Chồng bỗng dưng tủi phận, dằn dỗi

12/02/2025 - 17:04

PNO - Chăm người ốm là chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần, mà đôi khi tinh thần còn quan trọng hơn. Chị cố gắng giải thích với các con, các cháu vì có thể do còn trẻ nên họ chưa hiểu được chuyện này.

Chào chị Hạnh Dung,

Chồng tôi năm nay 56 tuổi, làm nghề dạy học. Anh sống lành mạnh, chăm lo gia đình, bao lâu nay sức khỏe vẫn tốt, ngoài huyết áp, anh không bị bệnh vặt. Dịp cuối năm vừa rồi, anh bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện mấy ngày. Bác sĩ nói việc này không có gì nghiêm trọng, khi cơ thể đào thải hết độc tố thì sẽ trở lại bình thường. Vậy nhưng chồng tôi có vẻ lo lắng lắm, nhất là tâm trạng rất xấu. Anh hay buồn, trách móc vợ con.

Tôi nghe chỉ có đàn bà mới hay tủi phận, giờ thấy chồng còn dễ chạnh lòng, hờn tủi hơn mình nhiều lần. Dịp gần tết, các con đều bận rộn nhưng hễ không có vợ, con vào bệnh viện, ngồi bên cạnh, là anh không chịu ăn uống. Ngoài triệu chứng chính ngộ độc thực phẩm, anh than đau đầu, chóng mặt, khó thở, xin bác sĩ cho đi khám thêm nhiều chuyên khoa, thử máu. Anh suốt ngày tìm đọc những chuyện về đột quỵ, suy nghĩ rất tiêu cực. Vợ con động viên thì anh nói không ai lo lắng cho sức khỏe của anh. Khi bác sĩ cho xuất viện, anh tỏ ý muốn ở lại thêm để khám, vì anh nghĩ mình bị bệnh tim. Vợ con vào trễ một chút là anh im lặng, nằm quay mặt vô tường, mình có cố gắng nói chuyện thì nghe toàn lời hờn trách. Thậm chí anh nói muốn về ở với cô Tư - em gái anh, vốn không lập gia đình - để cô Tư chăm sóc chứ vợ con bận rộn suốt ngày để mặc anh đau ốm không ai lo.

Vẫn biết người đau ốm thường khó tính nhưng tôi lo ngại không biết liệu mai mốt cơn khó tính này có qua hay là anh đổi tính từ đây.

Ngọc Mẫn

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Chị Ngọc Mẫn thân mến,

Chồng chị trước nay không hay bị đau ốm, có thể trận ngộ độc thực phẩm này là cơn ốm trầm trọng nhất anh từng trải qua, chắc chắc nó có tác động sâu sắc đến thể chất và tinh thần của anh. Chị nên hiểu như vậy để dễ thông cảm, kiên nhẫn. Chăm người ốm là chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần, mà đôi khi tinh thần còn quan trọng hơn. Chị cố gắng giải thích với các con, các cháu vì có thể do còn trẻ nên họ chưa hiểu được chuyện này.

Khi cơ thể đau ốm, người ta thường cảm thấy tinh thần sa sút, dễ đau lòng, tủi phận. Y học đã cho thấy thực chất đó đều là phản ứng đau ốm: có thể tự điều tiết, hạ thấp năng suất làm việc của các cơ quan khác, tập trung năng lượng về để chữa lành phần cơ thể đang bị tổn thương. Chiến lược đối phó này của cơ thể khiến các cơ quan khác cũng hoạt động ở mức cầm chừng, yếu đi, do đó ta dễ cảm thấy buồn, lừ đừ, năng lượng tụt xuống mức thấp. Khi đó, ta khó có thể chia sẻ với niềm vui, với sự hăng hái tích cực của người khác. Nỗi lo lắng bị bỏ rơi, bị quên mất, bị xếp xuống hàng thứ yếu trong đời sống của gia đình khiến anh ấy tủi phận, dễ trách móc, dễ lo lắng nghĩ chuyện này chuyện khác.

Chị và các cháu cứ bình tĩnh chấp nhận chuyện “hờn tủi, khó tính” của anh ấy. Hết bệnh, khi thể chất khỏe mạnh, những biểu hiện này sẽ qua. Nếu bác sĩ đồng ý, chị cứ để anh được đi thăm khám các bệnh khác như anh muốn. Ốm đau bệnh tật cũng là dịp để kiểm tra sức khỏe, tính tình của mỗi người. Mọi chuyện đều có thể thay đổi theo thời gian. Đây cũng là dịp cả nhà thắt chặt tình thân, gần gũi nhau hơn. Từ tuổi trung niên trở lên, những câu chuyện liên quan đến sức khỏe, cách sống sẽ dần chiếm nhiều chỗ, chiếm thứ tự ưu tiên trong đời sống của mỗi người. Chị nên dành nhiều thời gian để ở cạnh chồng, lắng nghe và chia sẻ với anh nhiều hơn. Chúc chị bình tâm cùng anh bước qua một chặng đường mới của cuộc đời.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI