Chồng cắt tiền nuôi con vì vợ không… ly hôn

02/03/2021 - 05:51

PNO - Chồng cho rằng em cố níu kéo để bòn rút tiền bạc của anh ấy, nên mấy tháng nay đã cắt về kinh tế. Anh không đưa tiền, một mình em xoay xở nuôi con.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em đang đứng trước một quyết định quan trọng: chia tay hay tiếp tục chung sống với chồng.

Tuổi đã ngoài ba mươi, tình cảm không còn bồng bột như thời trẻ, điều em lo lắng suy nghĩ nhiều nhất là các con.

Hai con em, đứa 14 tuổi, đứa 12 tuổi, đều đang giai đoạn dậy thì. Bản thân em cũng là đứa trẻ lớn lên trong gia đình tan vỡ. Những ký ức về thời kỳ ba mẹ em chia tay thật đau đớn, thậm chí em còn nhớ cảm giác xấu hổ nhục nhã khi chỉ mẹ đến trường đón mà không có ba. 

Người lớn chúng ta có đủ lý do để ai đi đường nấy. Chúng ta nghĩ vậy cũng tốt cho con cái, các con khỏi phải sống trong một gia đình giả dối.

Người lớn chúng ta có đủ lý do để ai đi đường nấy- Ảnh minh họa
Người lớn chúng ta có đủ lý do để ai đi đường nấy- Ảnh minh họa

Nhưng thực tế, việc cha mẹ ly hôn với con trẻ, là một quãng đường trưởng thành bằng nước mắt. Những gì tượng trưng cho một tuổi thơ êm đềm, được yêu thương bảo bọc, bỗng nhiên biến mất. Những ông bố bà mẹ hiền lành, thương con ngày xưa không còn, thay vào đó là những người rượu chè, cay cú, hằn học…

Hay như mẹ em hồi đó, bà luôn khóc lóc, than thở và đổ mọi thất bại, thua thiệt lên đầu mấy đứa con. 

Rồi thì những lần “thăm nuôi” và làm quen với gia đình mới của ba, của mẹ, khiến em thấy mình thừa thãi và trở thành gánh nặng. Vết hằn ấy trong em quá đau đớn, nên em thực lòng không muốn lặp lại với các con.

Nhưng tình cảm vợ chồng em nay không còn, sống chung chỉ là danh nghĩa. Chồng cho rằng em cố níu kéo để bòn rút tiền bạc của anh ấy, nên mấy tháng nay đã cắt về kinh tế. Anh không đưa tiền, một mình em xoay xở nuôi con.

Anh ấy bảo nếu em chấp nhận ly hôn, anh sẽ đồng ý trợ cấp. Em không biết tính sao đây…

Linh Nhi (TP.HCM)

Em Linh Nhi thân mến,

Em nghĩ tới các con rất nhiều, nghĩ tới vết hằn trong tâm hồn khi cha mẹ ly hôn, có khi nào em nghĩ rằng trong những gia đình mà cha mẹ kéo dài cuộc hôn nhân giả tạo, vết thương bên trong những đứa trẻ cũng đau đớn, cũng hằn sâu bỏng rát như vậy không? 

Mình không biết chắc được cái nào xấu hơn, cái nào tốt hơn. Nhưng có một điều em có thể biết rõ: sai lầm nào của người lớn trong suốt thời kỳ ly hôn đó sẽ làm cho con trẻ tổn thương. Em hãy nghĩ về hướng giảm thiểu những đau đớn đó, hơn là nghĩ tới giải pháp mà có thể kết quả cũng tệ như vậy. 

Cuộc hôn nhân của em đã không còn tình yêu. Không thể lấy lý do tình cảm với con cái để níu kéo một cặp vợ chồng đã cạn tình. Thực tế em cũng thấy rồi, cũng không thể lấy lý do quyền lợi của các con để níu kéo một người chồng, người cha. Chồng em thực sự rất quá đáng khi cắt nguồn kinh tế để “mặc cả” với em. Vậy em còn mong chờ gì nữa?

Hãy mạnh mẽ và quyết định dứt khoát. Em từng bị thương, những vết thương từ cuộc ly hôn của cha mẹ. Cũng có nghĩa là em biết cách chữa lành vết thương để tiếp tục sống. Trưởng thành nào không đau đớn, em hãy dạy các con mình cách đương đầu với chuyện này, để trưởng thành trong tự do và trung thực. 

Vấn đề bây giờ là chuẩn bị cho bản thân sau cuộc chia tay, để có thể đứng vững và nuôi con, để em không trở thành một phiên bản như mẹ ngày trước. Một chuyện nữa, có thể làm em nhẹ lòng hơn: trẻ bây giờ cũng khác thời trước nhiều lắm, chúng có những “kháng thể” đã được bối cảnh xã hội trang bị trước.

 Hãy hỏi ý kiến các con, hãy nói chuyện với các con, em sẽ thấy vững tâm hơn. Đừng nghĩ rằng không ly hôn là vượt qua thất bại ngày trước của cha mẹ, hãy nghĩ rằng, nếu mình bị những ký ức tồi tệ ám ảnh đến mức không dám tự do suy nghĩ và quyết định cuộc đời, thì đó mới là thất bại. Hãy mạnh mẽ em nhé.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI