|
Không ít “đấng mày râu” trầm cảm do bị phụ nữ bạo hành tinh thần triền miên - Nguồn ảnh minh họa: iStock |
Bị vợ tra khảo, chì chiết lúc nửa đêm
Anh Nguyễn T.N. - ở TP Thủ Đức, TPHCM, đang làm lãnh đạo một đơn vị hành chính sự nghiệp - đến với phòng trị liệu của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần Minh Trí (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) với dáng vẻ mệt mỏi, tâm trạng căng thẳng và dễ kích động, đối lập hoàn toàn với vóc người cao to, bề ngoài sang trọng.
“Kê bệnh” với chuyên gia trị liệu, anh cho hay, từ cách đây vài tháng, vợ anh đột nhiên trở thành người khác, thường xuyên ghen tuông vô cớ, liên tục nhắn tin cho anh với những lời lẽ đe dọa, xúc phạm vì cho rằng anh ngoại tình. Nơi làm việc cách nhà hàng trăm cây số nhưng ngày nào, anh cũng phải chạy xe về nhà để vợ yên tâm.
Buổi tối, anh không thể nào ngủ được do bị vợ thường xuyên dựng dậy lúc nửa đêm, tra khảo đủ điều về việc có đang ngoại tình hay không, thậm chí buông ra hàng tràng lời chì chiết, miệt thị, báng bổ, hăm dọa.
Anh T.N. thú thật, anh cảm thấy quá căng thẳng, mệt mỏi và không thiết sống nữa, nhưng anh không thể giãi bày với ai chuyện thầm kín, tế nhị này.
Trao đổi với luật sư Võ Thị Anh Loan (Công ty Luật Gold Key, TPHCM), anh Lê H.T. (quận 7, TPHCM) 3 lần bật khóc khi kể về tình trạng bị vợ bạo hành trong thời gian dài.
Cụ thể, từ khi biết cha mẹ chồng chia đất cho anh chị em, mỗi đêm, vợ anh H.T. đều gây áp lực, buộc anh phải hối thúc cha mẹ chia đất cho mình. Chị còn nghi ngờ anh đã được chia đất rồi nhưng không chịu sang tên để nhập thành tài sản chung, rằng anh mờ ám, không trung thực, có bồ nhí.
Để tránh những lời tra khảo, chì chiết của vợ, mỗi khi đi làm về, anh cố tình xem ti vi đến khuya, đi ngủ thật trễ, nhưng vẫn không yên thân do bị vợ xộc đến tắt ti vi, lớn tiếng chửi bới, thậm chí cào cấu vào tay, vào người.
Khi được hỏi “vì sao không nhờ đến sự khuyên nhủ của gia đình 2 bên hay sự giúp đỡ của chính quyền địa phương”, anh H.T. buồn rầu: “Từ đầu, tôi đã chọn cách nín nhịn, không nhờ đến chính quyền bởi xưa nay chưa thấy có vụ nào giải quyết trường hợp chồng bị bạo hành.
Hơn nữa, tôi biết tâm tính vợ tôi khó bề thay đổi. Trước áp lực nặng nề và dai dẳng của vợ, tôi đã cân nhắc nhiều thứ, cuối cùng quyết định để lại tài sản của cha mẹ mình cho các con, còn mình thì ly hôn vợ ở tuổi gần 50”.
|
Bị vợ bạo hành tinh thần dai dẳng, anh Lê H.T. đành chọn cách ly hôn - ẢNH: D.H. |
Muôn mặt bạo hành
Theo tiến sĩ Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - bạo lực có thể xảy ra với bất cứ gia đình nào và bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân. Đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực, kể cả bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục và đặc biệt là về kinh tế.
Trên các diễn đàn mạng, không hiếm thấy những lời than vãn, thậm chí cầu cứu của các thành viên nam trước tình trạng bị phụ nữ bạo hành.
Đó có thể là những bạn đồng tính nam chưa được gia đình tôn trọng xu hướng tính dục của mình, là nam sinh viên hoặc mới ra trường chưa tìm được công việc ổn định, những nam nhân khuyết tật, những người bệnh, người già… bị người thân đay nghiến khi sống chung nhà, hoặc là những ông chồng đang giải quyết ly hôn hoặc đã ly hôn phải đối mặt thường xuyên với thái độ khiêu khích, lời lẽ hằn học và hành vi gây hấn của gia đình vợ, vợ cũ.
Trên các báo điện tử, hầu như năm nào cũng có một vài tin vợ cắt “của quý” của chồng, gây đau đớn tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tiến sĩ Lê Minh Công nhận định: “Bạo lực gia đình để lại hậu quả tiêu cực trước mắt và lâu dài, bất kể nạn nhân là ai. Nó làm gia tăng căng thẳng, tác động xấu đến sức khỏe, tinh thần của nạn nhân hoặc cả hai, làm tan vỡ mối quan hệ trong gia đình, gây khủng hoảng niềm tin và giá trị tích cực cho thế hệ con cái”.
|
Tiến sĩ Lê Minh Công tư vấn cho anh Nguyễn T.N. cách thoát khỏi bạo lực gia đình ẢNH: D.H. |
Theo ông, để phòng, chống bạo lực gia đình, cần phải tạo dựng hệ giá trị của gia đình và điều này cần được thảo luận kỹ lưỡng trước khi kết hôn. Thậm chí, mỗi gia đình nên có bản khế ước về giá trị chuẩn mực cũng như các hành vi bị nghiêm cấm, để làm giới luật giúp gia đình yên ổn.
Trong gia đình, vợ và chồng nên phân chia vai trò rõ ràng, phù hợp và mỗi người phải có trách nhiệm làm đúng vai trong sự yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu. Khi bước vào hôn nhân, nam cũng như nữ đều cần học kỹ năng làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ.
Tô Diệu Hiền
565 nam bị bạo hành trong năm 2023 Trong khuôn khổ kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, ngày 22/5/2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo báo cáo, trong năm 2023, cả nước có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (gồm 1.520 vụ bạo lực thân thể, 1.400 vụ bạo lực tinh thần, 230 vụ bạo lực kinh tế, 110 vụ bạo lực tình dục). Về nạn nhân, có 1.600 nữ, 565 nam. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc thống kê số liệu cũng như triển khai các biện pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực gia đình luôn khó khăn do các nạn nhân thường có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị, chê cười nên không tố giác. |
Nam giới thường bị bạo lực về tinh thần, tài chính Nam giới bị bạo lực gia đình đã có từ lâu nhưng không phổ biến. Theo báo cáo gần đây của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉ lệ nam giới bị bạo lực gia đình tăng ở một số tỉnh, thành. Chẳng hạn, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận gần 100 ca nam giới bị bạo lực gia đình trong năm 2023. Qua các số liệu thống kê chưa chính thức, trên quy mô hẹp thì chưa thể kết luận rằng xu hướng bạo lực đang thay đổi hay nạn nhân bạo lực gia đình là nam giới gia tăng. Hiện nay, các vụ bạo lực gia đình ở giới nam cũng rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ, vùng miền. Không phải cứ nam giới có trình độ học thức thì không bị bạo lực. Nam giới thường bị bạo lực về tinh thần và tài chính nhiều hơn, còn nữ giới bị bạo lực thể chất và tình dục nhiều hơn. Tuy nhiên, các hình thức bạo lực có sự đan xen, chẳng hạn khi bị bạo lực về tài chính thì dẫn tới bạo lực về tinh thần hoặc ngược lại. Tuy vậy, mọi người thường chỉ nhận diện được các vụ bạo lực về thể chất (đánh đập, gây thương tích cơ thể). Để có cái nhìn bao quát và rõ nét hơn về bạo lực gia đình ở giới nam, cần có những nghiên cứu ở diện rộng. Bạo lực với phụ nữ hay nam giới đều để lại những hậu quả rất nặng nề và vẫn đang tồn tại. Thế giới có 15 - 17% nam giới bị bạo lực, chủ yếu về tinh thần và kinh tế. Nếu chỉ chú trọng nữ giới thì không thể có bình đẳng giới. Bà TRẦN THỊ BÍCH LOAN - Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) |
5 yếu tố khiến phụ nữ dễ gây bạo lực với chồng Việc ngày càng nhiều đàn ông bị bạo lực có thể do thứ nhất là, quyền bình đẳng nam nữ đã được cải thiện, phụ nữ hiện đại có sự thăng tiến về nhiều mặt, có vị thế trong gia đình, ngoài xã hội. Thứ hai là, phụ nữ thường bị stress cao hơn đàn ông do phải gánh vác nhiều trách nhiệm, công việc và họ có thể chuyển di cảm xúc tiêu cực sang chồng mình. Thứ ba là, các hình thức bạo hành của nữ giới dành cho chồng thường có xu hướng “ẩn” hơn, như về tinh thần, tình dục, kinh tế. Các hình thức này có thể đang gia tăng nhưng ngay cả nạn nhân cũng không nhận ra và vì thế, chúng ta cũng không hình dung hết mức độ ra sao. Thứ tư là, ngày nay, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nên trẻ em gái trở thành trung tâm của cả nhà, được yêu thương, chăm sóc tốt và thường ít được giáo dục các kỹ năng thấu hiểu hay các công việc nội trợ. Điều này làm cho họ gia tăng sự đòi hỏi với người chồng của mình, nếu không được đáp ứng, họ có thể sử dụng nhiều hình thức di chuyển cảm xúc tiêu cực lên đối phương như một thói quen (ngày còn nhỏ ở với cha mẹ có thể là ăn vạ, la hét, khi có chồng có thể là la mắng, đánh, kiểm soát chồng…). Thứ năm là, các giá trị trong gia đình ngày nay đang bị mâu thuẫn trầm trọng, trở thành vết nứt gãy cần hàn gắn nhưng khá khó khăn. Ví dụ, trước đây, phụ nữ được giáo dục “công, dung, ngôn, hạnh” và đàn ông mặc nhiên là người kiếm tiền. Cuộc sống hiện đại làm gia tăng những mâu thuẫn, áp lực cho cả 2 phía. Tiến sĩ LÊ MINH CÔNG |
Càm ràm tối ngày cũng là một kiểu bạo hành Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Quốc hội thì trong năm 2023, có 565 người đàn ông bị bạo hành. Tôi cho rằng, báo cáo cần làm rõ hơn các trường hợp này. Trên thực tế, có hiện tượng nam giới bị bạo hành và bạo hành ở đây không chỉ là đánh đập, dùng vũ lực mà còn ở nhiều hình thức khác. Trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, khi bàn về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tôi đã đặt vấn đề: “Đài phát thanh phát có giờ có giấc, nhưng “đài nhà” phát bất kể, thậm chí nửa đêm cũng phát. Đó là bạo hành nam giới về mặt tinh thần”. Để phòng, chống bạo lực gia đình, chúng ta vẫn nên bảo lưu quan điểm bảo vệ người yếu thế, trong đó có phụ nữ, trẻ em bởi đây vẫn là những đối tượng bị bạo hành nhiều hơn. Với bạo hành nam giới, cần có các giải pháp hài hòa, đặc biệt cần chú trọng tới công tác tuyên truyền, duy trì lối sống văn minh, tôn trọng đối với từng thành viên. Bạo hành dù xảy ra với giới nào cũng không thể chấp nhận được. Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (tỉnh Đồng Tháp) |
Đừng dùng bạo lực để thể hiện bình đẳng giới Trước đây, do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, tâm lý trọng nam khinh nữ nên hầu hết nạn nhân của bạo lực gia đình là nữ. Hiện nay, khi xã hội phát triển, như báo cáo thì có tình trạng nam giới cũng bị bạo hành. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã nêu 16 hành vi bạo lực gia đình. Ngoài bạo lực về thể chất, còn có các hành vi như lăng mạ, kỳ thị về năng lực của thành viên trong gia đình, gây áp lực thường xuyên về tâm lý… Như vậy, có rất nhiều kiểu bạo hành khác nhau, mà đôi khi bạo hành về mặt tinh thần còn gây mệt mỏi hơn các kiểu bạo lực khác. Tất nhiên, khi bị bạo hành, đàn ông phải đi tố cáo, chúng ta mới có số liệu báo cáo như trên. Nhưng thực tế, còn rất nhiều người không dám nói, thậm chí nghĩ rằng càng nói ra, càng bị bạo hành nhiều hơn. Hậu quả sẽ là những bữa cơm không lành, canh không ngọt, những “bài ca” không có hồi kết. Xã hội đã và đang lên tiếng, đấu tranh để phụ nữ đạt được bình đẳng giới. Bản thân phụ nữ cũng phải thể hiện quyền bình đẳng giới của mình, nhưng không phải bằng cách bạo hành nam giới. Trong gia đình, khi có vấn đề xảy ra, dù ai, bằng hình thức nào, bạo lực gia đình cũng là chuyện không hay. Đã là vợ chồng thì nên ngồi lại với nhau, giải quyết thuận hòa, êm thấm. Đại biểu Quốc hội PHẠM KHÁNH PHONG LAN (TPHCM) |
Huyền Anh - Minh Hà - Diệu Hiền (ghi)