Chông chênh đạo diễn sân khấu trẻ

05/08/2019 - 15:35

PNO - Từng có lúc sân khấu kịch thành phố nhộn nhịp với nhiều tên tuổi đạo diễn trẻ, thậm chí có người gây chú ý ngay ở vở tốt nghiệp. Nhưng rồi, những kỳ vọng về họ cứ mất dần, để lại một khoảng trắng mênh mông…

Nhạt nhòa đạo diễn trẻ 

Những năm gần đây, tên tuổi đạo diễn trẻ rải rác xuất hiện ở các sân khấu: Bảo Châu (Nụ Cười Mới), Diệp Tiên, Di Dương (sân khấu Hồng Vân), Nguyễn Tấn Giàu, Hứa Mẫn, Quang Huy (Thế Giới Trẻ), Lê Hoàng Giang (Idecaf), Quốc Thịnh, Tuyết Mai (Hoàng Thái Thanh), Công Danh (Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ)…

Bên cạnh một số bản dựng khá tròn trịa như Con ma nhà họ Hứa (Quốc Thịnh, Tuyết Mai), Tiền là số 1? (Công Danh), Mơ giấc tình tình (Lê Hoàng Giang)… đa phần các đạo diễn trẻ khá nhạt nhòa, lặp lại chính mình và thiếu sáng tạo. Mẫu số chung ở họ là thiếu vốn sống, trải nghiệm, dẫn đến hời hợt trong dàn dựng, xử lý tình huống, cao trào của vở diễn, tính cách nhân vật và non tay trong công tác diễn viên, tổ chức sân khấu…

Chong chenh dao dien san khau tre
Một cảnh trong Con ma nhà họ Hứa

Công thức phổ biến trong nhiều tác phẩm của họ là la hét, gào khóc khi buồn đau, tức giận; kịch ma thì bóng trắng vật vờ, âm thanh hết cỡ. Có lúc tình huống kịch chẳng có gì, đạo diễn vẫn cứ “hù” khán giả bằng thứ âm thanh chói lói, đột ngột.

Thật khó chấp nhận những xử lý ngô nghê đến mức dù là tình huống bi kịch hoặc cao trào, nút thắt của vở diễn, khán giả vẫn phì cười. Vợ một giám đốc công ty đào tạo tài năng nổi tiếng, sẵn sàng chi tiền hỗ trợ những tài năng trẻ gặp khó khăn bỗng có lối hành xử hệt như giang hồ bắt cóc, tống tiền chỉ vì ghen tuông vô lối. Bà mẹ hiền lành, cả đời hy sinh cho con, đột ngột “hóa rồ”, la hét, đuổi con khỏi nhà, chỉ vì con không theo nghề bà chọn mà quyết theo đuổi đam mê riêng.

Đành rằng có bột mới gột nên hồ, khó có vở diễn hay khi kịch bản quá non yếu, nhưng nếu biết chăm chút và đầu tư nghiêm túc, đạo diễn vẫn có thể xử lý những điều bất hợp lý thành bản dựng chấp nhận được.

Cũng có vở diễn được đánh giá tốt, nhưng người trong nghề biết đó là nhờ sáng tạo của những diễn viên giỏi nghề, dấu ấn đạo diễn gần như không có gì ngoài cái tên trên poster quảng cáo.

Trách các đạo diễn trẻ, nhưng chỉ thế thì chưa công bằng. Đời sống sân khấu thành phố đơn điệu, đa phần tác phẩm thiên về giải trí, chiều chuộng thị hiếu công chúng, hiếm có vở đạt cả yếu tố nghệ thuật lẫn giải trí. Đạo diễn mới ra trường, chông chênh giữa nghệ thuật và giải trí hoặc vì áp lực áo cơm, do tư duy làm nghề dễ dãi… đã cho ra đời những tác phẩm kém. Những người không thỏa hiệp thì không có môi trường, điều kiện để sáng tạo, đành chọn rẽ sang lối khác, chờ cơ hội trở lại với sân khấu.

Tiếc những hạt mầm xanh

Sáu năm trước, ở cuộc thi Tài năng đạo diễn sân khấu trẻ 2013, hai tên tuổi đạo diễn nổi lên như hiện tượng là Nguyễn Khắc Duy và Phan Nhật Phi Long. Nếu Nguyễn Khắc Duy ít nhiều vẫn còn gây tranh cãi do vở nhạc kịch Chicago (Khắc Duy chỉ biên tập, dàn dựng lại bản thu nhỏ) vốn đã là tác phẩm hoàn chỉnh của sân khấu Broadway thì Phi Long chiến thắng tuyệt đối nhờ những thủ pháp dàn dựng, cách xử lý sân khấu mới trong Xin một cái tên - tác phẩm đầy tính thời sự về vấn nạn phá thai của giới trẻ.

Chưa đầu quân cho sân khấu nào, nhưng Trần Minh Tuấn với vở nhạc kịch Những người khốn khổ (2017) và Minh Nhật với Hiu hiu gió bấc (2018) vẫn được khán giả lẫn giới làm nghề chú ý và đánh giá cao.

Chong chenh dao dien san khau tre
Hiu hiu gió bấc - vở diễn được đánh giá cao ở Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 và tiếp tục lấy nhiều nước mắt của khán giả trong những suất diễn sau liên hoan

Rất tiếc, họ lại không đi được bao xa, vì nhiều lý do khác nhau. Người đi được xa nhất và để lại nhiều dấu ấn nhất đến nay chỉ có Nguyễn Khắc Duy qua các tác phẩm gắn liền với “thương hiệu” Buffalo: High school musical, Tuyết đỏ, Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám… Nhưng sau Thủy Tinh - đứa con thứ 101 ra mắt tháng 7/2018, Nguyễn Khắc Duy đã lặng lẽ chia tay với các dự án sân khấu và chưa hẹn ngày trở lại.

Không may mắn và có nhiều điều kiện để gắn bó với sân khấu như Nguyễn Khắc Duy, các đạo diễn trẻ khác như Phi Long, Trần Minh Tuấn, Minh Nhật… vẫn phải “ẩn mình” chờ cơ hội sau tác phẩm tốt nghiệp, dù bài tốt nghiệp đủ sức chứng minh khả năng của họ. Sau Những người khốn khổ, Trần Minh Tuấn trở lại với “nghề”  bán trà sữa và tiếp tục ấp ủ giấc mơ về một nhà hát nhạc kịch mà mỗi mùa trong năm sẽ có một vở theo chủ đề, đặc biệt là những vở nhạc kịch mùa hè đầy màu sắc dành cho thiếu nhi…

Sân khấu không thiếu những người trẻ tài năng, nhưng cơ hội để họ khẳng định bản thân lại quá hiếm. Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM được thành lập từ năm 1993, nhưng ngay từ tiêu chí xét chọn “ưu tiên các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc tại các cuộc thi, giải thưởng cấp thành phố, toàn quốc và quốc tế…” đã đặt những tài năng đạo diễn trẻ ra ngoài cuộc.

Tính từ năm 2006 đến nay, mới chỉ có hai cuộc thi dành cho các tài năng trẻ đạo diễn sân khấu. Những tài năng, sáng tạo được phát hiện từ các tác phẩm tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM không có cơ sở để được xét ở Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM. Liệu thành phố còn phương án nào để không lãng phí nguồn lực đạo diễn - thành phần quan trọng của những tác phẩm sân khấu chất lượng, góp phần vẽ lại diện mạo của sân khấu thành phố trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam? 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI