Chống cháy rừng kiểu 'tay không bắt giặc'

10/07/2019 - 07:29

PNO - Lúc đó, khoảng 23g tối 8/7, kẻng báo động lại liên hồi thúc lên lần nữa. Rừng đang cháy, hơn 500 người đang vật lộn với lửa. Nhưng kẻng lần này là thúc chuyện khác: chuyển đồ đạc mau, và chạy. Lửa tới sát lưng nhà rồi...

Mong nước chữa cháy từ… trời

“Ai cũng hoảng, con nít đang ngủ bị dựng dậy, khóc thét. Con nít, phụ nữ chạy trước, mình gom đồ đạc có giá trị chút, cũng chạy qua phía sau đường. Giờ về lại nhà rồi, nhưng đêm nay không biết có ngủ được không” - anh Phan Hùng kể lại với đôi mắt thiếu ngủ, cả đêm vừa dập lửa cùng mọi người, vừa thấp thỏm lo lửa lan đến nhà.

Hơn 20 hộ sống dưới chân núi Nầm (xã Sơn Châu, H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã trải qua một đêm kinh hoàng như thế.

Bữa trước trời mưa, đâu được mấy ngày thì nắng trở lại, thế là cháy. Trưa nắng như đổ lửa, “nó” nhằm lúc đó mà cháy. Xúm lại dập, lực lượng từ xã đến tỉnh ào ào, đến 14g, lửa tắt. Chưa kịp thở, ăn tối xong, tưởng chừng được ngả lưng, ai ngờ gần 22g, lửa sáng rực trời.

Chong chay rung kieu 'tay khong bat giac'
Phát đường băng cản lửa, biện pháp được xem là tối ưu trong điều kiện cháy diện rộng và gió thổi mạnh ở Hà Tĩnh

“Vừa dập lửa, vừa chuyển dân, nói thật, chúng tôi lo quá, nó mà cháy lan rộng chắc nguy to. Chỗ đám cháy lại gần đường dây điện 35kV nên điện lực đã phải tạm thời cắt điện. Bà con hoảng lắm. Sau lần ni, chắc phải cảnh giác hơn rồi” - ông Cù Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Châu, nói.

Rừng bị cháy là rừng thông, keo do dân trồng, thiệt hại đang được thống kê. Theo ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND H.Hương Sơn - núi Nầm cháy trở lại do còn sót tàn tro của những điểm cháy trước, khi gió Lào thổi mạnh lên thì bén lửa, lan ra nhiều nơi.

Những vạt rừng xanh um là tài sản, chứa bao hy vọng của người dân suốt ngày bám rừng để sống, nay trở thành tro bụi. Lửa đã thiêu sạch. Nó không bùng thành ngọn nữa, nhưng lắm chỗ tàn đỏ còn nguyên. Núi cao, lớp thực bì dày, cộng cái nắng như đổ lửa.

“Kiểm lâm trực 100%. Lửa đã dập rồi nhưng đâu dám lơ” - ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Kiểm lâm H.Hương Sơn, giọng khản đặc vì cả đêm chỉ huy chữa cháy. Ai đó vừa nói: “Đài dự báo đêm nay miền Bắc sẽ mưa giông lớn”. Nhiều tiếng nhao nhao: “Có mưa ở mình không?”.

Tôi nghe họ nói, nhìn những tàn tro bốc lên bỏng rát theo gió, đầu óc như đặc nghẹt đi vì buồn. Lần trước, cháy lớn ở H.Nghi Xuân, mưa như vàng, thiếu điều nhảy lên mừng. Chỉ có nước từ trời xuống mới dập nhanh và hết lửa.

Chống lụt, chống cháy: bên trọng, bên khinh

Với trận cháy này, số vụ cháy rừng được cộng thêm thành 14 vụ chỉ trong vòng hơn một tháng qua tại Hà Tĩnh. Dù chưa có con số thống kê cụ thể, 13 vụ cháy rừng trước đó đã khiến hơn 267ha rừng bị ảnh hưởng, trong đó khoảng hơn 71ha không thể phục hồi… Nếu không mưa, tiếp tục sống với chảo lửa, thì sao nữa?

Chong chay rung kieu 'tay khong bat giac'
Ông Hà Văn Thạch, cán bộ Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà bị bỏng nặng khi cùng đồng nghiệp đến dập lửa cứu rừng - Ảnh: Thuận Hóa

“Dụng cụ thì chừng đó, cuối và đầu tháng đã mang rựa đi chặt đường băng cản lửa, về chưa kịp cất, nay lại mang ra, như đánh giặc mà, có gì dùng nấy” - ông Nguyễn Định ở xã Nghi Xuân, nói. “Chú nghĩ mà coi, bộ đội, kiểm lâm, công an chữa cháy cũng chỉ có rựa, thì mình làm rừng cũng chỉ có rựa thôi, máy móc làm chi có”. Thật thảm.

Tôi đã nghe tâm tư não nuột trên từ cán bộ, là ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh - sau bữa cháy hàng trăm héc-ta rừng ở Nghi Xuân rồi Hương Khê, Hương Sơn: “Bão lụt, khi đi phòng chống được tỉnh cấp nguồn (kinh phí), còn phòng chống cháy rừng không có một nguồn nào của tỉnh. Do đó, cần phải hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng đi chữa cháy rừng.

Ngoài ra, cần bố trí kinh phí cho các địa phương để thu gom thảm thực bì tại các khu rừng trọng điểm và đặc biệt là làm các đường băng cản lửa lớn trên rừng. Đường băng cản lửa phải 100, 150m. Bởi như vừa qua, một số đường băng 50m đã không thể cản được lửa, gió Lào thổi mạnh nên nó vẫn vượt qua và cháy lại” - ông Huấn nói.

Rõ là bên trọng, bên khinh. Lực lượng không thiếu, không giẫm đạp, chồng chéo, chỉ mỗi việc là dập lửa, nhưng địa hình hiểm trở, xe cộ thúc thủ, chỉ còn người với cây gậy, rựa, máy cưa xăng, hiện đại hơn tí nữa là ống thổi, cứ ngược dốc mà tìm tới, nên dù đông người, vẫn cản không nổi giặc lửa.

Cần phương tiện chữa cháy lẫn quy hoạch phòng cháy

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa xảy ra cháy rừng. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn -  Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh này - như chẳng hề bất ngờ trước câu chuyện thiết bị và phương thức chữa cháy ở miền Trung: “Cần trang bị nhiều máy phun gió để khoanh lại đám cháy trước, vì đám cháy ở đây diễn ra vào mùa khô khi gió Lào mạnh. Lúc này, máy phun gió sẽ hạn chế rất nhiều sự lan nhanh của đám cháy. Ngoài ra, phải trang bị thêm máy cưa xách cho các lâm trường, hạt kiểm lâm và các đội bảo vệ rừng chuyên trách để cách ly đám cháy”.

Cũng theo ông Tuấn, lực lượng kiểm lâm ở miền Trung mong có các xe nhỏ chở nước đa năng chạy được trên đường rừng. Xe này vừa chở các bình nước nhỏ, len lỏi vào được các khu vực rừng hoặc có thể vận chuyển, tiếp tế thức ăn, nước uống cho lực lượng đang tham gia chữa cháy trong những khoảnh rừng sâu, khó vào.

Chong chay rung kieu 'tay khong bat giac'

Ai có dịp đi rừng nhiều, có len lỏi tìm hiểu chuyện trồng rừng, rồi nhìn bản đồ lâm nghiệp, sẽ thấy thảm xanh ở mình được trồng chẳng khác chi chuyện xây lấn trái phép ở thành phố.

“Không sai” - ông Tuấn gật liền - “Điều căn bản nhất là phải có quy hoạch các khu vực rừng trồng. Khi thấy chỗ đất rừng còn trống, dân họ cứ trồng. Họ trồng cả dưới đường dây điện 500kV, đã được cảnh báo nguy hiểm, nhưng có ai ngăn cản đâu. Theo tôi, cũng cần trồng nhiều chủng loại cây, không trồng đơn loài, để hạn chế thiệt hại khi cháy”.

Có một chuyện như góp thêm vào nguyên nhân chữa cháy không hiệu quả. Ở Nghệ An, sau khi xảy ra cháy rừng tại H.Nam Đàn, ngày 30/6, trong cuộc họp với Đảng ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - Nguyễn Đắc Vinh - đặt câu hỏi: “Tại sao lại không lập sở chỉ huy để chữa cháy?”.

Ông nói tiếp: “Theo tôi, chữa cháy rừng chẳng khác gì đánh trận cả, phải có phương án chỉ huy, tác chiến, phải có bản đồ khu vực để lên phương án chữa cháy, khống chế lửa, phân công cụ thể. Không chỉ trong công tác chữa cháy, việc sơ tán người dân cũng phải theo quy định. Như hôm cháy rừng ở xã Nam Kim, lửa đã lan đến sát nhà nhưng dân không chịu sơ tán. Kiểm lâm phải vào vận động. Trong trường hợp này, theo quy định, phải đưa công an vào cưỡng chế sơ tán người. Còn về tài sản, lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm di dời”.

Còn đại tá Trần Văn Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An - thừa nhận: “Đơn vị cũng thường xuyên tập huấn về phòng, chống cháy rừng, nhưng khi xảy ra thực tế thì học không đi đôi với hành”.

Nhà nước đấy, đủ ban bệ từ trên xuống, nhưng cứ dàn hàng ngang mà dùng cây đập lửa, la hét đến khản cổ, thì có triệu người cũng vậy thôi. Căn nguyên của việc chữa cháy rừng không hiệu quả là Nhà nước hô hào mạnh nhưng xem nhẹ, bỏ qua, chỉ khi nào cháy mới thúc trống, hú còi.

Khó bảo vệ rừng khi ý thức còn kém

Nhà nước vậy, còn dân? Người ở rừng thì phải bám rừng, trồng rừng, chính họ chứ không ai khác, là người đầu tiên giữ lửa và canh lửa. Chỉ một phút sơ sểnh, mọi thứ sẽ tan tành trong biển lửa.

“Qua rồi thời dùng củi rác để nấu. Chừ bà con dùng bếp ga, điện, nên thực bì không được dọn, dính lửa là cháy liền. Rừng ngó rứa chứ chẳng ăn thua với lửa, ném tàn thuốc, đốt thực bì mà bỏ về là cháy chắc luôn” - ông Nguyễn Văn Linh, ở xã Xuân Hồng, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quả quyết.

Chong chay rung kieu 'tay khong bat giac'

Đây là câu chuyện ý thức, gay go như bất kỳ một câu chuyện xã hội nào mà tên gọi của nó là vô cảm với cộng đồng, với tự nhiên. Cháy rừng là do người dân tấn công vào tự nhiên, tấn công chính mình. Đi rừng mà mang theo lửa là khởi nguồn cho thảm họa mùa nắng. “Không tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm soát chặt người ra vào rừng là nguy cơ…” - ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An), nói trong lo lắng.

Vậy, để dân sống gần rừng hay quy hoạch xa ra, để khi cháy, không ảnh hưởng đến mạng người? “Chú nói hay hè? Dân tui làm rừng mà không ở rừng thì ở mô?” - ông Lê Tấn Lợi, ở xã Quế Lâm, H.Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hỏi ngược.

Còn ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế - lắc đầu: “Việt Nam chưa có quy hoạch cụ thể về việc dân cư phải sống xa khu vực rừng. Như ở Mỹ, rừng cảnh quan bao giờ cũng gắn bó với dân, việc dân ở trong rừng là điều bình thường, quan trọng là làm thế nào để người dân đó phòng cháy, tham gia chữa cháy rừng.

Một khi xảy ra cháy, dân phải tự tìm cách vận chuyển đồ đạc, tài sản khỏi khu vực cư trú để lực lượng chữa cháy rừng làm nhiệm vụ. Còn ở mình, khi đám cháy bắt đầu có dấu hiệu lan qua khu dân cư, lực lượng chức năng mới động viên, di dời dân”.

Ngày hôm nay, miền Trung vẫn bỏng rát vì nóng. Lạy trời đêm nay, ngày mai, không có thêm những cuống cuồng la hét thúc nhau chống giặc lửa…

Nhóm phóng viên miền Trung

Vẫn chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong sáu tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, trong những vụ cháy gần đây, việc khống chế lửa không đạt được tiến độ như mong muốn.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nói: “Biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng phải phù hợp, hiệu quả chứ không phải biểu dương lực lượng”.

Theo đó, việc dùng máy bay không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện các đám cháy rừng vừa qua tại miền Trung do phạm vi rộng và sức gió quá mạnh. Bên cạnh đó, hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra ở vùng núi cao, địa hình khó khăn nên khó sử dụng các phương tiện cơ giới hiện đại. Phương pháp thủ công vẫn hiệu quả và kịp thời nhất.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng phương tiện hiện có như máy thổi gió, cưa xăng đúng cách, có thể làm tốt công tác chữa cháy. “Việc chữa cháy rừng là trách nhiệm của nhiều lực lượng. Phương châm chủ đạo là “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ” - ông Trị nói.

Tuy nhiên, ông Trị cho biết, cũng chưa hài lòng với hệ thống thiết bị đang có. Bởi thực tế, tại nhiều địa phương, máy thổi gió hay cưa xăng cũng chưa được trang bị đầy đủ.

Huyền Anh (ghi)

Cháy làm lộ rừng nghèo kiệt

Theo một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực bảo vệ rừng, đến nay, tại Việt Nam, công tác bảo vệ rừng nói chung cũng như phòng chống cháy rừng nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Vị chuyên gia này cũng nhận định, qua các vụ cháy rừng, mới thấy thực trạng đáng buồn về rừng ở Việt Nam.

“Đối với rừng nguyên sinh, cây đa dạng, có độ che phủ lớn và độ ẩm cao, rất khó xảy ra cháy. Trong khi đó, các rừng nghèo kiệt lại rất dễ xảy ra cháy vì cây nhỏ, mật độ che phủ ít, độ ẩm thấp, ít loại cây. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi tính đa dạng của các loài cây càng thấp thì nguy cơ cháy rừng càng cao” - ông giải thích.

Cũng theo vị chuyên gia nói trên, qua các vụ cháy rừng liên tiếp ở miền Trung vừa qua, cần xem lại các vấn đề về quản lý và bảo vệ rừng: “Nhất là trong bối cảnh các đơn vị nhà nước bị cắt giảm biên chế, ngân sách hạn hẹp như hiện nay, Nhà nước nên xem xét, chuyển mô hình quản lý rừng theo địa bàn hành chính (xã, huyện, tỉnh) sang quản lý rừng theo lưu vực.

Ví dụ như trên một lưu vực sông, có thể thành lập một ban quản lý rừng và trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, vừa quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, vừa kinh doanh dịch vụ, phát triển vốn rừng mà Nhà nước không phải hỗ trợ ngân sách”.

Theo ông, cũng có thể thử nghiệm mô hình khác, như giao rừng (tự nhiên) cho doanh nghiệp, kiểu như hợp tác công tư. Chẳng hạn, giao cho các công ty thủy điện (bậc thang) đầu tư quản lý, bảo vệ rừng trên lưu vực thủy điện để họ lấy nước sản xuất điện, kể cả nuôi cá trên hồ nhưng nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng thì đưa vào quỹ hỗ trợ phát triển sinh kế cho dân địa phương, hoặc đầu tư cảnh quan xanh và chia sẻ lợi ích.

Hoàng Nhiên (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI