Ở làng Thanh quê tôi, mọi người thường không xưng “tôi”, “tớ”, “mình”, “tao”… mà xưng “ta”. Vì vậy, đại từ nhân xưng “chúng ta” ở làng Thanh quê tôi lại không hàm nghĩa tất cả chúng ta như lẽ thường, mà chỉ nói chung về một số phụ nữ. Đây là câu chuyện về những phụ nữ ở một vùng nông thôn Bắc bộ đã mất đi người đàn ông của cuộc đời họ.
Sai lầm khủng khiếp
Con gái làng tôi nếu cô nào không học trung học phổ thông thì sẽ luôn bị hỏi thăm là “sắp lấy chồng chưa?”. Người làng cứ làm như việc lấy chồng là một thứ đức hạnh cao quý và quan trọng nhất của một cô gái, cô nào không lấy đó làm mục tiêu của đời mình thì coi như đồ bỏ đi.
Đến tuổi hai mươi, nếu cô gái vẫn chưa có người đặt vấn đề hỏi cưới, thì câu hỏi ấy sẽ chuyển sang một hình thức nặng nề hơn, thể hiện rõ sự khinh thường: “Thế mày vẫn chưa có thằng nào dòm ngó đấy à?”.
Sai lầm khủng khiếp mà hầu hết phụ nữ làng tôi đã tự vơ vào mà ôm khư khư là cái cách nghĩ không có chồng là một tội lỗi, một thất bại lớn nhất của đời người phụ nữ. Vì thế, bằng mọi giá họ cố tìm cho ra một người đàn ông, mà lắm khi chẳng đáng mặt làm chồng mình chút nào, và chấp nhận để cho kẻ đó cùng họ hàng anh ta hành hạ. Người phụ nữ tự nguyện dâng cả đời mình cho những người dưng, mà cô coi là gia đình của cô, gồm chồng, cha mẹ chồng, anh chị em chồng, chú bác cô dì chồng…tha hồ hành hạ.
Cô tự an ủi, làm đàn bà thì phải thế. Cô tự xoa dịu những vết thương lòng mà người ta gây ra cho cô bằng cách nghĩ rằng, phụ nữ nào cũng thế, cũng phải hy sinh và chịu đựng thật nhiều, rồi cuối đời cô sẽ được thưởng “huy chương” dâu hiền vợ đảm. Cô thậm chí còn hãnh diện vì những hy sinh của mình, vui vẻ để người ta dập mặt mình xuống đất và thoải mái hít thở không khí dưới gót chân những kẻ hành hạ.
Dân gian từng có câu đầy chất tự trào “Khổ quen rồi, sướng không chịu nổi”. Phụ nữ làng tôi cũng thế, nhưng rất thật lòng. Họ đã quen với nỗi khổ bị chà đạp, hành hạ, lợi dụng và vắt kiệt sức lực. Đến nỗi, khi lấy chồng họ không chỉ mất luôn cái tên thời con gái, được gọi bằng tên của chồng, mà còn mất cả cuộc đời với những nhu cầu và mơ ước riêng tư.
Họ đánh đồng cuộc đời và mơ ước của mình vào “sự nghiệp” vì chồng con chung chung. Việc phục vụ cho chồng con trở thành thói quen, triệt tiêu dần đời họ, mà chính họ cũng ý thức rõ.
Còn gì để mất?
Chị G. suốt một đời làm giáo viên ở làng, không ra khỏi huyện ngày nào, trừ cái lần cơ quan cho đi Đồ Sơn nghỉ mát. Chị đã phục vụ chồng con miệt mài suốt 30 năm, chưa bao giờ đi xem phim ngoài rạp, mua một bộ mỹ phẩm, việc du lịch đây đó càng không dám nghĩ đến.
Nghỉ hưu, chị lại tiếp tục dành toàn bộ thời gian chăm chồng, chăm cháu, chăm luôn cả con dù con cái đã có gia đình riêng. Ai cũng thế thì chị cũng thế thôi! Chị đâu biết thật ra mình đã chết lâu rồi, chỉ còn tồn tại như cái chổi cho người ta dùng, như tấm thảm cho người ta chùi chân.
Một ngày, chồng chị lăn ra chết vì đột quỵ. Chị không hề biết đó là ngày mình được giải thoát, mà cứ ngỡ mình đã mất hết. Chị thẫn thờ hơn một năm, chẳng biết mình phải làm gì. Cái thói quen cúc cung phục vụ chồng đã khiến chị hụt hẫng khi không còn đối tượng để phục vụ nữa, chị lại không biết tận hưởng cuộc sống là như thế nào.
Chị cũng không biết, thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình giờ đây đã thật sự lại là của chính mình, tự do, muốn làm gì thì làm, không vướng bận, không bị ai ràng buộc, cấm đoán.
Thật may, chị G. được một người bạn thời phổ thông rủ đi nước ngoài chơi. Chị cũng đánh liều theo bạn. Chuyến đi đã mở mắt cho chị. Chị thấy tiếc mình, tiếc đời, tiếc sao mình từng sống dớ dẩn như thế? Sao mình không đi nhiều hơn, mở mắt to hơn mà học hỏi, mà tận hưởng, mà biết quý trọng chính cuộc sống của mình?
Từ đó, chị thường xuyên đi đó đây. Nghe có người trách sao không ở nhà trông cháu, sao phá tiền như thế, chị đã biết trả lời: “Những phụ nữ mất chồng như chúng ta chẳng còn gì để mất nữa. Tiếc gì mà không đi!”.
Thật ra, chị lại sai lầm thêm lần nữa - coi chồng là tất cả đời mình. Nói cho chính xác là chị đã chẳng còn gì để mất kể từ khi lấy chồng, vì việc phục vụ chồng con đã chiếm mất cuộc đời chị. Chị đã không còn đời riêng từ ngày đó, chỉ còn phục vụ, phục vụ và phục vụ. Đến khi không còn đối tượng chính để phục vụ, chị mất luôn cái mà chị cho là ý nghĩa của đời mình chị. Chị trống rỗng!
Chị N. thì đánh đồng việc phục vụ chồng với hạnh phúc. Khi chồng chạy theo một cô gái khác, lẽ ra phải vui vì được giải thoát, vì từ nay đã có thể dành tâm sức phục vụ bản thân, sống với những gì mình mong muốn; chị lại điên đảo ghen tuông để giành lại người đàn ông không đáng đó. Mù quáng, chị đã đánh mất cơ hội được tìm lại mình, vật vã theo con người không đáng ấy, cả khi anh đã rời bỏ chị.
Lẽ ra, chị nên dành thời gian để chữa chứng thấp khớp hành hạ chị bấy lâu, chăm vườn hoa hồng chị ưa thích, du lịch đó đây, ung dung xem kịch, xem cải lương như mong ước từ thuở nhỏ… thì chị lại đau đớn than thân trách phận, gọi điện nhắn tin nài nỉ chồng quay về, nhốn nháo tìm chồng, đánh ghen.
Thương cho chị, đã có cơ hội tìm lại chính mình mà không thể nắm bắt, bởi ý thức chết đã lâu, chỉ thân xác là còn tồn tại, để phục vụ chồng…
Sống như các chị, có khác nào đã chẳng còn gì để mất!
Kiều Bích Hậu