ngay cả tiền xăng xe, tiền cơm trưa, tiền công… “cai” cũng chi nhỏ giọt. Ba em giận quá, mắng một trận. Thế là chồng em bỏ, sang kinh doanh thực phẩm chức năng sau khi “mượn” mẹ vợ 50 triệu đồng để “lấy lại những gì đã mất”. Cũng thấy hàng về thùng thùng, thấy anh nghe điện thoại suốt ngày. Anh lại cho em biết, mặt hàng này “một lời một”.
Anh sống trong nhà vợ, cơm nước hằng tháng không phải đóng góp, cha vợ còn cho riêng một phòng làm “phòng giao dịch”, nhưng sao nghe nói hàng thực phẩm chức năng lời dữ lắm mà bao lâu rồi không đưa vợ đồng nào. Hỏi thì anh bảo: “Vốn đội vốn, vốn nhiều mới lời nhiều. Bao nhiêu tiền lời anh làm vốn hết rồi”.
Cho đến một ngày, hàng chục người đến tìm anh, họ là đại lý cấp hai, anh nhận tiền hẹn giao hàng mà hàng đâu không thấy, gọi thì không liên lạc được! Thời gian đó trùng khớp với dịp anh về thăm quê. Em mất một phen đi nửa chiều dài đất nước để tìm chồng. Hóa ra, anh đã bị “công ty lớn” nợ tiền, nên đành trốn nợ. “Cú” này có 120 triệu đồng chứ mấy!
Ba em xót tiền, xót con, bảo: “Thôi con cứ về làm bảo vệ cho công ty nhà mình là an tâm nhất”. Nhưng anh bảo vệ lúc này lại học môn thể thao thời thượng: đánh tennis. Tiền vợt, tiền phục trang, tiền thuê sân… mỗi ngày hàng trăm ngàn. Lương bảo vệ xem như “cúng” vào mấy cái sân quần vợt, còn làm việc thì cứ nghỉ sớm đến muộn.
Một lần, chưa đến giờ giao ca đêm cho bảo vệ mới mà anh đã bỏ đi “cho kịp giờ quyết đấu”. Kẻ trộm vào lấy hết mười cái ổ cứng máy vi tính của công ty. Nào tiền sắm lại, nào dữ liệu bị mất… công ty ba em một phen lao đao xính vính. Em cự nự, anh nói em “được voi đòi tiên”, chồng người ta ham bài bạc, gái gú, rượu chè, còn anh buông cái này bắt cái kia, lâu lâu ham học hỏi chút đá gà, chơi quần vợt mà em cũng cằn nhằn!
Ba em bảo, có sống với anh suốt đời cũng ngóc đầu không nổi bởi tay ấy là “phá gia”. “Bây nên nghĩ lại đi, giả như tao với mẹ bây chết bất đắc kỳ tử thì ai sẽ dang tay ra nữa?”, ba nói thế, em thấy cũng đúng, nhưng mà em sợ con mất cha, thiệt thòi. Bởi vậy nên em không muốn ly hôn, chỉ muốn từ nay anh ấy có làm việc gì sai quấy với xã hội thì tự chịu trách nhiệm chứ không liên quan tới vợ con hay ba mẹ vợ. Có quy định nào của pháp luật như vậy không chị?
Tôi hẹn em ngày mai sẽ trả lời dù chính tôi cũng không biết. Em ra về mà nước mắt còn rớt lại.
Thùy Phương