Chồng bị vợ bóp “của quý” tử vong: Giải tỏa cho bức xúc kéo dài?

12/07/2016 - 05:46

PNO - Bà Chưởng bóp chặt “của quý” ông Khải, khoảng hơn 5 phút sau mọi người khuyên ngăn thì mới bỏ ra. Lúc này, ông Khải mặt mày tím tái, bất động.

Chiều ngày 11/7, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đang tạm giữ bà Phan Thị Kim Chưởng (55 tuổi, ngụ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) để điều tra liên quan đến cái chết của người chồng là ông Lê Kim Khải (53 tuổi).

Được biết, vợ chồng bà Chưởng lấy nhau có 2 người con gái nhưng do xảy ra mâu thuẫn nên đã sống ly thân. Trong thời gian ly thân, ông Khải vẫn thường xuyên tìm về nhà đánh đập vợ mình.

Tối ngày 10/7, ông Khải đến nơi vợ ở tìm cách gặp thì thấy cửa đóng nên cưa đứt ổ khóa để vào nhà. Hai vợ chồng bà Chưởng mới gặp nhau đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn tới xô xát. Người con gái chạy vào can ngăn cũng bị ông Khải đánh đập.

Không chịu được thói vũ phu của chồng, bà Chưởng đã lập tức xông vào bóp mạnh “của quý” kéo đi khiến ông Khải ngã vật ra đất. Lập tức, bà Chưởng ngồi lên người chồng tiếp tục nắm “của quý” của chồng để khống chế.

Chong bi vo bop “cua quy” tu vong: Giai toa cho buc xuc keo dai?
Đường vào xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang - nơi xảy ra vụ việc bà Chưởng bóp "của quý" chồng dẫn tới tử vong.

Được hơn 5 phút, người dân đến khuyên nhủ bà Chưởng mới buông ra nhưng lúc này, ông Khải người tím tái, bất động và chết trên đường đi cấp cứu.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, ông Khải tử vong do tràn dịch, thức ăn vào khí quản từ hành động mà bà Chưởng gây ra.

Theo Luật sư Phạm Minh Hướng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi của bà Chưởng có thể bị khép vào tội vô ý làm chết người chứ chưa thể coi đó là giết người.

Ông Hướng phân tích: "Vô ý làm chết một người là trường hợp phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả đó chỉ có một người chết".

Người phạm tội vô ý làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 98 có khung hình phạt từ sáu tháng đến năm năm tù, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 phạt người phạm tội dưới sáu tháng tù hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn".

Căn cứ vào tình tiết sự việc bà Chưởng với người chồng, ông Hướng cho rằng, người phụ nữ đã hành vi trong lúc trạng thái tâm lý bị kích động mạnh. Trước đó, bà Chưởng cũng đã rất nhiều lần bị chồng đánh đập. Thời điểm xảy ra vụ án, nạn nhân còn hung hăng, đánh cả người con gái lao vào ngăn cản thì sự bức xúc, hoảng loạn của bà Chưởng còn được đẩy lên đến cao độ.

"Hành vi của bà Chưởng có thể hiểu chỉ là để cảnh cáo chồng, giải tỏa đi những bức xúc đã kiềm chế lâu trong lòng. Cái chết ông Khải là ngoài ý muốn của bà Chưởng nên không thể coi đó là tội giết người. Tuy nhiên, cần phải căn cứ thêm lời khai của nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường và nhân thân của nạn nhân, đối tượng gây án mới có thể đi đến kết luận cuối cùng" - ông Hướng nói.

Đoàn Văn
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI