Chồng càng ngày càng cộc tính

31/08/2024 - 10:49

PNO - Khi chồng em có thể chia sẻ được phần nào, em tùy thuộc vào đó mà bàn bạc cùng chồng, nếu công việc áp lực quá có khi phải thay đổi.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em cưới nhau 4 năm, có 1 bé gái và đang định sinh tiếp bé thứ hai. Vợ chồng em đã ở riêng gần nửa năm nay nhưng bây giờ em đang muốn chuyển về nhà ba má chồng ở chung trở lại.

Vẫn biết cuộc sống chung không thoải mái, nhiều cái phải phụ thuộc vào ý muốn của ba má chồng nhưng có một điều em cân nhắc là nếu ở chung, ít nhất khi chồng em nóng lên còn có người cản. Chứ giờ ở riêng, mỗi khi giận, anh thường nổi nóng, la lối lớn tiếng, nhiều khi còn đập bàn ghế… khiến mẹ con em rất sợ hãi. Lúc đó có nói gì cũng không làm anh nguội được.

Chồng em vốn cộc tính. Bình thường anh hiền, ít nói nhưng có những lúc không biết do ở chỗ làm có gì bất bình hay có ai đó nói gì mà anh không nói lại được, lúc về nhà, chỉ cần vợ con có lời nói hay việc làm nào đó khiến anh bực là anh trút hết ra bao nhiêu lời cộc cằn thô lỗ, kể cả chửi thề. Hết cơn thì anh lại trở về bình thường nhỏ nhẹ.

Hồi đầu em nghĩ thôi thì mình ráng chịu đựng để chồng có chỗ xả bớt áp lực. Nhưng gần đây anh ngày càng dễ bực dọc, lớn tiếng, nóng tính; có bữa con khóc ré lên anh còn đánh con.

Lúc ở nhà ba má, hễ lớn tiếng là bị la nên anh hay vô phòng nằm hoặc xách xe chạy đi đâu đó. Còn ở đây, nhiều bữa hàng xóm nghe anh la hét trong nhà, chạy qua gõ cửa, anh làm dữ như muốn đánh người ta luôn.

Em sợ giờ mà em có bầu, lúc nào đó anh nóng lên đánh con, làm sao em cản nổi. Ngoài việc phải về sống chung với ba má, có cách nào để chồng em nguội bớt không?

Ngọc Nhân (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Ngọc Nhân thân mến,

Để thay đổi tính cách một người, cần rất nhiều công sức và thời gian. Trong kế hoạch của gia đình em, nếu đã định sinh thêm con, tức là thời gian sẽ được ưu tiên cho em bé sắp sửa ra đời. Như vậy, chuyện thay đổi tính cộc cằn của chồng em sẽ phải từ từ mới tính được.

Trong trường hợp đó, giải pháp dọn về ở chung với nhà chồng là tốt. Ít nhất, mẹ con em không đơn độc khi phải đương đầu với cơn nóng nảy của chồng em. Thêm nữa, xung quanh em luôn có người, mà là người có trách nhiệm, để có thể trông chừng cho cả gia đình. Cuối cùng, khi sinh nở vất vả, em có gia đình chăm lo đỡ đần, cũng là giảm tải cho chồng em, để anh ấy đỡ bị quá tải rồi lại lên cơn nóng giận.

Em nên bàn với chồng về việc này để có sự đồng thuận, rồi vợ chồng em về xin phép ba má hẳn hoi. Sau này, khi có điều kiện thuận lợi, con cái cứng cáp, vợ chồng em có thể lại dọn ra ở riêng.

Với chồng em, việc các cơn nóng giận ngày càng dày đặc hơn là điều rất đáng lo ngại. Em hãy tìm cách “tháo ngòi” trước khi cơn nóng giận bùng nổ. Ví dụ hằng ngày hỏi chuyện chồng, tạo điều kiện cho anh ấy nói về công việc hay những điều ức chế ở chỗ làm. Nếu không thể chia sẻ, cơn nóng giận bất lực ngày càng tụ lại và sẽ xả xuống đầu kẻ yếu thế hơn.

Việc này nếu chỉ có gia đình cũng không thể giải quyết được hết. Khi chồng em có thể chia sẻ được phần nào, em tùy thuộc vào đó mà bàn bạc cùng chồng, nếu công việc áp lực quá có khi phải thay đổi.

Ngoài ra, những vấn đề khác như tiền bạc, nhà cửa, sức khỏe cũng có thể gây ra áp lực mà anh ấy có thể không tự nhận biết, em nên trò chuyện cùng chồng về tất cả những chuyện đó, giúp anh ấy nhận ra gốc rễ và biểu hiện của cơn nóng giận.

Phải nhận biết thì mới có thể kiểm soát. Khi đã nổi cơn cộc cằn, người ta thường không nhận thức và kiểm soát được bản thân. Vậy nên em phải kiên nhẫn giúp từ khi người ta chưa giận, chưa nóng. Đừng để tới lúc nóng giận rồi lại nhảy vào đôi co, chỉ trích; lúc đó lửa đổ thêm dầu sẽ thiêu rụi tất cả.

Sự mềm mại nhẹ nhàng kiên nhẫn của người vợ có thể sẽ làm giảm nhiệt phần nào nhưng đừng cho rằng chỉ vợ mới có thể dập lửa. Hãy nhờ đến ba má, đến người thân. Hãy tạo một môi trường an toàn cho cả gia đình, an toàn cho người dễ bị tổn thương và an toàn cho cả người nóng tính. Em chịu khó thu xếp việc nhà, mong rằng giai đoạn khó khăn này sẽ sớm qua.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tôi là người trong cuộc

Tuyết Châu (huyện Châu Thành, Tiền Giang): Về nhà ba má chồng không giải quyết tận gốc vấn đề

Việc chuyển về nhà ba má chồng chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Khi ba má còn sống, mỗi lúc chồng bạn nổi cơn thịnh nộ còn có người ngăn cản. Nếu sau này ba má trăm tuổi, ai sẽ là người dập tắt những cơn thịnh nộ của chồng bạn? Chưa kể, những khi chồng bạn nổi nóng sẽ vô tình gây áp lực, căng thẳng cho ba má chồng.

Bạn đang đối mặt với những lo lắng về tính tình của chồng thì không nên sinh con vào thời điểm này. Việc có thêm 1 đứa trẻ có thể làm tăng áp lực tài chính, tăng căng thẳng trong gia đình và chồng bạn có thể tăng tần suất lớn tiếng, nóng tính.

Bạn hãy thiết lập ranh giới rõ ràng, nói cho chồng nghe cảm xúc chịu đựng của bạn, nhấn mạnh rằng những hành vi này không thể chấp nhận, gây tổn hại đến tình cảm vợ chồng và những tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho con cái, ảnh hưởng đến mối quan hệ của gia đình và những người xung quanh. Nếu anh ấy không sẵn lòng thay đổi, bạn nên đề nghị sống riêng một thời gian để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và con cái.

Văn Mạnh (huyện Hóc Môn, TPHCM): Khuyến khích chồng đi gặp bác sĩ tâm lý

Chồng bạn có thể đang gặp phải những vấn đề tâm lý như stress, trầm cảm hoặc những rối loạn tâm lý khác mà ngay cả anh ấy cũng không biết.

Nhưng để anh ấy chịu đi gặp bác sĩ tâm lý không phải là điều dễ dàng. Bạn hãy giải thích cho chồng hiểu việc đi khám này là rất bình thường, mục đích cuối cùng là để gia đình hạnh phúc hơn.

Có thể nhờ sự tác động của ba má, thể hiện cho chồng bạn thấy rằng cả gia đình thực sự lo lắng cho sức khỏe tâm lý của anh ấy. Nếu anh ấy ngại đi một mình, bạn có thể đi cùng. Bạn không nên ép buộc mà phải kiên nhẫn, khuyến khích và cho anh ấy thời gian suy nghĩ.

Bạn hãy khuyến khích anh ấy tham gia vài môn thể thao hoặc tham gia cùng chồng để tạo động lực, giúp anh ấy giảm stress và cải thiện tâm trạng. Bạn có thể đăng ký cho chồng tham gia các khóa học thiền miễn phí để giúp anh ấy ổn định tâm lý, bớt nóng tính.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI